LTS: Ngay sau khi kết thúc cuộc giao lưu trực tuyến kéo dài 4 giờ 20 phút giữa Tổng thống Vladimir Putin với người dân Nga ngày 7/6, nhà báo Igor Britov từ Moskva đã gửi cho báo điện tử Trí Thức Trẻ bài phân tích dưới đây.
Khoảng cách trước và sau bầu cử
Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống vừa qua, ông Vladimir Putin đã nói những gì cử tri muốn nghe, hiển nhiên nhằm giành được sự ủng hộ của họ. Nhưng trong cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ 16 đúng một tháng sau lễ nhậm chức, ông chủ Điện Kremlin đã có thể nói thẳng về kế hoạch của mình trong 6 năm tới.
Với trên 70 câu trả lời của ông Putin về nhiều vấn đề “nóng”, người ta nhận thấy những cam kết tranh cử không ăn nhịp với những bước đi đã và đang được chuẩn bị trên lĩnh vực đối nội mà Tổng thống đã “bật mí” trong cuộc giao lưu. Công bằng mà nói, đấy cũng là chuyện thường tình, khắp thế giới đều như vậy. Công nghệ tranh cử đem lại những bài phát biểu “ngọt ngào”, nhưng sau khi cuộc bầu cử hạ màn thì xã hội nhận được nhiều quả đắng. Ở các nước Tây Âu, ở Mỹ… đều như thế.
Theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống Putin có thể nhận thấy những điều trái ngược giữa cam kết tranh cử với chính sách trên thực tế chủ yếu liên quan lĩnh vực chính sách xã hội. Người dân Nga nêu ra nhiều câu hỏi về những vấn đề trong đời sống thực của họ. Khi ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ tư, ông Putin đã công bố với toàn xã hội những mục tiêu to lớn, như giảm một nửa số người nghèo, tăng tuổi thọ lên 78.
Nhưng ngày 7/6, Tổng thống Putin đã đề cập những biện pháp mới trong chính sách xã hội mà nhiều chuyên gia chính trị và kinh tế cho rằng việc thực hiện nhất định sẽ làm cho tình hình xã hội Nga xấu đi, gây ra sự hoài nghi đối với khả năng đạt tới những mục tiêu được đề ra mùa Xuân vừa qua.
Dư luận được biết Chính phủ Nga đang soạn thảo “một loạt quyết định không được lòng dân”. Trong số đó biện pháp nâng tuổi nghỉ hưu. Có những phương án khác nhau được xem xét, chẳng hạn, có thể nghỉ hưu ở tuổi 65.
Tổng thống Putin khẳng định biện pháp này cần thiết để tăng phúc lợi cho người về hưu. Thế nhưng ở Nga hiện nay ngay cả những người tuổi 40 cùng khó tìm được việc làm vì người sử dụng lao động muốn lựa chọn người trẻ.
Chính Tổng thống Putin cũng thiên về chuyện này, ông cất nhắc những nhà kỹ trị tuổi 30 vào các chức danh nhà nước. Người sử dụng lao động thường coi những người trên 60 tuổi là đã “quá hạn sử dụng”. Do đó, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm tình trạng thất nghiệp, người nghèo và làm giảm tuổi thọ - trái với những tuyên bố vận động tranh cử.
Những mục tiêu lớn và “dấu ấn lịch sử”
Cuộc giao lưu trực tuyến một lần nữa cho thấy ông Putin là một nhà lãnh đạo nhiều tham vọng, ông muốn “để lại dấu ấn” trong lịch sử Nga. Ông khao khát những thành tựu thật hoành tráng trong nhiệm kỳ thứ tư kéo dài tới năm 2024.
Thực tế ông đã làm được một điều chắc chắn được ghi vào sử sách - đưa Crimea trở về với nước Nga. Trong sự kiện này, Putin thể hiện mình là một chính khách tài giỏi: chớp lấy thời cơ hỗn loạn ở Ukraina và tránh được đổ máu. Không có thương vong trong vụ Crimea sáp nhập vào Nga.
Hiện nay, ông Putin phải giành được những thành tựu kinh tế to lớn và củng cố vị thế quốc tế của đất nước. Hai nhiệm vụ này gắn chặt hữu cơ. Khi sức mạnh kinh tế được tăng cường, nước Nga trở nên hấp dẫn các đối tác nước ngoài. Và mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận những thị trường mới, thu hút được vốn đầu tư, nước Nga có điều kiện nâng cao tiềm lực kinh tế của mình.
Tổng thống Putin đã đặt ra nhiệm vụ đưa Nga lọt vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới (hiện nay mức trung bình đó là 3,9%).
Năm vừa qua đã đem đến nhiều hy vọng về việc bất chấp cấm vận, Nga dần dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng của mấy năm trước và chuyển sang giai đoạn phát triển. GDP của Nga năm ngoái tăng 1,5%.
Đó chủ yếu nhờ thực hiện những dự án lớn, như hạ tầng thể thao ở 11 thành phố tiếp đón World Cup 2018; là cầu Crimea dài 19 km; là tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Để GDP tăng trưởng bền vững thì cần có những dự án đồ sộ mới. Hiện đang có kế hoạch triển khai nhiều dự án với sự tham gia của nước ngoài. Mặc dù Mỹ ngăn cản để buộc Châu Âu phải mua khí đốt của Mỹ nhưng dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2” đưa khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Ban tích vẫn được thực hiện.
Có khả năng một dự án đường ống khác sẽ được triển khai để xuất khí đốt sang Bungari. Cách đây vài năm, do áp lực của EU, Bungari đã từ chối xây dựng tuyến đường ống này cùng với dự án nhà máy điện hạt nhân do Nga đầu tư. Nhưng hiện nay lãnh đạo Bungari thừa nhận đã sai lầm và muốn nối lại các dự án đó.
Khen và chê
Cuộc giao lưu trực tuyến năm nay là một cuộc đối thoại đầy xúc cảm. Có những câu hỏi, những nhận xét rất thẳng thắn, khó chịu. Giao lưu với người dân cả nước, Tổng thống Putin vừa được nghe nhiều lời khen, lời cảm ơn nhưng cũng nhận được nhiều lời phê phán.
“Thưa Tổng thống, chúng tôi rất tự hào về ông”, “Tổng thống là chiến binh thật sự!”. Đó là một phía. Nhưng từ phía khác cũng có những lời trách cứ: “Chúng tôi ngày càng khổ, chỉ Điện Kremlin thì lúc nào cũng thấy tốt đẹp!”, “Chúng tôi đã bỏ phiếu cho ông, nhưng bây giờ Tổng thống cũng không giải quyết được vấn đề xăng tăng giá”.
Trong cuộc giao lưu ngày 7/6, câu chuyện giá xăng tăng đã trở nên nóng bỏng. Người dân Nga không thể hiểu vì sao một cường quốc xuất khẩu dầu khí như Nga mà lại để xăng trong nước tăng giá liên tục, ảnh hưởng đến nhiều loại giá cả khác.
Thông qua cuộc giao lưu trực tuyến, người dân Nga cũng tìm cách “nhờ” Tổng thống hỗ trợ giải quyết những vấn đề cụ thể của họ. Cũng như các cuộc giao lưu với Tổng thống trước đây, người dân phản ánh những khó khăn, bất cập về nhà ở, về y tế, đường sá… Năm nay thể thức giao lưu trực tuyến được cải tiến, khi người dân địa phương nào “kêu khổ” với Tổng thống thì lập tức ban tổ chức kết nối với lãnh đạo địa phương đó để họ trả lời công khai.
Cuộc giao lưu trực tuyến có thể mang lại cho Tổng thống Nga cơ hội rất tốt để lắng nghe những tiếng nói từ cơ sở, nắm bắt nhịp sống của đất nước và phần nào kiểm nghiệm được mức độ triển khai trên thực tế những chủ trương, chính sách của Nhà nước, từ đó sẽ cân nhắc những giải pháp thích hợp cho từng vấn đề.
Cân bằng chiến lược giữa các cường quốc
Các vấn đề đối ngoại không được người dân hỏi nhiều trong cuộc giao lưu. Có một câu như sau: “Liệu có xẩy ra chiến tranh thế giới lần thứ ba?”. Theo Tổng thống Putin, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trên thế giới chưa xẩy ra xung đột toàn cầu. Bởi vì giữa các cường quốc quân sự thiết lập được cân bằng chiến lược.
“Dù có thể mọi người cảm thấy không êm tai nhưng tôi muốn nói ra sự thật sau đây. Nỗi sợ hãi cùng bị hủy diệt đã luôn luôn kiềm chế, không để các cường quốc có những hành động quá đáng và buộc họ phải tôn trọng lẫn nhau” – Tổng thống Putin nói.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Theo Nhà báo Igor Britov (Soha/Trí Thức Trẻ)