Đại sứ Nga tại Jakarta cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Indonesia, nước với tư cách là chủ tịch luân phiên, vào tháng 11 năm nay.
"Không chỉ G20, nhiều tổ chức khác cũng đang cố gắng trục xuất Nga... phản ứng của phương Tây như vậy là hoàn toàn không cân xứng", đại sứ Lyudmila Vorobieva phát biểu trong cuộc họp báo.
Trước đó Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đánh giá xem liệu Nga có nên tiếp tục nằm trong Nhóm 20 (G20) của các nền kinh tế phát triển sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Đã có các cuộc thảo luận về việc liệu Nga có tiếp tục phù hợp là một thành viên G20 nữa hay không. Nếu Nga vẫn là thành viên, G20 sẽ trở thành tổ chức kém hữu ích hơn", các nguồn tin tham gia cuộc thảo luận của Mỹ và đồng minh phương Tây ngày 22/3 cho hay.
Tuy nhiên nguồn tin do Reuters thu thập cũng cho thấy khả năng loại Nga là khó khăn do nhiều nền kinh tế trong nhóm sẽ phủ quyết như Trung Quốc, Ấn Độ, Arab Saudi và các nước khác.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có quyết định loại Nga khỏi G20 khi gặp các đồng minh tại Brussels, Bỉ tuần này hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng "Nga không thể hoạt động như bình thường trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch tham khảo ý kiến đồng minh trước khi đưa ra quyết định.
Liên quan đến hội nghị, nhiều nguồn tin cho hay Trung Quốc đang vận động để hội nghị G20 cuối năm nay sẽ không bàn đến vấn đề Nga-Ukraine.
Tờ South China Morning Post ngày 19/3 đăng tải một bài bình luận nhận định rằng Trung Quốc đang cố gắng vận động để không đưa cuộc xung đột Nga-Ukraine vào chương trình nghị sự tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế quy mô vì lo sợ hình ảnh công chúng của Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng do lập trường của quốc gia này đối với khủng hoảng Ukraine.
Cụ thể, Trung Quốc cho rằng G20 là diễn đàn để giải quyết các vấn đề kinh tế đặt ra cho thế giới giai đoạn hậu COVID-19 và nên bám sát sứ mệnh cốt lõi của tổ chức.
Chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, do vậy các nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để xác định nỗ lực của Bắc Kinh có thành công hay không dù nước chủ nhà Indonesia chia sẻ cùng quan điểm với Trung Quốc.
G20 là tên gọi viết tắt của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 20 nền kinh tế này bao gồm 19 nước (Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Argentina, Brasil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, México, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Anh, Ý) và Liên minh châu Âu.
Ngoài 20 thành viên chính thức trên, trong các cuộc họp của G20 còn có sự tham gia của Giám đốc Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Chủ tịch của Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế (IMFC) và Chủ tịch Ủy ban phát triển (DC) của IMF và WB.
G20 được thành lập vào năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, với hội nghị đầu tiên diễn ra tại Berlin (Đức).
QT (Nguoiduatin.vn)