Cuộc điện thoại đập tan âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

18/07/2016 13:54:00

Trong lúc những chiếc xe cơ giới của quân đội gầm rú ở Ankara và Istanbul thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đi nghỉ ở một thành phố bên bờ Địa Trung Hải.

Trong lúc những chiếc xe cơ giới của quân đội gầm rú ở Ankara và Istanbul thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đi nghỉ ở một thành phố bên bờ Địa Trung Hải.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi điện thoại tới kênh CNN Turk thúc giục người dân xuống đường chống lại âm mưu đảo chính. Ảnh: Twitter

Để thực hiện âm mưu đảo chính, những sĩ quan quân đội cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ từ các đơn vị biệt kích, lực lượng bộ binh, quân đoàn số một và số 4 cùng không quân, đã lên một kế hoạch khá tỉ mỉ, theo Washington Post.

Họ chiếm giữ và đóng cửa tổng cộng ba sân bay. Họ đánh bom tòa nhà quốc hội ở Ankara 9 lần. Họ nắm quyền kiểm soát nhiều địa điểm chiến lược tại cả thủ đô và Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Những kẻ đảo chính còn nhắm mục tiêu vào trụ sở đài truyền hình quốc gia TRT TV, ép phát thanh viên đọc thông báo đảo chính.

Tuy nhiên, kế hoạch tưởng như hoàn hảo của họ lại không tính đến sức mạnh của mạng xã hội cũng như các kênh truyền hình tư nhân.

Theo Gareth Jenkins, nhà nghiên cứu quân sự ở Istanbul, "cuộc đảo chính này được tính toán cẩn thận nhưng vận dụng các chiến thuật, chiến lược từ những năm 1970".

Quân nổi dậy phong tỏa hàng loạt tuyến đường chính ở Istanbul, đồng thời lập chốt kiểm soát tại các ngã tư trọng yếu và sân bay. Nhiều trực thăng liên tục vần vũ bên trên trụ sở cảnh sát ở Ankara.

Những kẻ âm mưu đảo chính khi ấy tin chắc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ bất lực trước thế trận họ giăng ra. Các thủ lĩnh đảo chính, tự nhận mình là "Hội đồng Hòa bình", khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà.

Cuộc gọi chiến lược

Bị cách ly bên trong một khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Marmaris thuộc vùngRiviera, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách xa các điểm nóng, ông Erdogan đưa ra một quyết định mà giới quan sát đánh giá là đầy cảm hứng nhưng đã giúp đập tan âm mưu đảo chính.

Vì cơ quan truyền thông nhà nước bị chiếm nên ông Erdogan gọi đến một đài truyền hình tư nhân. Ông cần cho 80 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng mình vẫn tự do và đang phải đối mặt với canh bạc lớn của sự nghiệp.

Tổng thống Erdogan liên lạc với kênh CNN Turk, sử dụng FaceTime, một ứng dụng trò chuyện trực tuyến có hình ảnh, yêu cầu người dẫn chương trình Nevsin Mengu cầm chiếc điện thoại của cô hướng về máy quay. Ông trực tiếp kêu gọi những người ủng hộ vùng lên, chiếm đường phố.

Giới chuyên gia nhận định sở dĩ Tổng thống Erdogan quyết định như vậy là bởi ông cho rằng các binh sĩ quân đội sẽ không sát hại dân thường vô tội.

"Hãy cùng tập hợp lại như một quốc gia tại các quảng trường. Tôi tin chúng ta sẽ nhanh chóng đập tan âm mưu chiếm đóng này. Tôi kêu gọi mọi người tiến ra vũ đài. Chúng ta sẽ cho họ câu trả lời".

Thời điểm đó, những chiếc xe tăng vẫn đang cào nát các con đường trong thành phố.

20 phút sau, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đăng tải trên mạng xã hội Twitter thông điệp thể hiện thái độ phản đối âm mưu đảo chính của quân đội. Ông nhấn mạnh chính phủ vẫn nắm quyền điều hành.

Trên bầu trời, các chiến đấu cơ F-16 không ngừng gầm rú. Theo một số học thuyết quân sự, những chiếc máy bay phản lực có khả năng đe dọa người dưới mặt đất chỉ bằng thứ âm thanh mà chúng phát ra, không cần đến bất kỳ vũ khí nào.

Nhưng được khích lệ tinh thần bởi các thông điệp ủng hộ chính phủ trên mạng xã hội cũng như nhìn thấy Tổng thống Erdogan xuất hiện bình an trên sóng truyền hình, người dân đã gạt sợ hãi sang một bên và bắt đầu đổ xuống đường.

Các thành viên đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông Erdogan cũng hòa chung vào dòng người, chỉ đạo quần chúng phản công.

Theo nhà nghiên cứu Sinan Ulgen từ viện chính sách Carnegie, phe nổi dậy dường như không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của quân đội. "Kế hoạch chi tiết của họ cũng không hiệu quả bởi họ đã thất bại ngay từ đầu trong việc chiếm đóng những căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ hay bắt giữ các lãnh đạo chính trị", ông nhận xét.

Chuyên gia đánh giá việc Tổng thống Erdogan có thể kết nối với người dân để truyền thông tin rằng mình vẫn an toàn và không bị quân nổi dậy bắt giữ là một trong những yếu tố tiên quyết giúp ông đập tan âm mưu đảo chính.

cuoc-dien-thoai-dap-tan-am-muu-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-1
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên một xe tăng ở thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters

Người tiền nhiệm của ông Erdogan, cựu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul, cũng dùng FaceTime để lên án những kẻ đảo chính trên kênh CNN Turk. Cựu thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu liên lạc qua điện thoại với kênh Al Jazeera, gọi cuộc đảo chính là một âm mưu thất bại.

Ngay sau khi kết thúc thông báo trên sóng truyền hình, ông Erdogan lên một chiếc máy bay phản lực để về Istanbul.

Theo trang Flight Radar 24, phi cơ chở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bay vòng quanh khu vực phía nam sân bay Ataturk để chờ các quan chức trung thành với ông kiểm tra xem liệu máy bay có thể hạ cánh hay không. Nhiều xe tăng quân đội lúc đó bị dân chúng chặn lại trên các con đường dẫn tới sân bay. Việc ông Ataturk đáp xuống Istanbul đã đặt dấu chấm hết cho âm mưu đảo chính.

Lãnh đạo cả ba đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng lên án cuộc đảo chính trên các trang mạng xã hội, bổ sung những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ người dân biểu tình, chống âm mưu lật đổ chính quyền.

Lực lượng nổi dậy lập tức tìm cách ngăn việc phát sóng của kênh CNN Turk. Một chiếc trực thăng chở lính nghĩa vụ và một quan chức quân sự đáp xuống trụ sở của kênh này nhưng không thể chặn tín hiệu. Họ ra lệnh sơ tán toàn bộ trường quay.

Khi CNN Turk lên sóng trở lại, người dẫn chương trình Nevsin Mengu và giám đốc Erdogan Aktas miêu tả tâm trạng của những người lính trẻ có mặt ở trụ sở đài để can thiệp quá trình phát sóng.

"Trong mắt những người lính trẻ ấy chỉ tồn tại nỗi sợ hãi, không có dấu hiệu của sự tận tâm hay tinh thần kiên định", Mengu nói.

cuoc-dien-thoai-dap-tan-am-muu-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-2
Một người đàn ông nằm trước xe tăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Ataturk, Istanbul. Ảnh: Reuters

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật