Cuộc sống của những người thoát khỏi Covid-19

23/03/2020 08:51:06

Hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc đã được chữa khỏi và cho xuất viện, nhưng những dư chấn tâm lý vẫn đeo bám tâm trí họ.

Cuộc sống của những người thoát khỏi Covid-19

"Tôi chỉ muốn quên đi thực tại"

Vào ngày 12/3, sau khi Lin Qing – 64 tuổi, đáp ứng một danh sách dài các yêu cầu để chứng minh rằng mình đã âm tính với virus corona, bà đã được cho ra khỏi khu vực cách ly và cuối cùng có thể trở về nhà. Nhưng mặc cho tin vui này, Lin vẫn cảm thấy khó mà nhẹ nhõm.

Trong khi Lin quay trở về ngôi nhà ở vùng ngoại ô Vũ Hán, chồng của bà vẫn đang chiến đấu với căn bệnh Covid-19 tại một phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở nơi khác trong thành phố.

Trong 6 tuần điều trị và hồi phục vừa qua, Lin thường nghĩ lại những ngày trước khi hai vợ chồng bà nhận kết quả xét nghiệm. Bà đổ lỗi cho các quan chức địa phương, những người ban đầu xem nhẹ các rủi ro của dịch bệnh, nhưng bản thân cô cũng không nghĩ rằng mình bị lây từ chồng.

Linh không ngừng trách bản thân rằng nếu bà để ý những biểu hiện ban đầu của chồng mình – sốt và mệt mỏi, thì có lẽ hiện tại cả gia đình đã được đoàn tụ. “Tôi thực sự thấy mình có lỗi. Tôi đã bỏ qua tất cả những dấu hiệu đó”, người phụ nữ cho biết.

Trường hợp của Lin chỉ là một trong hàng nghìn người hồi phục sau khi mắc Covid-19. Mặc dù đã có 3,261 người ở Trung Quốc chết vì dịch bệnh, nhưng số người đã hồi phục, hiện là hơn 71.000, đang nhanh chóng bắt kịp tổng số ca nhiễm bệnh, ở mức 81,054.

Cuộc sống của những người thoát khỏi Covid-19 - 1
Bà Lin (trái) trong thời gian nằm viện và sau đó được cho về nhà.

Nhưng giống như bà Lin, nhiều người đang đối mặt với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo sợ căn bệnh có thể quay trở lại. Những người đủ can đảm để tiếp tục cuộc sống bình thường cho biết họ cảm thấy bị tẩy chay.

Sau khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2004, một cuộc khảo sát với khoảng 280 bệnh nhân đã hồi phục cho thấy 16,4% cảm thấy chán nản và 10% cảm thấy lo lắng 3 tháng sau khi xuất viện.

Có 1/10 người được chẩn đoán mắc hậu chấn tâm lý (PTSD). Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đang dần lắng xuống tại Trung Quốc, các chuyên gia tâm lý đang chuẩn bị cho những ảnh hưởng sức khỏe tinh thần chắc chắn sẽ xảy ra với người dân nước này.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, vợ chồng bà Linh đang tận hưởng cuộc sống giản dị nhưng thoải mái sau khi nghỉ hưu.

Họ chăm sóc khu vườn, nuôi một chú chó và giúp cháu gái làm bài tập về nhà. Tới chiều ngày 25/1, chồng Lin ngất xỉu trong bếp.

“Tôi đang ngồi trên ghế sofa phòng khách đọc tin tức về sự bùng phát của dịch viêm phổi mới thì đột nhiên nghe tiếng kêu của chồng mình”, Lin nói.

Sau đó cả bà và chồng đều cho kết quả dương tính và được chuyển đến các bệnh viện khác nhau. “Suốt hơn 40 năm qua, chúng tôi luôn ở bên nhau. Việc phải xa cách chồng trong thời buổi dịch bệnh này khiến tôi không thể tự gánh vác được”, bà Lin chia sẻ.

Do chỉ mắc các triệu chứng nhẹ, bà Lin dần dần khỏe lại và chưa đầy một tháng sau, bà đã 2 lần cho kết quả âm tính và có thể rời khỏi khu cách ly. Mọi người ở đó chỉ nói về tình cảnh của chồng con mình, điều này càng khiến bà Lin thêm lo lắng cho tình hình sức khỏe của chồng..

Các bác sĩ gửi tin nhắn cập nhật tình hình cho Lin và con gái bà mỗi ngày và hiếm khi có tin tốt. Họ cũng không dám hỏi thêm vì biết rằng các bác sĩ đã làm việc quá sức như thế nào trong cuộc chiến chống dịch.

Thay vào đó, hai mẹ con thường xuyên túc trực xem các bản tin với hy vọng nghe được thêm tin gì từ những bệnh nhân ở phòng ICU. “Cho đến giờ vẫn không có tin tức gì, có lẽ như vậy mới tốt”, bà Lin nói.

Có những lúc bà Lin nghĩ về những người phụ nữ mất chồng vì dịch bệnh, rằng có lẽ điều này hóa ra lại tốt cho họ. Việc cập nhật tin tức hằng ngày về dịch bệnh và tình hình của người nhà dường như khiến bà rối trí.

“Tôi chỉ muốn quên đi mọi thứ hiện tại. Nhưng tôi sợ nói ra điều này có thể làm con gái mình hiểu lầm”, bà Lin cho biết mỗi ngày bà đều gửi những tin nhắn thoại tới điện thoại của chồng. “Tôi trút mọi phiền muộn và lo lắng vào những tin nhắn đó, hy vọng rằng một ngày kia khi chồng tôi hồi phục, ông ấy sẽ hiểu cả nhà đã trải qua giai đoạn khó khăn tới nhường nào”.

"Sống mà như chết"

“Từ bị ốm, tới nhập viện và xuất viện, chỉ có một cụm từ có thể mô tả toàn bộ quá trình đó: sống mà như chết”, Du Mingjun, một nhà tư vấn tâm lý tại Hiệp hội Tư vấn Tâm lý Hồ Bắc, nhắc lại lời của một bệnh nhân kể với cô.

Từ giữa tháng 2, Du đã nhận được nhiều cuộc điện thoại hơn từ các bệnh nhân đã hồi phục khỏi Covid-19. Họ sợ bị tái nhiễm bệnh sau khi trở về nhà, đồng thời họ cũng phải vật lộn để quay trở lại với cuộc sống thường nhật.

Cuộc sống của những người thoát khỏi Covid-19 - 2

Đối với những người sống sót tại các vùng có ít ca bệnh, việc sống tiếp khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.

“Ở một thành phố nhỏ nơi tôi sống, ai mắc bệnh thì sẽ trở thành chủ đề bàn tán của tất cả mọi người”, Zheng Fan – 33 tuổi, cho biết.

Người đàn ông đến từ Sán Đầu là 1 trong 25 bệnh nhân Covid-19 ở thành phố có 5 triệu người này. Ngay sau khi chẩn đoán, Zeng phát hiện ra tên và địa chỉ của mình đã bị đưa lên mạng.

Một điều tương tự đã xảy ra với Xiao Ranran - 20 tuổi, và cha mẹ cô. Khi những người hàng xóm biết về ba ca nhiễm trong khu dân cư, Xiao đã nhận được những tin nhắn đầy những lời nguyền rủa và đe dọa.

“Chính hàng xóm đã tiết lộ thông tin cá nhân của chúng tôi trên mạng và họ không ngừng giám sát chúng tôi. Dù có giải thích thế nào thì họ vẫn chửi rủa gia đình tôi”, Xiao chia sẻ.

Xiao, một sinh viên đại học, chịu áp lực tâm lý đến mức cô được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Ngoài sự phiền muộn do các tin nhắn chửi bới và tình hình sức khỏe của bố mẹ, gánh nặng càng đặt nặng lên vai Xiao khi cô là một trong những bệnh nhân đầu tiên và cuối cùng còn mắc kẹt trong bệnh viện.

“Tôi cảm thấy suy sụp tinh thần. Tôi không thể chấp nhận những kết quả kiểm tra đó và tôi cảm thấy một mớ hỗn độn trong tâm trí mình”, Xiao nhớ lại. “Tôi đã khóc rất nhiều và mất hứng thú với mọi thứ. Tôi trở nên mất ngủ và chậm chạp, về đêm thì hay gặp ác mộng”.

Cô gái cho biết mình không dám nghĩ tới cảnh cả gia đình cô trở về nhà và chạm mặt với hàng xóm.

Zeng Fan đã trải nghiệm cách những người xung quanh phản ứng với sự trở lại của anh. Người này đã được xuất viện vào ngày 12/2 và đã quay trở lại công ty sau 14 ngày cách ly. Zheng ngay lập tức cảm thấy mình như một vị khách không mời. Một số đồng nghiệp đã chào đón Zeng bằng những gợi ý tinh tế rằng anh ấy nên nghỉ ngơi ở nhà lâu hơn. Những người khác thì nói thẳng: “Nếu chẳng may anh vẫn còn mầm bệnh thì tất cả mọi người cũng bị nhiễm”.

Mọi người trở nên căng thẳng mỗi khi Zhen ho – di chứng để lại của Covid-19. “Không ai muốn tới gần bàn làm việc của tôi. Có thể hành động của họ là vô ý, nhưng tôi thực sự bị tổn thương”, anh nói.

Zeng cũng trở nên nghi ngờ chính mình và gọi cho cơ quan y tế để được làm xét nghiệm lại. Bất cứ khi nào con trai anh hoặc đồng nghiệp ho, ngay lập tức Zheng lại giật mình.

Cuộc sống của những người thoát khỏi Covid-19 - 3

“Cảm giác xấu hổ này rất không công bằng”, chuyên gia Du nói. “Chính xã hội đã áp đặt cảm giác đó lên họ. Điều này sẽ tạo ra sự kỳ thị đối với các bệnh nhân và gia đình của họ”.

Sau khi được cho về nhà, bà Lin đã cãi nhau với con gái. “Nó muốn tôi tới nhà nó sống, nhưng làm sao tôi dám đến đó được? Cháu tôi mới chỉ 11 tuổi, tôi không chắc mình đã hoàn toàn khỏi bệnh”, bà Lin trần tình.

May mắn thay, bà Lin đã được hàng xóm chào đón trở lại và tiếp tục sống cùng chú chó cưng. “Dù cuộc sống có chút sôi động hơn. Nhưng mọi thứ vẫn không thể đủ đầy nếu không có chồng tôi bên cạnh”, bà Lin cho biết.

Sau khi ở trong phòng ICU suốt 50, chồng bà Lin vẫn bị sốt cao và không thể tự thở được. Bác sĩ cho biết não của ông đã bị tổn thương rất nhiều và có thể rơi vào trạng thái thực vật sau khi khỏi bệnh.

“Tôi đã lau dọn cây đàn piano của ông ấy vào ngày tôi trở về nhà, nhưng tôi cho rằng ông ấy sẽ không có cơ hội được chơi thêm bản nhạc nào nữa”, bà Lin nói. “Nhưng miễn là có thể về nhà, tôi sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để chăm sóc ông ấy”.

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)