Theo RT, luật này áp đặt lên bất cứ quốc gia hay cá nhân nào có "hành động thù địch" chống Nga. Luật cho phép chính quyền Nga cắt đứt hợp tác quốc tế với chính phủ nước ngoài, cũng như áp đặt giới hạn xuất nhập khẩu lên hàng hóa của quốc gia chịu lệnh trừng phạt.
Mặc dù vậy, do tình trạng khan hiếm một số loại hàng hóa tại Nga, đạo luật mới không áp dụng với những sản phẩm nhập khẩu thiết yếu mà Nga không thể tự sản xuất hoặc không thể nhập khẩu từ quốc gia khác.
Đạo luật được xây dựng với mục tiêu bảo vệ "an ninh và lợi ích kinh tế" được Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin và lãnh đạo 4 nhóm nghị sĩ lớn tại Hạ viện đưa ra hồi tháng 4. Dự luật này nhanh chóng được các nhà lập pháp Nga và giờ là Tổng thống Putin thông qua nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington.
Quan hệ Nga - Mỹ đang ở trạng thái xấu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đầu tháng 4, Mỹ đưa 38 cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách trừng phạt, với những biện pháp cứng rắn như phong tỏa tài sản và cô lập kinh tế. Trong danh sách này có nhiều quan chức và tài phiệt được cho là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, Mỹ đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga ở Seattle, với lý do thể hiện sự đoàn kết với Anh sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc. Nga đáp trả bằng cách trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố St. Petersburg.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)