Cựu CEO 'gây bão' với câu nói: 'Nhân viên yêu cầu tăng lương là đáng xấu hổ'

28/03/2024 08:12:31

Bà Indra Nooyi tuyên bố bản thân 'chưa bao giờ, chưa bao giờ' yêu cầu tăng lương và thấy toàn bộ ý tưởng này thật ‘đáng xấu hổ’. Tuy nhiên, nghịch lý là lương bà được trả cao gấp 650 lần lương nhân viên bình thường.

Bà Indra Nooyi, một trong những CEO được trả lương cao nhất thế giới trong thời gian làm việc tại PepsiCo từ năm 2003-2018, đã gây “bão” về quan điểm của bà liên quan đến vấn đề lương thưởng. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí New York Times, Nooyi khoe rằng bà “chưa bao giờ yêu cầu tăng lương”. Nooyi cho biết bà thậm chí còn từ chối mức tăng lương mà hội đồng quản trị đề nghị vì cảm thấy không thoải mái khi nhận một khoản lương trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, theo Business Insider.

Cấp dưới của bà tại PepsiCo đã từng yêu cầu bà trả lương cao hơn vì lương của họ dựa trên lương của bà nhưng Nooyi từ chối với điều đó.

“Tôi không thể tưởng tượng được việc làm việc cho ai đó và nói rằng lương của tôi không đủ”, nữ CEO gần 70 tuổi nói. Vị giám đốc điều hành này cũng nói thêm rằng vì lớn lên không có nhiều tiền nên vợ chồng bà đã không nâng cấp nhà cửa ngay khi Nooyi làm CEO.

Nghịch lý là những người duy nhất luôn cho rằng tiền không quan trọng lại là những người có rất nhiều tiền. Indra Nooyi đã hoàn toàn đúng khi nói rằng bà không cần tăng lương bởi bà kiếm được 31 triệu USD chỉ trong năm cuối cùng với tư cách là Giám đốc điều hành của PepsiCo, theo The Guardian. 

Theo một phép tính, bà được trả lương cao gấp 650 lần so với nhân viên trung bình của công ty. Bà cũng từng là thành viên hội đồng quản trị của Amazon- công ty vốn bị gắn mác không tốt về môi trường lý tưởng và tiền lương nhân viên được trả.

Cựu CEO 'gây bão' với câu nói: 'Nhân viên yêu cầu tăng lương là đáng xấu hổ'
Bà Indra Nooyi là một trong số ít những phụ nữ da màu từng điều hành một tập đoàn lớn của Mỹ.

Trong khi đó, bất bình đẳng thu nhập ở công sở đã tăng lên mức kỷ lục. Một số người bình luận: “Nếu Nooyi không thể tưởng tượng được làm thế nào ai đó có thể nói rằng họ không được trả đủ lương chắc chắn bà ấy có trí tưởng tượng cực kỳ kém”.

Một số cũng chỉ trích sự tự nhận thức của Nooyi. Trong cuộc phỏng vấn, bà “tự hào” về việc gia đình bà đã sống trong cùng một ngôi nhà trong hơn 30 năm. “Chúng tôi không chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn. Tất cả những gì chúng tôi làm là mua bất động sản bên cạnh và phá bỏ ngôi nhà để không ai có thể xây một dinh thự khổng lồ”. Thỉnh thoảng, bà cho phép hàng xóm đi dạo trong khu đất trống.

Được biết, bà Nooyi sinh năm 1955 và lớn lên ở thành phố Chennai, Ấn Độ. Bà có bằng cử nhân Vật lý, Hóa học và Toán học tại Madras Christian College năm 1974 và hoàn thành bằng MBA tại Học viện Quản lý Ấn Độ Calcutta năm 1976. Sau đó, bà theo học Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Công và Tư nhân tại Trường Quản lý Yale (Mỹ) vào năm 1980.

Nooyi gia nhập PepsiCo vào năm 1994 và giữ nhiều vị trí khác nhau trong công ty trước khi trở thành Giám đốc điều hành (CEO) vào năm 2006. Năm 2018, Indra Nooyi từ chức CEO sau 12 năm phục vụ nhưng vẫn giữ chức chủ tịch công ty cho đến đầu năm 2019. Bà được công nhận về khả năng lãnh đạo và thành tích trong thương trường, bao gồm cả việc có tên nhiều lần trong danh sách "100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" của Tạp chí Forbes.

Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey và cuốn sách "Lean In" của nữ COO Facebook Sheryl Sandberg, trung bình, phụ nữ trong kinh doanh yêu cầu tăng lương và thăng chức nhiều hơn nam giới. 

Năm 2018, Harvard Business Review công bố một báo cáo cho thấy phụ nữ yêu cầu tăng lương nhiều như nam giới, nhưng nam giới “thành công” hơn với yêu cầu của mình, với tỷ lệ thành công là 15% đối với nữ và 20% đối với nam.

Theo Tử Huy (VietNamNet)