Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo

02/11/2018 10:04:55

Những báo cáo tài chính mới nhất của các ứng viên tranh cử vào lưỡng viện Mỹ năm 2018, đảng Dân chủ đang vượt xa đảng Cộng hòa về số tiền vận động.

Khoảng cách tài chính này có thể tạo ra sự khác biệt về số phiếu bầu trong ngày quyết định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có lịch trình vô cùng bận rộn trong tuần cuối cùng trước khi ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào 6/11.

Trong vòng 6 ngày, ông sẽ tham dự đến 11 sự kiện vận động tranh cử quốc hội tại 8 bang then chốt của đảng Cộng hòa, trong đó bao gồm những “chiến địa” có thể định đoạt đảng nào kiểm soát luôn Thượng viện Mỹ.

Nhà lãnh đạo 72 tuổi đang chạy marathon với thời gian để giúp đảng của ông chống chọi trước “làn sóng xanh” của đảng Dân chủ kỳ vọng giành lại ít nhất một trong 2 viện của  Đồi Capitol.

Màu xanh này không chỉ là sắc xanh dương truyền thống của đảng Dân chủ trên bản đồ bầu cử, mà còn là màu xanh của những tờ bạc đang được rót rất mạnh vào cuộc đua năm nay.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 sẽ lần đầu tiên vượt mốc 5,2 tỷ USD về tổng chi tiêu cho vận động tranh cử, theo Center for Responsive Politics (CRP), một đơn vị độc lập chuyên giám sát tài chính bầu cử.  

Năm 2018 thật sự là bước nhảy vọt về mức độ tiêu tiền của những chính trị gia muốn có một ghế trên Đồi Capitol. Cuộc bầu cử lưỡng viện năm 2016, trùng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cũng chỉ chớm vượt qua cột mốc 4 tỷ USD chi tiêu vận động tranh cử. Trong lịch sử cũng chỉ mới có 2 kỳ bầu cử lưỡng viện vượt cột mốc 4 tỷ USD là vào năm 2010 và 2016.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 1

Cuộc đua càng về cuối càng gay cấn khi hai đảng quyết liệt tranh mức độ phủ sóng thông tin và tiếp cận cử tri. Trong hai tuần sát nút ngày bầu cử, đảng Dân chủ dự tính chi hơn 143 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình cho các ứng viên Hạ viện. Con số này của phe Cộng hòa chỉ là 86 triệu USD, New York Times dẫn phân tích từ một cố vấn chiến lược của đảng Dân chủ.

Riêng tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, đã lên kế hoạch chi hơn 20 triệu USD trích từ quỹ Independence USA, một siêu PAC của tỷ phú người New York, để vận động cử tri ủng hộ đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử.

Theo thống kê khác của Politico, kể từ tháng 7 đến đầu tháng 10, các ứng viên viên Dân chủ tại 70 cuộc đua cạnh tranh nhất kỳ bầu cử năm nay đã dành gần 109 triệu USD cho quảng cáo truyền hình. Con số này của những đối thủ ở đảng Cộng hòa chỉ là 60 triệu USD.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 2

Một số chuyên gia dự báo, khi chiến dịch tranh cử chính thức hạ màn, đảng Dân chủ sẽ chi ra nhiều hơn đảng Cộng hòa gần 300 triệu USD (khoảng 2,5 tỷ USD so với 2,2 tỷ USD) cho vận động tranh cử. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 10 năm những ứng viên đảng Dân chủ vượt qua đối thủ về chi tiêu cho cuộc bầu cử lưỡng viện.

“Từ các ứng viên Dân chủ đến những nhóm vận động chính trị, chúng tôi chưa tình thấy điều gì tương tự xảy ra trước đây. Họ như đang đổ tiền đi bằng xe tải”, Brian Walsh, chủ tịch tổ chức America First Action – một ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ Tổng thống Trump, trả lời Politico.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 3

Hàng tỷ USD được quyên góp và chi cho mỗi kỳ bầu cử cho thấy tiềm lực tài chính. Đây được xem là yếu tố quan trọng quyết định thành, bại của mỗi ứng viên.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng đa số những ứng viên chi nhiều tiền nhất cho vận động tranh cử thường sẽ dành phần thắng về mình. Theo Viện Brookings, tỷ lệ này trong các kỳ bầu cử Hạ viện lên đến hơn 90%. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, duy nhất một lần quy luật này không chính xác là cuộc đua năm 2010, nhưng tỷ lệ ứng viên chi tiền nhiều nhất có được ghế hạ nghị sĩ năm đó cũng đạt đến 86%.

Trả lời trang phân tích Five Thirty Eight, Travis Ridout, chuyên gia về hành chính công tại Đại học bang Washington, cho biết quảng bá hình ảnh là hoạt động tốn kém nhất đối với các chính trị gia.

Trong các đợt bầu cử 2012 và 2014, các chiến dịch tranh cử Thượng viện chi 43% quỹ hoạt động cho quảng cáo chính trị, còn tại Hạ viện là 33%. Con số này còn lớn hơn đối với các chiến dịch tranh cử tổng thống. Đơn cử như trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012, Tổng thống Obama chi 70% quỹ hoạt động cho quảng bá. Đối thủ của ông khi đó là Mitt Romney chi khoảng 55%.

Adam Bonica, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford, cũng thừa nhận rằng tiền có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cuộc bầu cử. Lợi thế về tài chính được thể hiện rõ nhất trong những cuộc đua hai đảng đối thủ không ai đảm bảo được sức ảnh hưởng áp đảo với cử tri. Việc quảng bá hình ảnh giúp những ứng viên của mỗi đảng tạo được tên tuổi hoặc gia tăng nhận thức đối với các vấn đề mà họ đang vận động.

Quyên góp tranh cử trở thành một đặc trưng của bầu cử Mỹ. Nhu cầu chi tiêu của các chiến dịch tranh cử liên bang cũng tạo cơ hội cho những tỷ phú, tập đoàn, công đoàn hay nhóm hoạt động chính trị muốn bảo vệ lợi ích của mình.

Đóng góp từ các mạnh thường quân qua các kỳ bầu cử vẫn thường xuyên chiếm phần áp đảo so với những trường hợp đóng góp nhỏ từ các cử tri bình thường. Sức ảnh hưởng của đồng tiền trong bầu cử Mỹ rõ nét đến mức 2 nhà nhà báo điều tra chính trị John Nichols và Robert McChesney phải ví von nền dân chủ Mỹ mang dáng dấp “nền dân chủ đô la” trong quyển sách cùng tên phát hành năm 2013.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông trùm casino Sheldon Adelson rót vào chiến dịch tranh cử của tỷ phú Donald Trump gần 20 triệu USD, rồi lại góp thêm 5 triệu USD cho lễ nhậm chức vào tháng 1/2017. Trở lại với mùa bầu cử năm nay, Sheldon Adelson và vợ Miriam tiếp tục ký những tấm ngân phiếu triệu USD để những người bạn Cộng hòa tiếp tục kiểm soát lưỡng viện và duy trì các chính sách mà ông ủng hộ.

Theo New York Times, tổng số tiền mà Sheldon Adelson cùng vợ Miriam đóng góp cho đảng Cộng hòa cho bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 đã lên đến gần 55 triệu USD. Gia đình Adelson do vậy cũng trở thành những mạnh thường quân chi nhiều tiền nhất trong các cuộc bầu cử liên bang.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 4

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 5

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 6

Những tỷ phú với nguồn lực khổng lồ có thể vẫn chiếm một bộ phận lớn trong tổng thể bức tranh cuộc đua tiền bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, điều khiến cho chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ năm nay khác biệt chính là làn sóng các khoản đóng góp nhỏ của những cử tri bình thường.

Theo một thống kê của New York Times, tính đến giữa tháng 10, ứng viên đảng Dân chủ tại 69 cuộc đua căng thẳng nhất vào Hạ viện đã quyên góp được 46 triệu USD thông qua các khoản đóng góp nhỏ, bỏ xa con số 15 triệu USD của các đối thủ trong đảng Cộng hòa.

Những ứng viên đảng Dân chủ bứt tốc trước các đối thủ của họ nhờ tận dụng các nền tảng quyên góp trên mạng. Mô hình này từng được 2 chính trị gia nổi tiếng của phe Dân chủ là Bernie Sanders và Barack Obama sử dụng trong các cuộc tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ được áp dụng với một quy mô lớn như tranh cử lưỡng viện năm nay, theo Washington Post.

Các khoản đóng góp nhỏ chiếm gần 40% tổng ngân sách mà đảng Dân chủ vận động được cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018. Dòng thác đóng góp qua mạng đã định hình lại cuộc đua giành kiểm soát Hạ viện, khiến đảng Cộng hòa đánh mất lợi thế nguồn lực tài chính mà họ thường tung ra vào giai đoạn nước rút trong các kỳ bầu cử gần đây, theo Viện nghiên cứu Brookings.

Ví dụ nổi bật nhất của làn sóng này chính là cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ của bang Texas. Những khoản đóng góp nhỏ vừa giúp ứng viên đảng Dân chủ Beto O’Rourke lập kỷ lục vận động tài chính chưa từng có tiền lệ. Ông thu về được 38 triệu USD quyên góp chỉ trong vòng 3 tháng. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz trong cùng giai đoạn chỉ vận động được gần 1/3 số tiền kỷ lục của O’Rourke là 12 triệu USD.

Điểm ấn tượng hơn nữa là chính trị gia 46 tuổi này từ chối mọi khoản hỗ trợ từ các PAC của tập đoàn hay công đoàn muốn tìm kiếm ảnh hưởng chính trị. Số tiền vận động được trong quý tài khóa vừa qua được gửi từ hơn 800.000 cá nhân. Theo báo cáo tính đến 26/10 được đăng tải trên Dallas News, với tổng chi phí vận động tranh cử hơn 100 triệu USD, cuộc đua giữa Ted Cruz và Beto O'Rourke đã trở thành đợt tranh cử thượng viện đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 7

Charlie Black, một nhà vận động hành lang có quan hệ lâu năm với đảng Cộng hòa, nhận định làn sóng những khoản đóng góp nhỏ này giống như một thông điệp tuyên chiến những người thuộc đảng Dân chủ muốn gửi đến Tổng thống Trump.

“Chúng tôi cũng vận động được nhiều tiền hơn bình thường trong năm nay, còn họ thì vận động được nhiều tiền hơn mọi thời điểm từ trước đến giờ. Tất cả những điều này đều là do Tổng thống Trump. Ông ấy chính là nhân tố thúc đẩy rất lớn”, Black trả lời với Politico.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 8

Đảng Cộng hòa nổi tiếng với những mạnh thường quân giàu có, sẵn sàng rót cho các nhóm chính trị bảo thủ những tấm ngân phiếu trị giá từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD để tạo nên sự khác biệt mỗi mùa bầu cử. Riêng 2 nhóm vận động bầu cử lớn nhất của Cộng hòa là Ủy ban Quốc hội Cộng hòa Quốc gia (NRCC) và Quỹ Lãnh đạo Quốc hội (CLF) đã dự trữ được gần 140 triệu USD từ mùa hè cho hoạt động quảng bá hình ảnh ứng viên. Các nhóm vận động chính thức của đảng Dân chủ trong khi đó chỉ có 105 triệu USD, theo Washington Post.

Tuy nhiên, khi xét về số tiền vận động được của mỗi ứng viên, đảng Dân chủ lại có nguồn lực tài chính vượt trội hơn đối thủ của mình. Đợt báo cáo tài chính mới nhất cho thấy các ứng viên đảng Dân chủ đang dẫn trước đảng Cộng hòa về tổng số tiền quyên góp vận động tranh cử Hạ viện ở các bang. New York Times thống kê được 69 cuộc đua vào Hạ viện đang có cạnh tranh gay gắt nhất, trong đó các ứng viên Dân chủ đã vận động được 252 triệu USD so với 172 triệu USD của các ứng viên Cộng hòa, thiết lập khoảng cách an toàn lên đến gần 80 triệu USD.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 9

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng cách này đặc biệt quan trọng vào giai đoạn nước rút của cuộc đua lưỡng viện vì hoạt động quảng bá hình ảnh của riêng mỗi ứng viên sẽ có hiệu ứng tốt hơn những đoạn video vận động bầu cử được đảng chính trị hoặc nhóm vận động bầu cử rót tiền.

Cook Political Report và Inside Politics, 2 nhóm quan sát chính trị trung lập khác tại Mỹ, cũng đưa ra những đánh giá tương tự. Theo thống kê của 2 nhóm này, có đến 71 ghế Hạ viện (65 ghế của đảng Cộng hòa và 6 ghế của đảng Dân chủ) đang diễn ra cạnh tranh giữa Dân chủ và Cộng hòa. Những ứng viên Dân chủ cạnh tranh 65 ghế hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa đều đang chiếm ưu thế về tiền vận động bầu cử.

Trước sức mạnh tài chính áp đảo của đối thủ, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đang ra sức thuyết phục những mạnh thường quân quen thuộc của mình chi thêm nhiều tiền hơn cho cuộc đua. Theo Politico, tỷ phú Seldon Adelson đã đồng ý đóng góp gần 20 triệu USD cho quỹ của CLF.

Nhiều nhân vật cấp cao khác của đảng Cộng hòa cũng đang liên hệ thêm mạnh thường quân có sức ảnh hưởng lớn. Ngày 9/10, Jared Kushner, cố vấn cấp cao Nhà Trắng đồng thời là con rể của Tổng thống Trump, đã xuất hiện tại một cuộc họp ban lãnh đạo tổ chức Liên minh Cộng hòa Do Thái. Tối cùng ngày, Kushner lại tiếp tục đến dự một sự kiện tiếp xúc doanh nghiệp được tổ chức bởi Phòng Thương mại Mỹ tại khách sạn Ritz-Carlton ở Washington.

Cũng trong tuần đó, Giám đốc điều hành CLF Corry Bliss đã mời đại diện của 50 nhà vận động hành lang các bang nông nghiệp Mỹ đến văn phòng để xin thêm tiền cho đảng Cộng hòa. Ông cảnh báo về một “làn sóng màu tiền” của đảng Dân chủ có thể đánh bật thế đa số của Cộng hòa tại Hạ viện.

Nỗi sợ của Corry Bliss hoàn toàn có cơ sở. Giới lãnh đạo đảng Dân chủ đã tận dụng lợi thế tài chính của mình để mở rộng phạm vi cạnh tranh phiếu bầu. Ở chiều ngược lại, các ứng viên Cộng hòa tại nhiều khu vực nằm trong vùng an toàn bỗng nhận thấy họ rơi vào thế phòng thủ trước chiến dịch quảng bá mạnh mẽ của đối thủ.

Từ đầu tháng 10, đảng Dân chủ đã bắt đầu phát nhiều quảng cáo truyền hình công kích những hạ nghị sĩ Cộng hòa đang tái tranh cử tại các bang Pennsylvania và Arkansas, bao gồm cả những quận bầu cử quốc hội có truyền thống nghiêng về phe bảo thủ.

“Nếu vị thế tài chính của đảng Dân chủ tiếp tục được cải thiện, số cơ hội họ nắm được trong tay sẽ càng nhiều hơn. Họ không những đủ sức dồn tiền vào những cuộc đua có khả năng chiến thắng, mà còn có thể mở rộng bản đồ chính trị bằng cách đầu tư vào những cuộc đua chúng ta từng ngỡ mình không thể thua”, Ken Spain, cựu lãnh đạo NRCC, nhận định.

Cuộc bầu cử giữa kỳ bạc tỷ: Phe Dân chủ lợi thế áp đảo - 10

Theo Thanh Danh - Nhân Lê Ảnh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật