Sau khi ghé qua Vịnh Ba Tư vào ngày 19/7, ông Tập sẽ đến Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức chủ tịch nhiệm kỳ thứ hai. CNN nói ông sẽ ghé qua đủ các góc của vùng Hạ Saraha, tức khu vực châu Phi nằm ở phía nam sa mạc Sahara.
Châu Phi là nơi chứng kiến ảnh hưởng kinh tế và cả tham vọng chiến lược của Bắc Kinh đang lớn dần trong những năm qua. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi sau khi đã vượt qua Mỹ cách đây một thập kỷ. Giá trị thương mại song phương trong năm 2014 đã đạt mức kỷ lục là 220 tỷ USD.
Các lãnh đạo Trung Quốc luôn xem trọng việc phải thăm viếng các nước châu Phi sớm và thường xuyên trong nhiệm kỳ của họ. Sau khi nhậm chức chủ tịch vào năm 2013, ông Tập cũng đã ghé thăm Nam Phi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ông trở lại châu Phi 2 lần trong nhiệm kỳ đầu tiên.
"Đến mọi góc của Hạ Sahara"
Lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi không chỉ là thương mại, châu lục này còn là nơi cung cấp các nguyên liệu thô mà Trung Quốc không thể kiếm được ở nơi khác. Về mặt ngoại giao, châu Phi mang đến cho Bắc Kinh một khối đồng minh lớn trong Liên Hợp Quốc.
Ian Taylor, chuyên gia về châu Phi tại Đại học St. Andrews (Scotland), nói Mỹ đang mất dần sức ảnh hưởng ở châu Phi vì họ không coi trọng nơi này, xem sự lệ thuộc của châu Phi vào Mỹ là "chuyện hiển nhiên".
"Người Mỹ có vẻ như chỉ nhìn châu Phi qua lăng kính an ninh... vốn hoàn toàn khác so với cách nhìn của người Trung Quốc", ông nói. "Họ nhìn nó qua khía cạnh kinh tế. Người Mỹ đang bị tụt lại xa".
Lịch trình chính thức của ông Tập chưa được công bố nhưng ông sẽ trở lại Nam Phi vào ngày 25/7 để tham dự cuộc họp của nhóm các nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - BRICS). Cuộc gặp có cả sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thoạt nhìn qua, Rwanda và Senegal là sự lựa chọn hơi kỳ lạ khi họ không phải nơi nhận nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc, cũng không phải quốc gia lớn về dân số. Tuy nhiên, ông Taylor nói rằng lý do chính là vị trí chiến lược của Rwanda trên kế hoạch "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. "Vành đai, Con đường" là sáng kiến của Chủ tịch Tập nhằm xây dựng hạ tầng kết nối 3 châu lục Á - Âu - Phi, từ đó thúc đẩy trao đổi kinh tế.
"Rwanda đang hy vọng có thể hội nhập vào hệ thống đường sắt đang thành hình ở Đông Phi, một phần trong sáng kiến Vành đai, Con đường", giáo sư của Đại học St. Andrews nói. "Họ đang muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thay vì chỉ có Mỹ hay EU, và Trung Quốc xem đó là cơ hội tốt".
Đối với Senegal, chính phủ Trung Quốc được cho đang quan tâm đến việc xây dựng các cảng biển ở Đại Tây Dương.
Gordon G. Chang, nhà bình luận chính trị người Mỹ nổi tiếng nhất với quyển sách "The Coming Collapse of China" (tạm dịch: Sự Sụp đổ Sắp đến của Trung Quốc), nói rằng việc đến thăm Senegal và Mauritius nhất quán với tham vọng của Trung Quốc về thiết lập hiện diện tại bờ biển châu Phi ở Đại Tây Dương và thống trị Ấn Độ Dương.
"Thật kỳ diệu khi chứng kiến sự thành công của người Trung Quốc. Họ không có đối thủ", ông nói.
Mối quan hệ vun đắp nhiều thập kỷ
Ông Taylor cho rằng sự đa dạng trong lịch trình cho thấy chủ tịch Trung Quốc đang muốn "lan tỏa tình yêu" khắp các nước châu Phi để tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh.
"Chuyến đi được trông đợi nhiều ở hầu hết nước châu Phi, đặc biệt trong giới tinh hoa chính trị, cả cách Trung Quốc có thể đối xử với các quốc gia ở một mức độ ngang bằng... ít nhất là về lời ăn tiếng nói và các lễ tân ngoại giao", ông nói.
Các nhà phân tích nói rằng mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi là kết quả tự nhiên của quá trình vun đắp kéo dài nhiều thập kỷ qua, ngay từ những ngày đầu của chính quyền Trung Quốc vào thập niên 1950.
"Tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách ngoại giao Trung Quốc luôn nhất quán", CNN dẫn lời He Haiping, chuyên gia về châu Phi tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một viện nghiên cứu nhà nước. "Sáng kiến 'Vành đai, Con đường' chỉ càng nhấn mạnh vai trò của châu Phi".
Các công trình hạ tầng do Trung Quốc xây dựng - từ đường sắt, đường sá, đập, hệ thống viễn thông và điện - đang thay đổi nhanh chóng diện mạo châu Phi. Các mỏ và nhà máy do người Trung Quốc sở hữu đang cung cấp mọi thứ, từ khoáng sản đến giày. Bên cạnh đó là cơn lốc khách du lịch Trung Quốc với hầu bao lớn.
Tất cả các yếu tố trên đang định hình kinh tế của châu lục này trong khi các chương trình giáo dục và kênh truyền thông do Trung Quốc tài trợ đang gây ảnh hưởng lên thanh niên tại châu Phi.
Bắc Kinh cũng đang mở rộng hiện diện ngoại giao và quân sự của họ tại đây, tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thậm chí chọn Djibouti làm nơi mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nước này. Căn cứ tại Djibouti đã gióng lên hồi chuông báo động cho Mỹ và các nước phương Tây.
Rắc rối lớn dần
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi cũng lớn dần theo những tranh cãi và rắc rối. Những người chỉ trích gọi Trung Quốc chỉ chăm chăm khai thác tài nguyên giàu có và nguồn lao động giá rẻ ở khu vực này. Các nhà hoạt động cũng chỉ ra các trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm việc đối xử tệ và trả rẻ mạt cho lao động địa phương.
He, chuyên gia tại CASS, thừa nhận có "vấn đề đang gia tăng" trong quan hệ nhưng nói rằng đôi bên vẫn nhận về lợi ích kinh tế không thể phủ nhận.
"Nếu các nước châu Phi cảm thấy bị thuộc địa hóa, sao họ vẫn hợp tác với Trung Quốc?", bà He nói. "Đó sẽ là một sự xuất phạm đối với trí tuệ người châu Phi, họ rõ ràng biết cách tối đa hóa lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc".
Dù vậy, có một điều các nhà phân tích đều đồng ý là cam kết của Trung Quốc đối với châu Phi trái ngược với sự thiếu coi trọng của Mỹ.
"Mỹ cần phải làm nhiều hơn. Thật đáng tiếc là các tổng thống Mỹ không thường đến châu Phi", Chang nói.
"Châu Phi không nằm trong ưu tiên chính sách của Mỹ", bà He nói. "Và khi nhắc đến châu Phi, Trump gọi đó là 'quốc gia dơ bẩn'".
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)