Kể từ thời điểm truyền thông gọi tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, các cuộc điện thoại, email liên tục đổ tới Cánh Tây, Nhà Trắng, từ những người muốn hưởng đặc lợi từ quyền khoan hồng của tổng thống.
Tổng thống Donald Trump, người vẫn kiên quyết từ chối thừa nhận thất bại, tỏ ra khá sốt sắng trong việc tìm hiểu xem ai đang mong muốn điều gì. Ông nhận được những bản tóm tắt sự việc để cân nhắc và trong một số trường hợp, Trump đã tìm đến các cộng sự, tham khảo ý kiến về người mà ông nên ân xá.
Trump thường có xu hướng không thích thú khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ sắp kết thúc của ông, tuy nhiên, quyền hạn khoan hồng là ngoại lệ hiếm hoi, khiến Tổng thống Mỹ hào hứng thảo luận, dù nó giống như lời nhắc nhở ngầm rằng ông sắp phải rời Nhà Trắng.
Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, những nỗ lực nhằm xin lệnh ân xá từ Tổng thống Trump đang leo thang "một cách điên cuồng". Vì Trump thường cho thấy ông không quan tâm đến việc sử dụng hệ thống đánh giá yêu cầu khoan hồng của Bộ Tư pháp nên những người thỉnh cầu đang tìm mọi cách tiếp cận trực tiếp với Nhà Trắng. Họ gọi hoặc email cho cố vấn cấp cao Jared Kushner, con rể ông, chánh văn phòng Mark Meadows hay cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone.
"Mọi người đều nghĩ rằng không có quy trình chính thức nào trong việc này và họ nên liên hệ trực tiếp với chính quyền", nguồn tin cho hay. "Mọi người đều hy vọng họ có một người bạn của một người bạn của một người anh em họ nào đó có thể giúp email của họ được đọc".
Ít nhất một người thỉnh cầu ân xá từng nói họ hy vọng lòng trung thành của mình đối với Tổng thống Trump trong 4 năm qua sẽ được đền đáp. Lòng trung thành thực sự đang là mối quan tâm chính của Trump. Suốt vài tuần qua, ông thường xuyên phàn nàn về việc các đảng viên Cộng hòa bỏ rơi ông đúng vào lúc ông cần họ nhất để lật ngược kết quả bầu cử.
Trump loại bỏ khỏi vòng quan tâm của mình tất cả những cố vấn hay cộng sự không cùng quan điểm với ông. Một người từng thường xuyên thảo luận với Trump nhưng đã khuyên ông nên làm dịu lập trường hậu bầu cử giờ đây không còn nhận được các cuộc gọi từ Tổng thống nữa.
Tổng cộng, Tổng thống Trump đang cân nhắc ân xá cho hơn 20 người, chủ yếu là những gương mặt thân cận mà ông cho rằng đang bị nhắm đến hoặc sẽ bị nhắm mục tiêu vì lý do chính trị. Bên cạnh đó, có hàng trăm người khác đã tiếp cận trực tiếp Nhà Trắng bên cạnh hàng chục nghìn yêu cầu ân xá đang chờ được xử lý tại Bộ Tư pháp.
Tháng trước, Trump đã ra lệnh ân xá cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Một cái tên khác đang được cân nhắc là Allen Weisselberg, giám đốc tài chính của Trump Organization, người bị cơ quan điều tra giám sát vì nghi ngờ ông có hành vi che giấu các khoản thanh toán mờ ám. Theo các quan chức chính quyền, khả năng Trump tự ân xá trước cho bản thân cũng chưa bị loại trừ.
Dù quan tâm đến việc ân xá, gần như toàn bộ năng lượng trong 6 tuần qua Tổng thống Trump đều dành cho nỗ lực phủ nhận thất bại của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Khi không gọi điện cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa để đánh giá mức độ sẵn sàng của họ trong nỗ lực giúp ông lật ngược kết quả bầu cử, Trump lại bận rộn tìm cách trả đũa những người mà ông cho rằng đã bỏ rơi mình, như Thống đốc Arizona và Georgia, người dẫn chương trình và giám đốc điều hành kênh truyền hình Fox News, một số thành viên Quốc hội và nhiều thành viên chủ chốt trong nội các của ông, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Bộ trưởng Barr đã nộp đơn từ chức và sẽ rời nhiệm sở vào ngày 23/12.
Bên trong Nhà Trắng những ngày gần đây, mọi chủ đề liên quan đến Lễ Nhậm chức Tổng thống ngày 20/1 đều bị cấm thảo luận. Trump đã nêu rõ với các nhân viên rằng ông không có nhu cầu bàn bạc về việc liệu ông có tham dự lễ tuyên thệ của Biden hay không. Những cuộc thảo luận về việc ông rời nhiệm sở cũng bị cấm, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Những người gần gũi với Tổng thống Trump đều cho rằng khả năng ông sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden là rất nhỏ. "Ông ấy sẽ không đến", một cố vấn cho hay và thêm rằng đây là quan điểm chung trong vòng tròn các đồng minh của Tổng thống Mỹ.
6 tuần sau ngày bầu cử, một nửa số ngày, Trump không xuất hiện trước công chúng, tỏ ra ít quan tâm tới công việc hàng ngày của một tổng thống. Lịch trình làm việc của ông có tới 20 ngày không ghi bất kỳ sự kiện công khai nào cũng như không có bất kỳ cuộc họp giao ban tình báo nào được tiến hành. Ông chỉ xuất hiện 13 lần trước báo giới, thực hiện một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News và trả lời câu hỏi từ phóng viên hai lần.
Cuối tuần trước, khi rời Washington đi xem một trận đấu bóng bầu dục, Trump vẫn kiên định với thông điệp về việc ông bị "đánh cắp" cuộc bầu cử như thế nào. Đi xe trong sương mù dày đặc từ sân bay đến ký túc xá học viện quân sự West Point, Trump viết một dòng tweet phàn nàn về Thống đốc đảng Cộng hòa của Georgia.
Đến nơi, Trump thậm chí không ở lại tới giờ nghỉ giải lao giữa hiệp, trở về máy bay sau khi ghi âm cuộc phỏng vấn với Fox News.
Theo Vũ Hoàng (Vnexpress.net)