Cuộc chiến mới với Trung Quốc ở Guadalcanal

23/07/2018 08:26:59

Từng chứng kiến cuộc chiến khốc liệt trong Thế chiến II và vẫn đang vật lộn với bài toán phát triển kinh tế, nay hòn đảo Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon lại chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Úc và Trung Quốc.

Trong khi rất phấn khởi trước dự án tuyến cáp quang internet dưới biển do Úc tài trợ - giúp mở ra cơ hội kết nối Solomon với thế giới bên ngoài - ông Toata Molea, cư dân địa phương 54 tuổi làm nghề buôn cá, lại không khỏi bất an về mô hình đầu tư của Trung Quốc. Hàng chục tòa nhà và doanh nghiệp do người nhập cư Trung Quốc xây dựng mọc lên ở thủ đô Honiara - Solomon. "Trung Quốc sở hữu mọi thứ. Tôi lo nơi này sẽ bị người Trung Quốc quản lý trong 10 năm tới" - ông Molea nói.

Cuộc chiến mới với Trung Quốc ở Guadalcanal
Tại khu chợ ở thủ đô Honiara - quần đảo Solomon, nhiều chủ sở hữu cửa hàng là người nhập cư Trung Quốc Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sau nhiều năm tình trạng đầu tư và nhập cư của người Trung Quốc không được kiểm soát ở quần đảo Solomon, Úc và Mỹ đang đẩy mạnh cạnh tranh bằng các khoản viện trợ, cơ sở hạ tầng và ngoại giao ở đây cũng như khắp khu vực này, đồng thời cảnh báo giới chức địa phương không phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Theo báo The New York Times, Mỹ cam kết chi hơn 350 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương dưới hình thức hỗ trợ thực thi pháp luật, giúp quản lý nghề cá và các viện trợ khác. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã tăng gấp đôi ngân sách phát triển chính cho khu vực Thái Bình Dương, lên 808 triệu USD trong giai đoạn 3 năm.

Hơn hẳn, ngân sách hỗ trợ khu vực Thái Bình Dương của Úc nhảy vọt lên 960 triệu USD trong năm nay, tăng 18%. Gần 1/3 ngân sách viện trợ của Canberra hiện dành riêng cho Thái Bình Dương - nơi có gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 11 triệu người sinh sống trên hơn 20.000 hòn đảo.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng để cạnh tranh với Bắc Kinh, Úc cùng Mỹ và các đồng minh cần phải hành động nhiều hơn nữa. Các gói viện trợ từ Canberra và Washington có xu hướng không tập trung vào hệ thống cơ sở hạ tầng hữu hình mà các nước còn nhiều khó khăn như đảo quốc Solomon đang khao khát trong khi chỉ chủ yếu hỗ trợ về việc quản lý và thực thi pháp luật. 

Giới chức khu vực phàn nàn quá nhiều viện trợ bị hạn chế chặt chẽ hoặc chảy về túi các nhà tư vấn và nhà thầu nước ngoài khiến nhiều người địa phương tự hỏi tại sao không thử vận may với Trung Quốc. Lãnh đạo Guadalcanal Anthony Veke đã đến Trung Quốc 2 lần trong năm 2017 để theo đuổi các khoản đầu tư phát triển du lịch ở bờ biển phía Tây hòn đảo, trong đó có dự án sân bay mới.

Đối với nhiều người dân Guadalcanal, mối quan tâm chính trước mắt không nằm ở sự can thiệp của Bắc Kinh mà là chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng bùng phát bởi giới nhà giàu Trung Quốc. Ông Matthew Quan, 52 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc trên quần đảo Solomon, cho hay không ai biết chính xác khối tài sản do người Trung Quốc sở hữu ở Solomon, ngay cả lượng người Trung Quốc tại đây cũng là ẩn số vì nhiều người di cư đến dưới dạng khách du lịch và hối lộ các quan chức cấp thị thực cho phép họ ở lại.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)

Nổi bật