Chuyến bay United Airlines từ Paris hạ cánh xuống phi trường quốc tế Dulles (Washington DC) trong cơn mưa tầm tã. Anh biên phòng với nụ cười và giọng mến khách "Welcome to United States – Nước Mỹ xin chào" làm tôi sững sờ vì nghĩ thời Trump nhập cảnh khắc nghiệt hơn.
Xem qua hộ chiếu và visa, hỏi thêm tôi về khu nào, rồi cộp cái dấu, và anh lại cười: "Good Luck – Chúc may mắn". Vài mét qua cửa biên phòng, bước chân tôi chạm vào nước Mỹ sau gần 2 năm kể từ thời Tổng thống Trump lên ngôi trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới.
Trước đó, mọi thăm dò đều cho hay, bà Hillary Clinton sẽ thắng. Có lẽ là hôm nay ít người tin vào báo chí, thống kê hay kết quả thăm dò, xu thế chung là "wait and see – chờ đợi xem".
Hôm 23/10, trước ngày bầu cử giữa kỳ đúng 2 tuần, tờ Washington Post đăng tin về cuộc khảo sát mới do Viện Nghiên cứu chính sách và chính phủ (Washington Post-Schar School) thuộc tờ báo này cho hay, tại 63 tỉnh/đơn vị bầu cử tranh cãi từng ủng hộ Tổng thống Trump năm 2016 thì hiện nay đảng Dân chủ đang dẫn với tỷ lệ 50%, so với 47% ủng hộ Cộng hòa.
CNN và Fox tràn ngập tin tức về bão Michael đổ vào Mexico Beach ở Florida làm hơn 30 người chết, cả khu thành bình địa, nhà cửa tan nát. Rồi trong lãnh sự của Arab Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà báo làm việc cho Washington Post bị giết, thi thể bị cắt thành từng mảnh.
Vụ việc này làm ông Trump khó xử. Arab Saudi giết người làm việc cho Mỹ, không lớn tiếng là không được, lớn tiếng quá mất trăm tỷ USD càng không nên. Nhân quyền hay tiền luôn là câu hỏi của người Mỹ. Xử lý không khéo dễ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đua vào đồi Capitol và hình ảnh nước Mỹ.
Mấy hôm nay, tin về bầu cử giữa kỳ được nói nhiều hơn, tivi truyền trực tiếp vài cuộc tranh luận giữa các đối thủ. Các chỉ dấu cho thấy đảng Cộng hòa đang lo thành thiểu số ở cả hai viện, nhiều thăm dò cho biết cán cân đang nghiêng về Dân chủ, nhưng có trời mới biết được cử tri Mỹ lựa chọn ra sao.
Nhìn xung quanh phố phường, mọi thứ vẫn như xưa. Ngay cả tòa nhà mới xây bên cạnh khu nhà trọ vẫn có màu xam xám như đã đứng đó cả trăm năm rồi. Đó là cái tài của người Mỹ "xây mới nhưng giống cũ", có những thứ mới đầu chả có giá trị nhưng được bảo trì, nâng cấp và cuối cùng thành quốc bảo, sinh lời du lịch cho thế hệ sau.
Qua trước cửa Nhà Trắng thấy vẫn như thuở nào, du lịch vẫn đông, có vài người biểu tình. Bà Conni ở đó mấy chục năm mới mất nhưng lều vẫn tiếp tục do một người đàn ông luống tuổi ngồi thay.
Đến nước Mỹ năm 2004, tôi biết có "nhiều nước Mỹ".
"Nước Mỹ" của Bush con (2000-2008) thích chiến tranh, đánh Iraq; của Obama (2008-2016) thiên về hòa bình và giờ là của Trump hướng về kiếm tiền hơn là nhân quyền và dân chủ.
Vẫn Nhà Trắng, vẫn đồi Capitol, tổng thống có khác nhau, nhưng Hiến pháp Mỹ chỉ có một với thể chế tam quyền phân lập, cuối cùng vẫn một nước Mỹ dù tổng thống khác, đảng khác nhau nắm quyền.
Đi metro đến văn phòng World Bank cũ thấy khách đi lại, chả ai nói gì, kể cả tiếng thì thầm dù lúc đó là giờ tan tầm. Họ vốn ít nói ở chốn công cộng nhưng sẽ lên tiếng đúng lúc khi đi bầu.
Tôi hỏi cỡ chục người, quen, lạ, da màu, da trắng, Mỹ Latinh hay châu Á, không ai muốn nói liệu rằng Dân chủ có giành lại quyền kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện. Câu trả lời là cái lắc đầu "I don’t know – tôi không rõ" bởi chiến thắng ngoạn mục của Tổng thống Trump năm 2016 là một bài học nhớ đời về sự đồn đoán, thống kê, số liệu hay thăm dò.
Đảng Dân chủ cần thêm 2 ghế để thành đa số trong Thượng viện, nơi có quyền phê chuẩn các ứng viên do tổng thống đề cử vào các vị trí nội các và thẩm phán liên bang, khả năng "trói tay" tổng thống trong nhiều chính sách.
Trong số 35 ghế Thượng viện được bầu lại trong tháng 11, 26 ghế đã được giữ bởi chính đảng Dân chủ và đồng minh với hy vọng không bị mất thêm. Phần chiến ác liệt nhắm vào 9 ghế của Cộng hòa mà các bang đã bỏ phiếu ủng hộ Trump vào năm 2016. Nếu vài khu vực mà cử tri bỗng nhận ra chọn nhầm Tổng thống thì Cộng hòa sẽ gặp khó.
Đảng Dân chủ cần thêm 25 ghế để giành quyền kiểm soát Hạ viện, dường như là một việc lên trời, nhưng trời mới biết được cử tri Mỹ nghĩ gì. Tuy nhiên, kiếm thêm một số ghế ở Hạ viện sẽ giúp Dân chủ trong việc điều đình với Cộng hòa hiện đang thành "độc đảng" cả hai viện và Nhà Trắng.
Ra Eden Center trung tâm buôn bán của người Việt, trên đường Wilson thấy nhiều poster quảng cáo các ứng viên đủ chức vụ từ chủ tịch hội đồng trường đến nghị sỹ tiểu bang, thấy tên ông Tim Kaine, người đứng ứng viên phó Tổng thống cho bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng thuở nào, do ghế Thượng nghị sĩ phải bầu lại kỳ này.
Nhiều khi dân bầu người này, không chọn người kia do họ không làm được như đã hứa. Một con đường bị hỏng nhưng dân kêu mãi không vá thì ông đại diện ở đó dễ bay ghế. Người dân tự do lựa chọn những gì mà họ thấy cần cho chính mình.
Có người cầm lá phiếu trên tay để gửi gắm tương lai, để nhắm ủng hộ Tổng thống với những kỳ vọng lớn lao. Nhưng có lựa chọn của cử tri lại bắt đầu từ những điều đơn giản nhất là sửa con đường trước nhà. Đôi lúc bố mẹ chiều theo sự lựa chọn ngây thơ của bọn con nít lớp hai.
Sau những sự khác biệt về chính kiến, về sự lựa chọn, khi các vị từ phường tới tiểu bang, từ hạ viện tới thượng viện đã yên vị thì mọi việc lại như thường. Hết poster, hết Cộng hòa hay Dân chủ, không còn biểu tượng Voi hay Lừa dán trên ô tô hay trên tường.
Nhớ người đồng nghiệp IT làm việc ở World Bank sống ở West Virginia có thu vàng mỗi mùa bầu cử. Anh kể có lần bị mưa lụt khá nặng nên sẽ bầu người nào đến đúng lúc nhà anh đang lũ cuốn đe dọa. Dân chủ hay Cộng hòa chả có vai trò gì với cái vùng quê yên tĩnh và đẹp mê hồn.
Tôi đưa hai cậu con trai đi ăn McDonald vào cuối tuần, thấy bảng hiệu vào (Entry) và ra (Exit) đều có màu đỏ. Dường như trong chính trị cũng vậy, vào Capitol đã khó và nguy hiểm mà lúc nào đó dân không còn tín nhiệm thì lối ra cũng một màu đỏ ấy. Đó là cái cách mà bầu cử Mỹ luôn nóng tới đỏ mỗi độ thu về.
Theo Hiệu Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)