Cuộc chiến pháo binh ác liệt tại Donbass
Nga đang tiến hành các cuộc pháo kích mạnh mẽ và áp đảo để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine. Điều này nêu bật cách tiếp cận của quân đội Nga ưu tiên cho hỏa lực lớn với độ chính xác cao. Cuộc chiến ở miền Đông Ukraine được mô tả như một “cuộc đọ sức mạnh về pháo binh” và quân đội Nga đang có số lượng tên lửa, đạn pháo vượt trội so với Ukraine. New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của Ukraine cho biết, lòng chảo Donbass đang bị “xới tung” với hàng chục nghìn quả đạn pháo và rocket mỗi ngày.
Trong bài viết đăng trên trang blog cá nhân, ông Maksim Fomin, một thành viên trong lực lượng ly khai thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng mô tả các cuộc tấn công bằng đạn pháo của quân đội Nga "nhằm vào cả một khu vực lớn khiến các đơn vị của đối phương bị tổn thất nặng nề và không thể tiến lên phía trước”.
David Petraeus, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, chiến thuật của Nga tại Donbass tương tự như chiến thuật mà họ đã sử dụng tại Mariupol.
Phát biểu với Task & Purpose, ông David Petraeus cho biết: “Khi đối đầu với lực lượng phòng thủ đô thị, họ tấn công bằng pháo, rocket, tên lửa và bom cho đến khi hệ thống phòng thủ của đối phương bị đánh bại. Sau đó, họ củng cố vị trí đã kiểm soát được và tiến lên phía trước. Gặp sự kháng cự mạnh mẽ hơn, họ lại tiếp tục làm như vậy. Quá trình này được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc xung đột”.
Cuộc chiến pháo binh tại Donbass diễn ra ác liệt đến mức Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng đạn phảo và khẩn cấp yêu cầu phương Tây viện trợ thêm những vũ khí này mặc dù chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp cho họ hơn 220.000 quả đạn pháo 155mm cùng với 108 khẩu pháo M7777.
“Các lực lượng Ukraine cho biết giai đoạn hiện tại của cuộc chiến tập trung vào pháo binh. Đó là lý do khiến Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây khẩn trương cung cấp các hệ thống pháo, đạn dược, máy bay không người lái, radar và hệ thống tên lửa phóng loạt cùng nhiều vũ khí liên quan khác, chẳng hạn như xe tải chở đạn dược cho Ukraine”, ông Petraeus nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn lên tới 70km. Nhưng ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng, nước này cần 300 hệ thống tên lửa phóng loạt, 1.000 khẩu pháo howitzer và 500 xe tăng.
Về phía Nga, không rõ sau các đợt pháo kích lớn ở Donbass, nước này có gặp vấn đề thiếu hụt đạn pháo hay không. Hồi tháng 3 vừa qua, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ dự đoán, cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh của Nga ở Ukraine có thể cho thấy rằng Moscow đang thiếu đạn dẫn đường chính xác. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đang tranh luận về việc Nga hiện còn lại bao nhiêu vũ khí dẫn đường chính xác khi quân đội nước này bắt đầu sử dụng tên lửa hành trình Kh-22 cũ, được biên chế lần đầu vào những năm 1960.
Hiện Nga đang tập trung hỏa lực pháo binh vào một mặt trận rất hẹp nhằm thực hiện nỗ lực đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Severodonetsk - thành phố cuối cùng ở tỉnh Lugansk vẫn đang được Ukraine kiểm soát một phần.
Xung đột Nga-Ukraine khiến các nước phải đầu tư cho “sức mạnh cứng”
Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể buộc chính phủ các nước có quân đội được trang bị công nghệ quân sự tiên tiến phải đánh giá lại khoản đầu tư trong những lĩnh vực như robot và trí tuệ nhân tạo, tạo ra một thời kỳ phục hưng cho thiết giáp và pháo binh, một số quan chức quân đội hàng đầu lưu ý tại cuộc triển lãm quốc phòng Eurosatory trong tuần này.
Tướng lục quân Mỹ Matthew Van Wagenen – phó tham mưu trưởng phụ trách các hoạt động tại trụ sở NATO ở Brussels cho rằng, các cuộc pháo kích của Nga tại Ukraine ở thời điểm hiện tại có thể khiến các quốc gia tập trung nhiều hơn cho “sức mạnh cứng”.
“Nhiều người đã ngủ quên khi cho rằng kiểu chiến tranh mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra tại châu Âu thêm một lần nữa. Nhưng chúng ta đang thấy điều đó ngay bây giờ, vào năm 2022 và chiến tranh tiêu hao tiếp tục diễn ra ở Tây Âu. Đây là sự khác biệt đáng kể. Tôi nghĩ rằng chính phủ nhiều nước sẽ buộc phải xem xét lại về những khoản đầu tư cho quốc phòng cần phải đạt được những mục tiêu gì”, ông Van Wagenen nhấn mạnh.
Quan chức này cho biết thêm, chính phủ một số nước đã tin rằng với việc đầu tư vào hoạt động không gian mạng, chiến tranh điện tử và robot, họ có thể thay thế được “sức mạnh cứng”. Do vậy, họ chi tiêu ít hơn cho các hệ thống như pháo hạng nặng, thiết giáp và bộ binh.
Ông Wagenen lưu ý, mặc dù tác chiến không gian mạng đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột suốt 1 thập kỷ qua, chúng dường như không đi đầu trong chiến lược của Nga tại Ukraine.
“Mối đe dọa của chiến tranh điện tử, chiến trang mạng, không thể thay thế cho việc tập hợp quân đội và trang thiết bị của Nga tại Ukraine. Điều này rất quan trọng đối với các hoạt động tấn công và phòng thủ vì nó đóng vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột. Số lượng binh sỹ bạn triển khai trên chiến trường có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Chiến tranh tiêu hao có thể vẫn còn tồn tại trong 50 đến 100 năm nữa, phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta”.
Cùng chung quan điểm này, ông Pierre-Joseph Givre, một quan chức trong quân đội Pháp cho rằng: “Điều quyết định là khi bạn giành được thế chủ động trên thực địa. Công nghệ chỉ hỗ trợ một phần, chứ không phải là tất cả. Đây là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, là nghệ thuật của chiến tranh”.
Ông Pierre-Joseph Givre cho rằng, nếu như công nghệ, chẳng hạn các lực lượng không có người lái có thể bù đắp cho một số điểm yếu của quân đội một nước trên chiến trường, như ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột tại Donbass, thì hỏa lực lớn từ pháo binh sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)