“Những trận chiến cam go ở Severodonetsk và một số thị trấn gần đó đang diễn ra. Sự mất mát vô cùng đau đớn. Nhưng chúng tôi phải giữ vững việc phòng thủ, giữ cho được vùng Donbass rất quan trọng. Donbass là chìa khóa quyết định ai sẽ nắm ưu thế trong những tuần tới”, tờ The Guardian dẫn lời ông Zelensky phát biểu trong video được đăng tải đêm 14/6.
“Chiến sự gần hai thành phố Kharkiv và Kherson cũng diễn ra dữ dội. Các cuộc giao tranh tiếp diễn ở đó, và chúng tôi cần chiến đấu hết mình vì an ninh của tỉnh Kharkiv. Chúng tôi cũng tiếp tục gây sức ép lên đối phương ở phía nam. Mục tiêu chính của chúng tôi là giải phóng thành phố Kherson, và chúng tôi sẽ thực hiện điều này từng bước một”, ông Zelensky nói thêm.
Theo Tổng thống Ukraine, các đơn vị phòng không của nước này trong ngày 14/6 đã bắn hạ rất nhiều tên lửa Nga. Dù vậy, nhiều nơi thuộc hai tỉnh Lviv và Ternopil vẫn bị tấn công. “Do vậy, Ukraine đang cần rất nhiều hệ thống vũ khí chống tên lửa hiện đại”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Nga kiểm soát phần lớn Severodonetsk
Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Haidai cho biết, hiện quân đội Nga đã kiểm soát khoảng 80% diện tích thành phố Severodonetsk ở miền đông Ukraine. “Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng sơ tán nhiều người dân bị thương khỏi nơi đây”, ông Haidai cho biết.
“Tôi thừa nhận rằng một cuộc di tản dân thường quy mô lớn khỏi Severodonetsk hiện không thể thực hiện được do các cuộc pháo kích và giao tranh không ngừng trong thành phố. Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị đẩy ra vùng ngoại ô công nghiệp của thành phố do chiến thuật tiêu thổ và pháo binh hạng nặng được phía Nga sử dụng”, ông Haidai nói thêm.
Theo ông Haidai, hiện “vẫn còn cơ hội để sơ tán người bị thương, liên lạc với quân đội Ukraine và đưa người dân ra khỏi thành phố Severodonetsk, do các lực lượng vũ trang Nga chưa thể phong tỏa thành phố chiến lược này”.
NATO thảo luận về tình hình Ukraine
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 14/6 đã họp với lãnh đạo nhiều quốc gia tại Hà Lan để bàn về Ukraine.
Theo hãng tin AP, cuộc họp trên diễn ra tại dinh thự của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague, và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sẽ cùng với nhà lãnh đạo Hà Lan đứng ra đồng tổ chức cuộc họp. Một số nhà lãnh đạo của các nước thuộc khối NATO như Tổng thống Bulgaria, Thủ tướng các nước Bỉ, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Latvia cũng tham sự cuộc họp này.
“Đúng là Ukraine cần có thêm nhiều vũ khí hạng nặng, bởi họ phụ thuộc vào điều này để đối chọi với các cuộc tấn công của quân đội Nga”, ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp.
Ngoài bàn bạc về tình hình chiến sự ở Ukraine, nội dung cuộc họp còn xoay quanh đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.
“Về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, tôi nhiệt liệt chào mừng. Đây là một quyết định lịch sử, và điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho chúng ta. Dù vậy, chúng ta cũng cần lắng nghe những lo ngại về khủng bố tới từ Thổ Nhĩ Kỳ, khi không một quốc gia nào trong NATO lại phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố như họ”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Phe ly khai bác tin dịch bệnh lan truyền ở Mariupol
“Những tuyên bố của giới chức Ukraine về một sự bùng phát dịch tả ở thành phố Mariupol, gây ra bởi hàng nghìn xác chết, không nhằm mục đích gây ra sự hoảng loạn. Tôi coi đây là sự hoảng sợ được các nguồn lực truyền thông Ukraine thổi phồng. Tình hình ở thành phố Mariupol đang được kiểm soát”, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin nói với trang tin Al Jazeera hôm 14/6.
Theo Al Jazeera, cố vấn của Thị trưởng Mariupol là Petro Andryushchenko hồi đầu tháng này từng tuyên bố rằng dịch tả và bạch hầu đã bùng phát ở thành phố Mariupol, do nguồn nước tại đây bị ô nhiễm.
Nga cắt giảm nguồn khí đốt tới Đức
Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom cho biết, họ đang giảm lượng khí đốt đi qua Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) khoảng 40%, do các vấn đề kỹ thuật. “Hiện nguồn cung khí đốt vào Nord Stream có thể được đảm bảo ở mức 100 triệu mét khối/ngày, thay vì kế hoạch ban đầu là 167 triệu mét khối/ngày”, hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo của Gazprom đăng trên trang Telegram, viết.
“Do công ty Siemens của Đức chậm trễ bàn giao các bộ phận máy nén đã được sửa chữa, nên hiện chỉ có ba hệ thống bơm khí đốt hoạt động tại trạm nén khí Portovaya nằm gần thành phố Vyborg thuộc vùng tây bắc Nga”, thông cáo cho biết thêm.
Hiện giới chức Đức và Tập đoàn Siemens chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)