Thị trấn La Rinconada nằm trên Andes ở Peru là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người. Đây là nơi cao nhất trên Trái đất có người ở khi La Rinconada được xây dựng ở độ cao từ 5.000 - 5.300m so với mực nước biển.
Còn được biết đến với biệt danh " Thiên đường của quỷ", cuộc sống ở La Rinconada khiến nhiều người tò mò. Theo các nhà nghiên cứu, người dân sống ở thị trấn này đối mặt với một số thách thức.
Cụ thể, cuộc sống ở La Rinconada vô cùng khó khăn khi không có nước sinh hoạt, hệ thống cống rãnh hay xử lý rác. Thực phẩm mà người dân nơi đây sử dụng được nhập từ những vùng ở độ cao thấp hơn. Điện chỉ được lắp đặt trong thị trấn vào năm 2000.
Thị trấn La Rinconada nổi tiếng với hoạt động đào vàng, khởi đầu như một khu định cư khai thác mỏ tạm thời cách đây hơn 60 năm. Để có thể khai thác vàng, cư dân phải thích nghi trong điều kiện cực hạn với áp suất oxy bằng 1/2 so với ở mực nước biển.
Nếu không sinh ra ở độ cao lớn và quen đi lại ở địa điểm như La Rinconada thì một trong những thay đổi đầu tiên mà mọi người sẽ cảm nhận được là nhịp thở và nhịp tim tăng lên.
Điều này là do có ít oxy hơn trong không khí nên phổi và tim cần hoạt động vất vả hơn để nuôi dưỡng các mô.
Ban đầu, tỷ lệ hemoglobin, protein trong tế bào hồng cầu vận chuyển oxy trong máu của con người sẽ sụt giảm. Khi càng ở địa điểm có độ cao ngày càng lớn so với mực nước biển, tất cả phản ứng trên sẽ càng mạnh.
Một số người có thể mắc hội chứng gọi là say núi cấp tính (AMS) khi cơ thể tìm cách thích nghi với lượng oxy thấp hơn. Điều này có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa và mất khẩu vị.
Thông thường, sau khoảng 1 - 2 tuần ở độ cao lớn, nhịp tim và nhịp thở của con người sẽ giảm đôi chút do cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn và hemoglobin để bù đắp cho lượng oxy thấp trong không khí.
Người dân ở La Rinconada dường như thích nghi với môi trường nồng độ oxy thấp theo nhiều cách. "Có nhiều bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy thể tích phổi tăng ở những người tiếp xúc với độ cao lớn, đặc biệt là trước tuổi thanh thiếu niên", Cynthia Beall, giáo sư danh dự ngành nhân chủng học ở Đại học bảo tồn Case Western tại Ohio, lý giải.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)