Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, thời gian qua khiến số ca nhiễm và tử vong tại Indonesia tăng cao kỷ lục, với các mức đỉnh lần lượt là 56.757 ca vào ngày 15-7 và 2.069 ca tử vong vào ngày 27-7.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo Reuters, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,4 triệu ca nhiễm và 95.000 ca tử vong. Dù vậy, giới chuyên gia khẳng định những con số thực tế là cao hơn gấp nhiều lần.
Trong khi đó, báo Financial Times cho biết Công ty Pfizer và Công ty Moderna (đều của Mỹ) đã nâng giá bán vắc-xin trong các hợp đồng mới nhất với khối Liên minh châu Âu (EU). Giá bán mới của vắc-xin Pfizer và Moderna lần lượt là 23,15 USD/liều và 25,50 USD USD/liều, tăng lên lần lượt từ 18,39 USD/liều và 22,60 USD/liều trong hợp đồng đầu tiên.
Thông tin trên được công bố giữa lúc nhiều quốc gia lên kế hoạch hoặc đã triển khai chương trình tiêm liều 3 bổ trợ. Theo báo The Telegraph, chính phủ Anh dự kiến bắt đầu tiêm vắc-xin bổ trợ cho 32 triệu dân vào ngày 6-9 và nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, kế hoạch này sẽ hoàn tất vào đầu tháng 12.
Tại Nhật Bản, báo Nikkei dẫn lời Bộ trưởng Cải cách hành chính Kono Taro cho biết quốc gia này đang nhắm mục tiêu triển khai chương trình tiêm bổ trợ vào năm 2022.
Trong khi đó, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã được tiêm liều 3 vào ngày 30-7, mở đầu chiến dịch tiêm vắc-xin bổ trợ cho nhóm dân số trên 60 tuổi, những người đã được tiêm liều 2 trước đó ít nhất 5 tháng.
Khẳng định nhiều nghiên cứu cho thấy miễn dịch từ vắc-xin Covid-19 giảm dần theo thời gian, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhấn mạnh mục tiêu của mũi tiêm bổ sung là gia tăng miễn dịch trở lại, qua đó làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm và số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)