Covid-19 vẫn ám ảnh Trung Quốc

20/03/2020 20:55:05

Trên chuyến bay từ Seoul đến Thượng Hải hôm 9/3, Brian Lee được thông báo Trung Quốc yêu cầu cách ly 14 ngày tất cả hành khách từ Hàn Quốc.

Sau khi xuống sân bay Phố Đông ở Thượng Hải, Brian Lee được đưa tới một khách sạn ba sao được chính quyền trưng dụng làm khu cách ly. Các y tá mặc đồ bảo hộ đưa cho anh nhiệt kế để tự kiểm tra thân nhiệt hai lần mỗi ngày và một túi đựng rác. Bữa ăn được đặt ngoài cửa vào 8h30, 12h và 18h mỗi ngày.

"Tôi cố gắng giữ lạc quan, làm một số việc như chống đẩy, đọc sách hay viết, những điều trước đây tôi không có thời gian làm", Lee, giám đốc kinh doanh của nền tảng truyền thông Radii ở Thượng Hải, cho hay. Ngoài lúc mở cửa lấy đồ ăn, người đàn ông 27 tuổi không thể nhìn ra ngoài căn phòng buồn tẻ.

Dù Covid-19 dường như đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nỗi lo mới về việc "nhập ngược" nCoV lại xuất hiện, trong bối cảnh số ca bệnh tăng vọt tại Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Theo Charlie Campbell, phóng viên khu vực Đông Á của Time, nỗi lo của người dân Trung Quốc tăng lên khi truyền thông nhà nước nói rằng phương Tây không thể áp dụng những biện pháp quyết liệt như Trung Quốc nhằm ngăn virus lây lan, đồng thời đưa ra số liệu về ca nhiễm nCoV mới từ nước ngoài.

Các nhân viên bảo vệ sẽ tra hỏi bất kỳ người nước ngoài nào, như quốc tịch là gì, hai tuần qua ở đâu, nhằm hạn chế tương tác xã hội của họ. Phóng viên Campbell cho biết thợ cắt tóc quen của anh tại địa phương không còn phục vụ khách nước ngoài.

Mối nghi ngờ đặc biệt rõ rệt đối với người Italy, nơi số bệnh nhân chết vì nCoV đã vượt Trung Quốc, cùng hơn 40.000 ca nhiễm. Andrea Fenn, thành viên Phòng Thương mại Italy tại Trung Quốc, kể rằng sau khi một số khách hàng đến văn phòng, đối tác người Trung Quốc của anh đã hỏi họ đến từ đâu, có phải người Italy không.

"Đó là phản ứng dễ hiểu. Không gì có thể so sánh với sự phân biệt mà người châu Á tại Italy từng trải qua khi khủng hoảng mới xuất hiện", Fenn cho hay.

Ambra Schiliro, chủ tịch Hiệp hội người Sicily ở Trung Quốc, cho biết một công dân Italy đang tự cách ly tại căn hộ riêng ở Thượng Hải phải hứng chịu cơn tức giận của hàng xóm. Họ gọi điện cho cảnh sát yêu cầu đưa cô tới khách sạn cách ly thay vì ở nhà.

Covid-19 vẫn ám ảnh Trung Quốc
Một cư dân đeo khẩu trang khi ra đường tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 19/3. Ảnh: AFP.

 

Stefen Show, công dân Singapore vừa trở lại Bắc Kinh sau khi về thăm quê, may mắn hơn khi được tự cách ly tại nhà riêng. Tuy nhiên, anh là người duy nhất trong gia đình được phép ra ngoài để lấy đồ giao tận nơi, trong khi vợ và hai con nhỏ của anh không thể rời khỏi nhà trong 14 ngày.

Cuộc sống của người dân Trung Quốc vẫn đảo lộn khi các thành phố áp dụng những quy định khác nhau trong công tác kiểm dịch, phương thức tiến hành cũng thiếu rõ ràng. Những người đi từ Thượng Hải đến thành phố Tô Châu lân cận đều bị cách ly bắt buộc 14 ngày. Người không đi đâu cũng phải tự cách ly nếu có bạn cùng phòng hay thành viên gia đình trở về từ nước ngoài hoặc tỉnh khác.

Trên thực tế, quá trình thực thi các quy định phần lớn phụ thuộc vào ủy ban khu phố. Một số thành viên ủy ban này thậm chí lợi dụng quyền lực mới để gây khó dễ cho người dân. "Thật vô cùng bực bội. Mọi người không biết liệu có thể vào được chính nơi ở của mình hay không, chứ đừng nói đến văn phòng", Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, cho hay.

Những hoạt động hàng ngày cũng chưa thể bình thường trở lại, bất chấp nỗ lực ca ngợi thành tựu trong cuộc chiến chống nCoV của Bắc Kinh. Các văn phòng dần mở cửa trở lại, nhưng hệ thống sưởi trung tâm không được phép hoạt động do lo ngại virus lây lan. Trên taxi, tài xế đặt tấm nhựa ngăn cách hai hàng ghế để bảo vệ mình khỏi hành khách.

Phóng viên Campbell cho biết một người bạn ở Bắc Kinh của anh hốt hoảng khi trở lại văn phòng và nhìn thấy lễ tân trong bộ đồ bảo hộ trắng. Một người khác phàn nàn rằng việc liên tục phun thuốc khử trùng đã giết chết tất cả cây trong văn phòng.

Người lắp truyền hình cáp cho Campbell đã chuyển sang bán khẩu trang y tế do ai cũng có nhu cầu mua mặt hàng này. Khi vào nhà hàng, anh và vợ ngồi chéo nhau trên chiếc bàn 4 người để tuân thủ những quy tắc về cách biệt cộng đồng. Campbell còn phải hẹn gặp một luật sư trong quán cà phê vì văn phòng của cô cấm người ngoài. Nữ luật sư đã bị phạt tại quán do đứng gần Campbell hơn một mét.

Trong khi đó, việc đưa cuộc sống trở lại bình thường là nhiệm vụ bắt buộc với nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu chính phủ, các ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 2. Trong hai tháng đầu năm, doanh số ôtô giảm 80%, xuất khẩu giảm 17,2%.

Tính đến ngày 18/3, kinh tế Trung Quốc đang hoạt động ở mức 71% sản lượng tiêu chuẩn, theo công ty nghiên cứu chính sách Trivium. Từng nhà máy đang được kiểm tra trước khi mở cửa trở lại, nhưng tốc độ phục hồi còn phụ thuộc vào tính chất doanh nghiệp. Ngành dịch vụ có thể phục hồi nhanh hơn nhiều so với sản xuất. Sản xuất tự động hóa và công nghệ cao cũng có khả năng lấy lại đà tốt hơn do ít phụ thuộc vào người lao động.

Tuy nhiên, nhu cầu trong hầu hết lĩnh vực dự kiến giảm, đặc biệt khi Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới, khiến tất cả doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ. Hơn 100 công ty bất động sản Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản trong hai tháng đầu năm.

Bất chấp tình hình khó khăn, chính phủ vẫn giám sát chặt chẽ lực lượng lao động. Tại các tòa nhà văn phòng và khu dân cư, quan chức đứng bên ngoài sẽ lưu lại tên, thông tin liên lạc, số thẻ căn cước và lịch sử di chuyển của những người vào trong, nhằm cung cấp dữ liệu cho cảnh sát.

Người dân tại một số thành phố phải đăng ký số điện thoại trên một ứng dụng mới có thể đi phương tiện giao thông công cộng. Tập đoàn bán lẻ Alibaba cũng triển khai Ứng dụng Mã Y tế trên 200 thành phố Trung Quốc, nhằm đánh giá sức khỏe người dùng bằng các màu xanh lá, vàng và đỏ, dựa trên lịch sử di chuyển và khả năng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Những người mang mã đỏ phải cách ly 14 ngày.

Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường là bắt buộc, trong khi kiểm tra thân nhiệt là thủ tục cần thiết trước khi bước vào bất cứ cửa hàng hay tòa nhà nào, thậm chí khi đi qua một số con phố. Theo phóng viên Campbell, loạt biện pháp nghiêm ngặt này ngày càng gây mệt mỏi.

Quy định làm việc tại nhà cũng để lại hệ quả. Những ông chủ không quen với việc vắng bóng nhân viên ở văn phòng đang gây áp lực vô cùng lớn lên họ, bởi cho rằng phải tăng khối lượng công việc để đảm bảo năng suất làm việc tại nhà.

Li, nhân viên công ty khởi nghiệp Bytedance trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết cô thường làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối suốt 6 ngày một tuần, hay còn gọi là văn hóa làm việc "996". "Nhưng giờ đây chúng tôi đùa nhau rằng nó đã trở thành 007, có nghĩa là nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau, 7 ngày một tuần", Li nói.

Theo Anh Ngọc (Vnexpress.net)

Nổi bật