Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất gồm 25 thành viên của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhóm họp vào ngày thứ năm 13/12 và đưa ra thông cáo trong đó viết "cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được chiến thắng áp đảo" kể từ kỳ Đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra cuối năm ngoái.
Nhưng cơ quan này cũng cho rằng tình hình phía trước vẫn còn khó khăn và cuộc chiến này phải được tiếp tục.
"Chiến thắng áp đảo" là cụm từ cho thấy sự thay đổi trong đánh giá của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai năm trước, phát biểu trước Bộ Chính trị, ông Tập cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng "đang trên đà áp đảo" và 10 tháng sau đó, trong kỳ Đại hội lần thứ 19, ông Tập hối thúc đảng Cộng sản Trung Quốc giữ đà này và tiến tới một "chiến thắng áp đảo".
Tuyên bố gần đây của Bộ Chính trị đánh dấu sự thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc đạt được mục tiêu này, chỉ hơn một năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Tiếp tục chống tham nhũng
Hơn 1,3 triệu quan chức trong đảng ở các cấp độ khác nhau đã bị bắt giữ và xét xử trong chiến dịch, từ những người đầy quyền lực được coi là "hổ" cho đến những người ở vị trí thấp hơn ở hạng "ruồi", kể từ khi chiến dịch này được bắt đầu vào cuối năm 2012.
Tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc khiến giới quan sát khá bất ngờ, mặc dù cơ quan này không nêu rõ các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ thành công của chiến dịch.
Ông Trang Đắc Thuỷ, chuyên gia về quản trị trong sạch của Đại học Bắc Kinh cho rằng cụm từ "chiến thắng áp đảo" không có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng đã hoàn thành.
Chuyên gia này nhận định "chiến thắng áp đảo" vẫn chưa phải là "chiến thắng cuối cùng". Ông Trang cũng chia sẻ: "Cá nhân tôi cho rằng mọi thứ mới đạt được 60% quá trình. Sẽ có những cụm từ mới để mô tả những mục tiêu mới được đề ra".
Tân Hoa xã nhận định việc thay đổi "trên đà áp đảo" sang "chiến thắng áp đảo" có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng đã thay đổi trọng tâm, từ số lượng sang chất lượng.
Hãng thông tấn này cũng mô tả việc thành lập Uỷ ban Giám sát Quốc gia và các nhánh của cơ quan này vào hồi tháng ba là một cột mốc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cơ quan mới này sẽ mở rộng tầm kiểm soát từ 90 triệu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc đến tất cả những người làm việc trong lĩnh vực nhà nước, bao gồm cả những người không phải là đảng viên làm việc cho các bệnh viện và trường học công lập.
Giáo sư đại học Hong Kong Châu Giang Nam, người chuyên nghiên cứu về tham nhũng, cho rằng tuyên bố của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy tín hiệu về việc chấm dứt phong cách chống tham nhũng gắt gao và quyết liệt.
Chuyên gia này cho rằng: "Nhà chức trách Trung Quốc sẽ dựa nhiền hơn vào quyền lực của Uỷ ban Giám sát Quốc gia để chống tham nhũng trong tương lai và giữ vững kết quả tốt từ quá trình làm việc gắt gao trước đó".
Cũng trong ngày thứ năm, Bộ Chính trị Trung Quốc đã có phiên thảo luận nhóm để tái cơ cấu lại uỷ ban này, Chủ tịch Tập kêu gọi kỷ luật đảng cần phải được kết hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan hành pháp để đẩy mạnh việc "thể chế hoá theo luật và tiêu chuẩn hoá" động lực chống tham nhũng.
Mặc dù Bộ Chính trị đảng Cộng sản TQ cho rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục với cường độ không hề suy giảm, nhiều nhà quan sát cho rằng sự thay đổi về câu từ thể hiện sự chuyển dịch ưu tiên của đảng.
Kinh tế quan trọng hơn
Thông báo sau phiên thảo luận cũng nhắc đến triển vọng kinh tế quốc gia trong năm tiếp theo, và cho rằng Trung Quốc nên phát triển "một thị trường nội địa mạnh mẽ" để tránh bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài.
Một đánh giá chính thức của chính phủ được đưa ra vào ngày 14/12 cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong quý 4 năm nay sẽ thấp hơn cả quý 3, mặc dù con số 6,5% của quý 3 đã là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa thể giảm nhiệt.
Đinh Học Lương, nhà khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong cho rằng các vấn đề kinh tế và tài chính của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc chiến thương mại với Mỹ, và điều đó chiếm sự quan tâm lớn nhất vào lúc này.
Ông Đinh cho rằng: "Cách dùng từ khác đi thể hiện sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây, chiến đấu chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu của đảng. Nhưng bây giờ nó không còn là ưu tiên số một nữa".
Ông Đinh cũng nhận định: "Điều này không có nghĩa là chống tham nhũng sẽ bị loại khỏi danh sách những việc cần làm, nhưng những vấn đề về kinh tế và tài chính trở nên quan trọng hơn rất nhiều".
Các chuyên gia khác thì cho rằng tuyên bố này của Bộ Chính trị là một cách để Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện những thành tựu chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế có dấu hiệu sa sút.
Ông Trương Lý Phan, một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh nhận định rằng đang có nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và việc nhấn mạnh sự thành công của kế hoạch chống tham nhũng gắn liền với tên tuổi ông Tập là một cách để khẳng định khả năng lãnh đạo.
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập đã được đánh giá là một thành tựu lịch sử trong một buổi triển lãm ở Bắc Kinh đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Bà Lý Linh, giảng viên bộ môn Chính trị Trung Quốc tại Đại học Vienna, cho rằng việc tuyên bố chiến thắng chiến dịch chống tham nhũng cũng là một bước chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm sau.
"Đánh dấu lễ kỷ niệm với một chiến thắng của đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng sẽ giúp tạo hình ảnh một chính phủ biết cách quản lý dưới sự chỉ đạo của ông Tập, và cũng giúp cải thiện hình ảnh nhà nước", bà Lý nhận định.
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)