Các tổ chức tội phạm đình đám trên thế giới những năm gần đây có một ứng dụng hết sức bảo mật, được sử dụng để liên lạc với nhau và lên kế hoạch gây án, từ buôn ma túy cho đến giết người mà chẳng sợ pháp luật dòm ngó.
Nhưng hóa ra, tất cả chỉ là một cú lừa! Trong 3 năm vừa qua, ứng dụng này hóa ra đã bị đột nhập bởi FBI và Cảnh sát Liên bang Úc (AFP). Trong thông báo mới đưa ra ngày 8/6, các thông tin thu thập từ đây đã giúp nhà chức trách thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ, truy thu hàng chục triệu đô.
Cụ thể trong buổi thông báo, AFP nói rằng họ và FBI Mỹ đã thâm nhập và đọc trộm hàng loạt các cuộc hội thoại của giới tội phạm từ năm 2018, trên ứng dụng ANoM. Ứng dụng này vốn là một thị trường đen của giới tội phạm, chỉ có thể truy cập từ những chiếc điện thoại đã được chuẩn bị sẵn.
AFP tuyên bố, các thông tin thu được từ việc giải mã các tin nhắn đã giúp họ bắt giữ 224 nghi phạm, kết án được 500 tội danh và thu giữ 3,7 tấn ma tuý cùng 35 triệu đô tiền mặt trong 3 năm qua tại Úc. Các bản án được đưa ra có liên quan đến tổ chức mafia Ý tại Úc, những băng nhóm đua xe trái phép, các băng tội phạm châu Á và của người Albania.
Chiến dịch được đặt tên là Operation Ironside bắt đầu từ 3 năm trước, với sự hợp tác của các tổ chức chống tội phạm hàng đầu thế giới bao gồm FBI, AFP, cảnh sát New Zealand và Europol tại châu Âu.
Reece Kershaw - Ủy viên của AFP cho biết rất nhiều âm mưu phạm pháp đã được ngăn chặn kịp thời nhờ vào chiến dịch này, trong đó có kế hoạch xả súng tại quán cafe vùng ngoại ô Úc, hay vụ mưu sát một gia đình 5 người.
Được biết, ANoM chỉ có thể truy cập bằng những chiếc điện thoại mua từ chợ đen. Đó là những chiếc điện thoại đã bị tùy chỉnh để gỡ bỏ tính năng nghe gọi hay gửi email. Chúng chỉ có thể được dùng để liên lạc với những thiết bị khác có cài đặt ANoM, và giới tội phạm sẽ cần biết "đồng nghiệp" của mình có sở hữu thiết bị như vậy.
"Những chiếc điện thoại 'đen' vốn được lưu hành nội bộ, rồi trở nên phổ biến với giới tội phạm. Chúng rất tự tin về tính bảo mật của ứng dụng, do đã được các nhân vật có vị thế cao của thế giới ngầm tin tưởng sử dụng," - thông báo của AFP cho biết.
Vấn đề là giới tội phạm đã quá ngây thơ. Họ không biết rằng FBI có thể thâm nhập vào ứng dụng và theo dõi các cuộc hội thoại trên đó, để rồi nắm rõ các thông tin về việc chúng vận hành như thế nào. Càng sử dụng, chúng càng dấn sâu vào một cái bẫy quá tinh vi, để rồi dần sa lưới pháp luật.
Kershaw cho biết, tội phạm thậm chí còn chẳng buồn dùng mật mã hay tên giả trên ANoM, âu cũng bởi chúng quá tin tưởng vào khả năng bảo mật của ứng dụng này.
"Về cơ bản, chúng tôi gần như đã ngồi ngay trong túi quần của chúng, và thực hiện các chiến dịch bắt giữ chưa từng có," - Kershaw chia sẻ.
"Việc sử dụng các ứng dụng liên lạc bị mã hóa hiện là thách thức lớn cho các nhà hành pháp. ANoM, mặt khác, lại cho chúng tôi một góc nhìn về mức độ phạm pháp mà chúng có thể gây ra, ở một quy mô chưa từng có."
Hàng trăm vụ bắt giữ, hàng tấn ma túy bị truy thu trên phạm vi quốc tế là kết quả của chiến dịch này, dù AFP không công bố địa điểm cụ thể. Cảnh sát cho biết họ cũng đã thu giữ số tài sản tại Úc, với giá trị ước tính lên tới hàng triệu đô sau khi bán đi.
Trong vòng 3 năm qua, hơn 9000 cảnh sát trên phạm vi 18 quốc gia đã được điều động để duy trì chiến dịch này. AFP cho biết, họ đã bắt giữ được số tội phạm "nhiều hơn dự đoán", đồng thời chiến dịch đang tiến hành xâm nhập vào một mạng lưới liên lạc lớn hơn (cũng bị mã hóa) để ngăn chặn các hành vi phạm tội đang và sẽ diễn ra.
Nguồn: CNN
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)