Bond sau này đã trở thành một trong các lãnh đạo của Biệt đội Ngăn ngừa Biểu tình (SDS) - một đơn vị cảnh sát ngầm chịu trách nhiệm điều tra nhiều phong trào hoạt động xã hội và chính trị suốt 40 năm, và hàng loạt cấp dưới của Bond cũng bị tố lừa gạt tình cảm phụ nữ, thậm chí có con với họ để moi móc thông tin mật. 22 quốc gia Châu Âu khác cũng đã sử dụng lực lượng này và hiện nước Anh đang bị lên án vì can thiệp vào những nước khác.
Phát hiện tình cờ bóc trần thân phận cảnh sát ngầm
Chuyện bắt đầu vào tháng 7-2010, cô Lisa Jones đi nghỉ ở Ý với bạn trai là nhà hoạt động bảo vệ môi trường Mark Stone. Khi đang tìm kiếm cặp kính râm trong hộc để đồ trên xe hơi, cô Lisa tình cờ lấy ra được một cuốn hộ chiếu Anh quốc.
Khi lật mở cuốn hộ chiếu, cô nhìn thấy ảnh của bạn trai mình đặt cạnh một cái tên hoàn toàn xa lạ: Mark Kennedy. Ngoài ra, cô Lisa còn phát hiện một chiếc điện thoại mà cô chưa bao giờ nhìn thấy bạn trai mình sử dụng, trong đó chứa rất nhiều email và tin nhắn từ hai đứa trẻ gọi Mark - người luôn khẳng định mình chưa bao giờ kết hôn - là cha.
Lisa bị sốc nặng khi phát hiện mình đang yêu một người có tên tuổi và nhân thân hoàn toàn giả mạo. Phát hiện tình cờ của cô gái trẻ đã khiến một trong những bí mật lớn nhất của lực lượng cảnh sát Anh quốc bị đưa ra ánh sáng.
Sự tồn tại của lực lượng cảnh sát mật với nhiệm vụ thâm nhập các nhóm hoạt động xã hội cũng như các đảng phái chính trị đối lập được giữ kín đến mức rất nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ Anh chỉ biết về chuyện này khi họ… đọc những bài báo viết về câu chuyện của cô Lisa Jones.
Khi Lisa Jones và bạn bè nhận ra Mark Kennedy là một gián điệp có nhiệm vụ theo dõi những nhà hoạt động bảo vệ môi trường, họ đã nhanh chóng lên tiếng và phát hiện này đã gây chấn động dư luận.
Tất cả những bằng chứng cảnh sát Anh thu thập được qua những cảnh sát ngầm này bị bác bỏ vì phương pháp điều tra không được cho phép, một phiên toà xử nhiều nhà hoạt động xã hội bị huỷ và họ thoát được cáo buộc âm mưu đóng cửa một trong những xí nghiệp lớn nhất ở Anh.
Câu chuyện tiếp tục gây phẫn nộ vì hoá ra, Mark đã ve vãn hàng chục phụ nữ để thu thập thông tin, thậm chí điệp viên này còn là cha của nhiều đứa trẻ và anh ta “biến mất” ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, để lại vợ con bơ vơ một mình.
Để tránh búa rìu dư luận, các quan chức cấp cao đã khẳng định Mark là một cảnh sát biến chất, tuy nhiên cuộc điều tra công khai do Thủ tướng Anh Theresa May chỉ đạo cho thấy Mark chỉ là một trong số rất nhiều cảnh sát mật được phân nhiệm vụ thâm nhập các nhóm hoạt động xã hội và đảng phái chính trị kể từ năm 1968.
Ngoài ra, “siêu điệp viên” này đã làm việc cho… 22 quốc gia khác nhau, bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Pháp, Bỉ… và đã nhiều lần phạm pháp để hoàn thành nhiệm vụ.
Mark đã nhanh chóng thừa nhận danh tính thật sự sau khi bị phát hiện và gọi điện xin lỗi một trong những “mục tiêu” của mình vì đã phản bội lòng tin của quá nhiều người. Mark cũng thừa nhận chiến dịch này thật vô nghĩa và phí phạm công sức.
Những cảnh sát ngầm đào hoa và nỗi đau của những người phụ nữ
Sau khi danh tính của Mark Kennedy bị bại lộ, nhiều người phụ nữ khác đã nhận ra mình từng bị những cảnh sát ngầm đưa vào tròng và lợi dụng. Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Helen Steel - người về sau đã trở nên nổi tiếng vì đơn phương kiện chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonalds tội phỉ báng - đã hẹn hò với cảnh sát John Dines suốt 2 năm trong thập niên 1990 khi John nỗ lực phá hoại tổ chức của bà.
Một trường hợp nổi cộm khác là cảnh sát Mark Jenner - người đã sử dụng tên giả để xâm nhập một tổ chức hoạt động xã hội, hẹn hò với một thành viên và sống chung với người phụ nữ này suốt 4 năm.
Mối quan hệ của Mark và bạn gái sâu đậm như vợ chồng thực sự. Một người phụ nữ giấu tên khác tin rằng cảnh sát Vince Miller tiếp cận cô vì lúc đó cô vừa ly dị người chồng vũ phu của mình, và hai người hẹn hò vài tháng vào năm 1979 trước khi Vince đột ngột mất tích.
Những cái tên khác bao gồm Lynn Watson, người có nhiệm vụ dò la một nhóm phản chiến ở Leeds giữa những năm 2000 và Marco Jacobs, người được giao việc theo dõi một số nhóm hoạt động chính trị ở Cardiff. Ngoài những người này, tính từ giữa thập niên 1970 đến năm 2010, còn có ít nhất 20 viên cảnh sát khác đã có quan hệ yêu đương với các đối tượng họ giám sát.
Để đảm bảo danh tính của mình, Marco - người có danh tính giả là một lái xe đường dài - đã sử dụng máy tắm nắng nhân tạo để tạo ra một vết rám nắng vĩnh viễn ở mu bàn tay phải, và kể với bạn gái rằng đó là kết quả của việc tựa tay lên cửa kính xe trong suốt nhiều năm.
Marco còn tham gia tổ chức đám tang cho cha của bạn gái để lấy được niềm tin và tình yêu của cô gái này. Mark cũng áp dụng chiêu thức tương tự: anh ta đã cùng Lisa… khóc cả đêm khi cha cô qua đời và dành nhiều tháng giúp cô hồi phục sau cơn trầm cảm.
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, những “điệp viên” này sẽ hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của bạn gái với lý do họ bị suy nhược thần kinh. Thậm chí, John và Mark còn gửi cả bưu thiếp đóng dấu quốc tế cho bạn gái, khẳng định họ đã định cư ở nước ngoài để kết thúc mối quan hệ một cách êm thấm. Tuy nhiên, những mối tình dối trá này đã khiến những người phụ nữ vô tội bị tổn thương nhiều năm sau đó.
Danh tính của lực lượng nằm trong bóng tối
Lực lượng cảnh sát ngầm này ban đầu là một bộ phận của SDS. SDS được thành lập nên để kìm hãm và điều khiển những cuộc biểu tình diễn ra khắp nước Anh vào cuối thập niên 1960, đặc biệt là phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên khi những cuộc biểu tình đã kết thúc, lực lượng này được duy trì thêm 40 năm nhằm giám sát các nhóm hoạt động xã hội và chỉ có những quan chức cấp cao nhất của Sở Cảnh sát Thủ đô mới biết đến sự tồn tại này.
Một cảnh sát từng công tác tại SDS khẳng định họ là một lực lượng ngầm và chỉ có Sở Cảnh sát Thủ đô cho phép họ hoạt động. Theo một sỹ quan giàu kinh nghiệm, SDS bị giải tán vào năm 2008 do các thành viên không tuân theo những tôn chỉ đạo đức bắt buộc. Tuy nhiên, phương pháp điều tra mờ ám này lại được đơn vị của Mark Kennedy là đơn vị Tình báo Trật tự Quốc gia (NPOIU)… tái sử dụng.
Các chiến dịch do NPOIU chỉ đạo có quy mô rất lớn: trong 40 năm qua, đã có ít nhất 139 cảnh sát với hàng trăm danh tính giả đã thâm nhập và giám sát hơn 1.000 nhóm hoạt động xã hội. Những chiến dịch này không phải là các chiến dịch thông thường và được pháp luật Anh cho phép nhằm thu thập bằng chứng để truy tố tội phạm, mà chúng được thiết kế để phá hoại các nhóm hoạt động bị nhắm đến.
Một cảnh sát ngầm sẽ phải “nhập vai” từ 4 đến 5 năm, sống chung với những người đứng đầu các tổ chức, gây dựng những tình bạn sâu sắc hoặc những mối tình nghiêm túc với các mục tiêu. Vào giữa tháng 4-2021, kết quả của cuộc điều tra công khai cho thấy đã có ít nhất 4 cảnh sát ngầm có con với những người phụ nữ mà họ chịu trách nhiệm theo dõi.
Thông thường, các cảnh sát ngầm sẽ không tự tạo cho mình một danh tính hoàn toàn mới do cách này khá đắt đỏ và phức tạp. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng tên tuổi của những đứa trẻ đã mất từ rất lâu trước đó do bệnh tật, và họ sẽ thăm mộ của những đứa trẻ đó để “xin phép” được lấy đi danh tính của chúng.
Cuộc điều tra gây nhiều tranh cãi
Năm 2014, cựu Thủ tướng Theresa May đã khởi động một cuộc điều tra công khai nhằm vào lực lượng cảnh sát mật này khi bà vẫn còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Quyết định điều tra được bà Theresa May đưa ra sau khi những nhà hoạt động xã hội và Báo The Guardian lên tiếng. Cuộc điều tra này hiện đã tiêu tốn hơn 29 triệu bảng Anh và được dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2023.
Ông John Mitting, cựu thẩm phán chịu trách nhiệm giám sát vụ việc, hiện đang quản lý một đội điều tra gồm 90 nhân viên. Tổng cộng hơn 200 nhân chứng, trong đó có rất nhiều chính trị gia tham gia giám sát lực lượng cảnh sát mật, sẽ phải làm chứng trước toà, và nhiều tài liệu mật sẽ được công khai. Tuy nhiên, một số lượng lớn tài liệu đóng vai trò quan trọng trong nhiều chiến dịch của NPOIU đã bị cảnh sát Anh hủy bỏ.
Nhiều người hiện đang lo ngại chuyên án sẽ không mang lại kết quả gì do cựu thẩm phán Mitting dường như đang nỗ lực bảo vệ cảnh sát hơn là lột trần những bí mật của họ.
Một trong những lý do khiến vụ việc bị trì hoãn 6 năm đó là một số lượng lớn cảnh sát ngầm đã yêu cầu được giữ kín danh tính trong quá trình bị điều tra do sợ rằng bản thân và gia đình sẽ lâm vào nguy hiểm, trong khi một số khác lo ngại quyền riêng tư và nhân quyền của họ đang bị tổn hại. Ông Mitting đã chấp thuận phần lớn những yêu cầu này, cho dù các nhiệm vụ của họ đã diễn ra hàng thập kỉ trước, và phần lớn họ đều thâm nhập vào những tổ chức rất ôn hoà.
Thậm chí, vị thẩm phán này còn cho phép 1/3 số cảnh sát ngầm được giữ kín cả danh tính thật và giả. Họ vẫn sẽ giao nộp bằng chứng và làm chứng, nhưng dưới một mật danh bao gồm 2 chữ cái và 1 số. Những người bị các cảnh sát mật theo dõi đã cực lực phản đối quyết định này và họ chỉ ra rằng, họ sẽ không thể phản bác lời khai của các cảnh sát mật nếu họ không biết danh tính giả của những “điệp viên” này.
Nhiều nạn nhân đã kiên quyết cự tuyệt cuộc điều tra và cho biết sẽ chỉ hợp tác nếu ông Mitting bị thay thế. Họ cho rằng vị cựu thẩm phàn 73 tuổi là một người đàn ông da trắng lớn tuổi, khá giả và sống một cuộc đời khác hẳn những nạn nhân của NPOIU. Hơn nữa, họ cho rằng ông Mitting, thành viên của câu lạc bộ quý tộc lâu đời nhất thế giới Garrick Club, vốn chỉ dành cho đàn ông, khó có thể hiểu được nạn phân biệt chủng tộc và giới tính mà những mục tiêu của NPOIU phải gánh chịu.
Theo Huyền Thi (An Ninh Thế Giới)