South China Morning Post dẫn lại phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington D.C., dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/5, cho rằng có 2 sà lan neo ở rìa phía tây của đường băng, một trong 2 sà lan có vẻ được lắp máy nạo vét, gồm cần cẩu và gàu ngoạm hai hàm.
Đảo Thị Tứ xếp thứ hai về mặt diện tích tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines kiểm soát. Philippines chiếm 9 thực thể tại Trường Sa, trong đó đảo Thị Tứ là nơi duy nhất có dân cư sinh sống.
Đường băng trên đảo Thị Tứ đã được xây dựng từ thập niên 1970 và là đường băng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Phần phía tây của đường băng đã bị sập xuống theo thời gian, cộng với tình trạng bề mặt xấu khiến cho máy bay không thể cất hay hạ cánh tại đường băng này.
South China Morning Post cho biết bên cạnh việc sửa chữa đường băng, 7 tòa nhà mới cũng đã được xây dựng ở đảo Thị Tứ trong năm 2017, với 4 tòa nhà gần một khu dân cư ở mặt phía đông của đảo.
Tháng 7/2017, một đội tàu Trung Quốc, bao gồm tàu cá, tàu tuần duyên và tàu hải quân đã chặn một tàu của Cục Nghề Cá và Tài nguyên Biển Philippines tiếp cận khu vực đảo Thị Tứ.
Philippines từ lâu đã có kế hoạch sửa chữa các cơ sở trên đảo nhưng phải tạm dừng vì vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.
Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế, nói rằng việc xúc tiến xây dựng và nâng cấp ở đảo Thị Tứ là dấu hiệu cho thấy áp lực nội bộ mà Tổng thống Rodrigo Duterte gặp phải trong việc phải đứng lên trước Trung Quốc.
"Có nhiều diễn biến mới: một vụ việc được cho là đối đầu giữa Trung Quốc và Philppines ở một bãi cát gần đó, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, tất cả đều tạo nên áp lực lớn với chính quyền Duterte", ông nói.
"(Có vẻ) chúng đã tiếp thêm nhiên liệu cho những lời kêu gọi trong giới quân sự, dân sự và chính trị Philppines về việc chỉnh trang các cơ sở", nhà nghiên cứu nói thêm.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)