Phong tỏa toàn bang
Mặc dù trước đó 2 thành phố San Francisco và Los Angeles đã thực thi các biện pháp tương tự, nhưng đối việc áp dụng biện pháp trên với toàn bang lại là một chuyện khác.
California là bang đông dân nhất nước Mỹ. Nó cũng là một trung tâm kinh tế, là nơi đặt thủ phủ của ngành công nghiệp giải trí (Los Angeles) cùng trung tâm công nghệ quan trọng nhất của thế giới (Thung lũng Silicon và San Francisco Bay Area). Thung lũng trung tâm California cũng là nơi sản xuất bánh mì quan trọng nhất nước Mỹ.
Theo tạp chí Forbes, nền kinh tế California có tổng giá trị trên 3 nghìn tỷ USD. Nếu được coi là một quốc gia, nó sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức; thậm chí đứng trên cả Anh và Ấn Độ.
Trước khi Thống đốc California Gavin Newson ra chỉ thị cho người dân ở trong nhà, 21,3 triệu người dân bang này đã nhận được một chỉ thị hạn chế đi lại khác tương tự.
“Chúng ta được xem là một bang tương thuộc, điều này đòi hỏi chúng ta phải chỉ thị người dân toàn bang ở nhà” - ông Newson nói - “Chúng tôi tự tin rằng người dân của bang California sẽ làm điều đúng đắn”.
Được biết, chỉ thị mà Thống đốc Newson ban hành sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 20/3, và sẽ kéo dài vô thời hạn cho đến khi có thêm thông báo. Nhiều cơ sở làm ăn kinh doanh sẽ phải tạm thời đóng cửa, trong đó bao gồm các nhà hàng, quán bar, CLB đêm, phòng tập gym. Các sự kiện cộng đồng cũng bị hủy. Trong khi đó, một số cơ sở vẫn sẽ duy trì hoạt động, bao gồm trạm xăng, hiệu thuốc, ngân hàng, cửa hiệu thực phẩm và cửa hiệu giặt là. Một số cơ quan của bang và chính quyền địa phương vẫn duy trì hoạt động, như các cơ quan hành pháp, các văn phòng quản lý những chương trình và dịch vụ của chính quyền.
Các nhà chế tạo xe hơi Nhật Bản gồm Toyota, Honda và Nissan đều đã tuyên bố rằng các nhà máy của họ trên lãnh thổ Mỹ sẽ ngừng hoạt động để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Cũng trong hôm 20/3, Bộ Ngoại giao Mỹ ban bố cảnh báo cấp độ 4 trên toàn thế giới: Khuyến cáo không đi lại do đại dịch virus corona. Ở Mỹ, hiện có ít nhất 13.133 ca nhiễm được ghi nhận, với 195 ca tử vong.
Diễn biến phức tạp
Ở ngoài nước Mỹ, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm ở nhiều quốc gia tăng đột biến, kéo theo nhiều biện pháp chống dịch mạnh tay mà chính quyền các nước sở tại ban bố.
ĐH John Hopkins, chuyên theo dõi số lượng ca nhiễm Covid-19 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cùng nhiều nguồn bổ sung, chiều ngày 20/3 cho hay tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới trên thế giới là hơn 244.500, với ít nhất 10.000 ca tử vong.
Argentina, đất nước 45 triệu dân, là nước mới nhất thực thi các biện pháp chỉ thị người dân ở trong nhà của họ, và có rất ít trường hợp được miễn trừ. Người dân chỉ được phép rời nhà vì những lý do thiết yếu như đi mua thực phẩm, thăm khám… lực lượng cảnh sát tuần tra sẽ thực hiện công tác kiểm tra trên mọi tuyến phố, nếu ai không có lý do ra ngoài hợp lệ sẽ bị trừng phạt.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Argentina đã ghi nhận thêm 31 ca dương tính với virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 128 người.
Trong khi đó, tổng số ca tử vong do virus corona chủng mới ở Italy đã vượt quá con số người chết ở Trung Quốc. Theo đó số ca tử vong ở Italy giờ lên tới 3.405, nhiều hơn 157 so với Trung Quốc.
Ở Indonesia, số ca tử vong do virus corona chủng mới đã lên 25 người, con số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Philippines hiện có 17 ca tử vong, theo Hãng thông tấn nhà nước PNA, và ở Malaysia có 2 ca.
Chính quyền Ấn Độ trong hôm 20/3 tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu khẩu trang, thiết bị thông gió và vật liệu thô sử dụng để làm khẩu trang ra nước ngoài. Động thái xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi nước này đưa ra văn bản hướng dẫn mới, trong đó cấm tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế hạ cánh xuống các sân bay ở Ấn Độ bắt đầu từ ngày 22/3.
Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)