Đàm phán bí mật đổ vỡ, Mỹ bối rối sau đảo chính bất thành ở Venezuela

03/05/2019 13:43:39

Quan chức Mỹ cho biết phe đối lập đàm phán ở hậu trường với các nhân vật cấp cao trong chính phủ Venezuela nhiều tháng trước đảo chính nhưng lại thất bại vào phút chót.

Lần thứ ba trong năm nay, phe đối lập ở Venezuela đã thất bại trong âm mưu tiếm quyền.

Các quan chức của chính quyền Trump kỳ vọng ngày 1/5 sẽ là khởi đầu cho sự sụp đổ của Tổng thống Nicolas Maduro cùng các nhân vật cấp cao trong chính phủ khi phe đối lập phát động cuộc nổi dậy với sự hậu thuẫn của quân đội.

Tuy nhiên, những cuộc đào ngũ được hứa hẹn đã không xảy ra, cuộc nổi dậy của quân đội không thành và Maduro dường như vẫn nắm quyền chỉ huy quốc gia Nam Mỹ.

Đàm phán bí mật đổ vỡ, Mỹ bối rối sau đảo chính bất thành ở Venezuela
Những người ủng hộ cầm quốc kỳ Venezuela và Mỹ khi nghe nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó phát biểu trong một cuộc biểu tình ở Caracas, Venezuela, ngày 1/5. Ảnh: AP.

Các quan chức của chính quyền Trump quay sang phàn nàn về sự hỗ trợ mà Venezuela nhận được từ Cuba và Nga trong khi đưa ra những cảnh báo mơ hồ về hành động quân sự.

Theo AP, đó là phép thử khác cho chính quyền Mỹ sau khi dốc lòng ủng hộ phe đối lập bằng một loạt biện pháp ngoại giao và kinh tế nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu lật đổ Maduro.

Nhân vật hai mang trong đàm phán bí mật

Mỹ luôn chỉ trích việc tái đắc cử của ông Maduro năm ngoái là bất hợp pháp và đã công nhận Juan Guaido, người đứng đầu phe đối lập của Quốc hội, là tổng thống lâm thời.

Một số người trong chính quyền nghĩ rằng họ sẽ đạt được mục tiêu vào tháng 1, khi Mỹ chính thức công nhận Guaido và khoảng 50 quốc gia khác có động thái tương tự.

Những người khác cho rằng tình hình có thể kết thúc vào tháng 2, khi phe đối lập đưa các xe tải viện trợ của Mỹ tới giúp đỡ người dân trong bối cảnh thiếu hụt lương thực và thuốc men giữa cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.

Các quan chức Mỹ và một số nhân vật đối lập ở Venezuela cho biết phe đối lập đã tổ chức các cuộc hội đàm bí mật với các thành viên thân cận của Tổng thống Nicolás Maduro trong những tháng gần đây để khiến Maduro rời bỏ quyền lực và thiết lập chính phủ lâm thời.

Các cuộc đàm phán liên quan đến những nhân vật cấp cao nhất của chính quyền Maduro, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino, Chánh án Tòa án tối cao Maikel Moreno, chỉ huy đội cận vệ tổng thống và người đứng đầu tình báo quân sự, tướng Iván Rafael Hernández.

Đàm phán bí mật đổ vỡ, Mỹ bối rối sau đảo chính bất thành ở Venezuela - 1
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez. Ảnh: AP.

Đặc phái viên Mỹ tại Venezuela Elliott Abrams cho biết phe đối lập tin rằng họ đã gần đạt được thỏa thuận đến mức văn bản pháp lý cho quá trình chuyển giao quyền lực đã được soạn thảo.

Cuối cùng, cuộc đàm phán bị phá vỡ với lý do chưa thể được xác định. Hôm 30/4, ông Guaidó, cùng một số ít binh sĩ của lực lượng Vệ binh Quốc gia, đã kêu gọi một cuộc nổi loạn, dẫn đến hai ngày liên tiếp biểu tình rộng khắp. Tuy nhiên, chỉ có một quan chức cấp cao của chính phủ, người đứng đầu lực lượng mật vụ của Venezuela, chuyển sang phe đối lập.

Các lực lượng an ninh đã ủng hộ Maduro trong suốt cuộc khủng hoảng không ồ ạt đổi phe. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino đã tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với chính phủ vào sáng sớm. Các quan chức quân sự cấp cao khác cũng có hành động tương tự. Tướng Padrino thậm chí còn cảnh báo rằng các lực lượng vũ trang sẵn sàng đổ máu trên đường phố để ngăn chặn việc lật đổ ông Maduro.

Mặc dù vậy, nỗ lực đàm phán thất bại cho thấy nhiều nhân vật cấp cao trong chính quyền Maduro có thể đang lung lay giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc. Điều đó cho thấy quyền lực của Maduro đang suy yếu, luận điểm mà các quan chức Mỹ nhấn mạnh trong tuần này ngay cả khi cuộc nổi dậy của Guaidó thất bại.

“Nếu anh là Nicolás Maduro, anh có thể nhìn vào bộ trưởng quốc phòng của mình và tin tưởng ông ta nữa không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng Maduro đang bị bao quanh bởi những con bọ cạp trong chai, nó chỉ là vấn đề thời gian”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với các phóng viên hôm 1/5.

Nhiệm vụ khó khăn

Sự thất bại của các cuộc đàm phán có thể khiến nỗ lực cải hóa những sĩ quan quân đội cấp cao nhất hoặc liên lạc với các quan chức ở hậu trường trở nên khó khăn hơn.

Fernando Cutz, cựu lãnh đạo về các vấn đề Tây Bán cầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói nếu thông tin của chính quyền Trump về các cuộc họp là đúng thì quyết định nêu tên các quan chức Venezuela đã tham gia thảo luận sẽ làm tổn hại các cuộc đàm phán tương lai.

“Thời điểm anh nêu tên họ, anh đã hoàn toàn hủy hoại những nguồn đó. Không đời nào họ sẽ liên lạc lại với bất kỳ ai nữa và họ cũng không muốn làm vậy vào thời điểm này vì họ đang trong tầm ngắm”, ông nói với Wall Street Journal.

Hôm 1/5, Abrams cho biết những người thân cận với Maduro “đã ngừng trả lời điện thoại”.

Đàm phán bí mật đổ vỡ, Mỹ bối rối sau đảo chính bất thành ở Venezuela - 2
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng về Venezuela, ngày 1/5. Ảnh: AP.

Cả Abrams và các quan chức cấp cao khác của Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết các cuộc đàm phán dường như đã sụp đổ do sự can thiệp của Nga và Cuba, điều đã thuyết phục ông Maduro ở lại.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov không phản hồi các cáo buộc cụ thể hôm 1/5 nhưng đã nói chuyện với ông Pompeo và cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề của Venezuela.

Nguồn tin thân cận các cuộc đàm phán cho biết không phải mọi người ở phía chính phủ Venezuela đều hành xử đáng tin. Người này nói rằng tướng Padrino đã đóng vai kẻ hai mang khi đồng thời báo tin cho ông Maduro cùng các quan chức hàng đầu và phía Nga.

Một nhân vật đối lập gần gũi với ông Guaidó mô tả các cuộc đàm phán là khó khăn. Người này nói rằng các quan chức chính phủ Venezuela “đã có thái độ thất thường, họ chấp thuận rồi lại đảo ngược”.

Ở Venezuela, tình hình vẫn bất ổn và mờ mịt vào ngày 1/5.

Harold Trinkunas, nhà khoa học chính trị tại Đại học Stanford, chuyên gia về quân đội Venezuela, cho biết phe đối lập phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi tìm cách cải hóa các thành viên quân đội, bao gồm các sĩ quan cao cấp trung thành với Maduro hoặc lo sợ hậu quả pháp lý và các hậu quả khác của sự thay đổi trong chính phủ.

“Còn quá sớm để nói nhưng chắc chắn động thái ban đầu của phe đối lập dường như không thể hiện được sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ mà họ cần có”, Trinkunas nói.

Với tình hình chưa chắc chắn, các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Trump, bao gồm cả Ngoại trưởng Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, người đã hủy chuyến đi tới châu Âu vì tình hình Venezuela, đang tập trung tại Nhà Trắng để thảo luận về các lựa chọn khả thi.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)