Hơi cay và đạn đã được bắn ra gần căn cứ không quân Carlota, nơi lãnh đạo đối lập Venezuela tuyên bố đảo chính. Tuy nhiên, chính phủ cho biết quân đội vẫn tuyệt đối trung thành.
Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 30/4 vẫn tin nhóm tạo phản trong quân đội Venezuela sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy của phe đối lập.
Nhưng tới cuối ngày thì Tổng thống Nicolas Maduro vẫn nắm quyền. Chỉ có Manuel Ricardo Cristopher Figuera, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Venezuela (SEBIN), công khai phản đối Tổng thống Maduro tiếp tục cầm quyền. Các quan chức hàng đầu của quân đội không đổi phe như lời kêu gọi của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
Phân tích sai tình hình
Kết quả này làm dấy lên câu hỏi liệu thông tin tình báo Mỹ nhận được về chính phủ ở Caracas là không chính xác. Các trợ lý của Tổng thống Trump có thể đã phân tích sai tình hình trên thực địa. Cuộc đảo chính bất thành mở ra khả năng Tổng thống Trump, nhiều lần được mô tả là nhiệt huyết hơn cả các trợ lý về việc lật đổ ông Maduro, dần mất kiên nhẫn khi tình thế hiện nay kéo dài.
Tổng thống Maduro đang suy yếu ở trong nước và sụt giảm uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ông vẫn là đối thủ đáng gờm, quyết không nhường quyền cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido - nhân vật được chính phủ Mỹ công nhận.
Dù Washington khởi đầu thuận lợi khi vận động hàng chục nước khác phản đối Tổng thống Maduro, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng cách phản ứng của Washington đang trở nên vô lối và hỗn loạn khi khủng hoảng kéo dài.
Các trợ lý của ông Trump đánh cược vào việc Juan Guaido kêu gọi biểu tình quy mô lớn và vận động quan chức cấp cao chính quyền Caracas rời bỏ hàng ngũ. Washington có lẽ kỳ vọng ngày 30/4 là bước ngoặc sau ba tháng gây sức ép lật đổ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng tải trên mạng xã hội thông điệp ủng hộ "Chiến dịch Tự do" của phe đối lập Venezuela. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gọi đây là "thời khắc có thể dẫn đến giải pháp" cho cuộc khủng hoảng. Cả hai quan chức hàng đầu tại Washington nhiều lần lên tiếng ông Maduro cần ra đi. Họ đẩy cao hy vọng rằng thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đang tiến rất gần đến mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo cánh tả.
Sau nỗ lực đảo chính bất thành, hai người lại quay sang đổ lỗi cho những bên khác nhau. Ngoại trường Mike Pompeo trách cứ Nga ngăn cản Tổng thống Maduro lên máy bay bỏ trốn khỏi Venezuela vào buổi sáng 30/4 trước khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton công khai danh tính ba quan chức hàng đầu của Caracas không thực hiện đúng lời hứa ủng hộ phe đối lập. Giới thạo tin tại Washington đoán cố vấn Nhà Trắng cố tình nêu tên ba người này vừa để tạo sức ép kéo họ về phe đối lập, vừa để giảm sự tin tưởng của Tổng thống Maduro với những nhân vật thân tín.
Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích cho rằng Ngoại trưởng Pompeo và ông John Bolton trong cơn giận đã vô tình để lộ thông tin tình báo nhạy cảm và tự làm mất đi các kênh giám sát giá trị.
Những bình luận của ngoại trưởng Mỹ về các thảo luận giữa Nga và ông Maduro có thể khiến nhà lãnh đạo Nam Mỹ thay đổi kênh liên lạc. Việc ông Bolton chỉ đích danh ba quan chức cấp cao trong chính quyền Caracas có thể chấm dứt mọi khả năng những người này đổi phe trong tương lai.
Nhà Trắng đang cạn dần sự kiên nhẫn
Những cựu quan chức lẫn đương nhiệm tại Washington tiết lộ tổng thống Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc hạ bệ nhà lãnh đạo Venezuela. Ông thậm chí từng đề cập khả năng can dự quân sự hạn chế với hy vọng nhanh chóng đạt được kết quả như mong muốn.
Caracas ám ảnh Washington đến mức Ngoại trưởng Pompeo sẵn sàng bổ nhiệm chiếc ghế đặc phái viên vấn đề Venezuela cho Elliott Abrams - "cái gai" trong mắt Nhà Trắng vì những chỉ trích gay gắt dành cho ông Trump trong giai đoạn tranh cử năm 2016.
Kinh nghiệm của Abrams lại hữu ích cho mục tiêu của Washington trong vấn đề Venezuela. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, ông tham gia bí mật cung cấp vũ khí cho các nhóm du kích chống chính phủ ở Nicaragua. Sang thời Tổng tống George W. Bush, ông nằm trong nhóm đề xuất phát động chiến tranh ở Iraq.
Dù vậy, Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ của mình với lời hứa không đi lại vết xe đổ của chủ nghĩa can thiệp nước ngoài như những người tiền nhiệm. Ông cũng không đề cập công khai vấn đề Venezuela với tần suất dày đặc như một số trợ lý.
Dù ông Trump thường đe dọa các nước đối thủ của Mỹ mà đặc biệt là Iran, ông không mấy mặn mà với phương án hạ bệ lãnh đạo các quốc gia này và thay thế bằng ứng viên được lòng Washington. Nhà lãnh đạo 72 tuổi tin mô hình này có rủi ro dẫn đến sa lầy quân sự tốn kém và vô ích.
Nhiều nhân vật trong Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ cơ quan này đánh giá phải thêm nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa ông Maduro mới có rủi ro đánh mất quyền lực. Washington không đặt ra thời hạn nào cho nỗ lực lật đổ Maduro. Họ cũng không tiến xa hơn lời đe dọa sử dụng biện pháp quân sự là một phương án được cân nhắc.
Tuy nhiên, việc các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump liên tục đưa ra bình luận về tình hình Venezuela cho thấy Nhà Trắng sắp hết kiên nhẫn.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đang tìm cách động viên Tổng thống Trump theo đuổi lập trường cứng rắn hơn.
Ngoại trưởng Pompeo ngày 1/5 bất ngờ hé lộ Tổng thống Trump luôn sẵn sàng "làm những gì cần làm" trong trường hợp lựa chọn hành động quân sự giải quyết khủng hoảng. Ông cũng điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về tình hình Venezuela.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cùng ngày hủy chuyến công tác tại châu Âu, ở lại họp bàn kế hoạch cho biên giới phía nam và tình hình quốc gia Nam Mỹ.
Sau khi đảo chính bất thành, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tổ chức cuộc họp cấp cao thảo luận "những bước đi thêm để đẩy nhanh và đảm bảo chuyển giao quyền lực hòa bình" ở Venezuela, theo tiết lộ của ông Bolton.
Nhà Trắng có vẻ chưa chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho can thiệp quân sự tại Nam Mỹ, nhưng sau những diễn biến vừa qua tại Caracas, chính quyền Tổng thống Trump có thể bắt đầu cân nhắc những kế hoạch mới.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)