Bán hàng thời trang trực tuyến ảnh hưởng nặng nề
Lúc này, Renata Depauli đang phải làm một công việc không hề đơn giản. Với trang web Herrenausstatter.de, cô đã hoạt động thành công trên 20 năm về bán hàng thời trang trực tuyến ở Đức.
Trong điều kiện bình thường vào thời điểm này, cô kinh doanh loại áo khoác thời điểm giao mùa, cũng có thể có cả áo sơ mi ngắn tay cho những ngày ấm áp vào dịp lễ Phục sinh. Thay vào đó giờ đây, cô phải bận rộn vì những mặt hàng ít hấp dẫn như quần chạy bộ, chúng phù hợp với dịp đầu xuân hiện nay. Thay cho những bộ đồ đắt tiền thì bây giờ khách hàng lại có ý tưởng - "trên doanh nhân, dưới bình dân". Do đó, doanh nghiệp phải tự xây dựng một mã tin tức tốt để nâng cao tâm trạng khách hàng.
Tuy nhiên, những điều này cũng chưa thể làm tình hình cải thiện nhiều. Trong những tuần vừa qua, doanh thu của cửa hàng của cô Depauli giảm 40%, việc tiêu thụ những bộ đồ sang trọng càng giảm thê thảm.
"Những ngày đầu tiên này mới thật sự cay đắng", Depauli nói. Thời trang thoải mái có thể bù lại phần nào, phần còn lại sẽ phải được bù đắp vào dịp lễ Phục sinh. Nếu không được thì doanh nghiệp với 200 lao động này phải đăng ký làm việc ngắn hạn. "Chúng tôi sẽ quyết định về việc này trong tuần sau", người phụ nữ 52 tuổi này chia sẻ với Spiegel (Đức).
Tương tự như Depauli, toàn bộ ngành công nghiệp thời trang đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngành này cùng nhiều ngành khác đều chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, đương nhiên ngành thương nghiệp bán lẻ bị nặng nề nhất: Toàn bộ các cửa hàng đều bị đóng cửa, riêng trong tháng 3 đã có hàng chục ngày phải nghỉ bán hàng.
Theo một cuộc điều tra của tạp chí chuyên đề Textilwirtschaft (Đức), doanh số bán ra so với cùng kỳ năm ngoái giảm bình quân 60%. Nhiều nhận định cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng chung, thương mại trực tuyến ắt ăn nên làm ra nhưng tình hình thực tế không hẳn như vậy.
Ở đây có một nguyên nhân đơn giản, ông Sebastian Schoemann thuộc công ty tư vấn AT Kearney (Mỹ), cho rằng: "Việc bán quần áo, giầy dép và hàng mỹ phẩm dựa vào công chúng và sự tương tác xã hội, nơi mà các sản phẩm này được giới thiệu – nhưng điều này hiện nay là không thể", bởi không ai làm việc tại nhà mà cần phải diện quần áo mới, chỉn chu.
Theo phân tích AT Kearney, xu hướng tìm kiếm thể hiện rất rõ: Trong khi nhu cầu trực tuyến đối với các mặt hàng gia dụng hay với dược phẩm từ tháng 1 tăng vọt, thì hầu như rất ít người quan tâm đến mặt hàng thời trang. Một nghiên cứu gần đây nhất của hãng tư vấn chiến lược McKinsey dự đoán, bán hàng trực tuyến bị âm 20%.
Các công ty lớn lỗ tiền triệu
Ngay cả những ông lớn ngành thời trang cũng cảm nhận được điều đó. Công ty bán hàng qua thư Otto cho hay: "Những mặt hàng có nhu cầu cao, hứa hẹn lợi nhuận lớn như thời trang xuân, hè và đồ bơi bị giảm rõ rệt". Cuối tháng 3 vừa qua, hãng thời trang khổng lồ Zalando Berlin thông báo, trong quý I năm nay, hãng bị thua lỗ 28 triệu Euro, theo đó dự báo kế hoạch cho cả năm khó có thể thực hiện.
Qua thư ngỏ Hội đồng quản trị, công ty cam kết sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ cố định, nhằm tránh không để việc kinh doanh lâu dài bị đình trệ; do đó, trong tháng 4, 5, các đối tác không phải chi trả tiền hoa hồng theo. Ngoài ra, Zalando đã dành ra 100 triệu Euro, "để thanh toán cho các đối tác đã cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho hãng, trước thời gian đã thoả thuận trong hợp đồng".
Theo Zalando, ngay trong những ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa tại Đức, khách hàng đã tỏ ra rất dè dặt.
"Chúng tôi cảm nhận được, mọi người đang quan tâm về những vấn đề khác và không để ý đến mua hàng trực tuyến", Lisa Miczaika, phụ trách mảng Trung Âu, nói. Hiện tại đã có nhiều người mua hàng hơn – nhưng mua những thứ khác. Khách có nhiều nhu cầu với đồ leggins, yoga và giày chạy bộ, khách hàng ít quan tâm đến trang phục buổi tối, váy dạ hội, comple và giày da.
Các mặt hàng trang điểm hiện chẳng mấy cần thiết. Làm đẹp cho ai xem bây giờ. Ngay cả việc mua sắm đồ bơi cũng khá hạn chế. Lúc này có lẽ nhiều người không thể tưởng tượng tới đây sẽ lại bay đi đâu đó, để phơi mình trên bãi biển, theo Spiegel.
Để tránh tình trạng thua lỗ, Zalando dự kiến thực hiện một chương trình tiết kiệm trị giá nhiều triệu euro. Theo nguồn tin của công ty, họ sẽ cắt giảm chi phí lên tới 350 triệu Euro. Mục tiêu là tránh không sa thải lao động.
"Người ngoài thường nghĩ, khi các cửa hàng bị đóng cửa thì kinh doanh trực tuyến chắc sẽ thắng to", Julia Bösch nói, "Nhưng thực tế lại không như vậy". Julia Bösch, 35 tuổi là chủ cửa hàng thời trang Outfittery, đặt hàng qua thư ở thủ đô Berlin. Mô hình kinh doanh của cô là một dạng Modebox đã cá nhân hoá, chuyên dành cho nam giới đang đứng trước nhiều thách thức trong những ngày này.
"Khách hàng lúc này chán mua rồi", Bösch nói. Khi bắt đầu có sự hạn chế đi lại, số lượng khách hàng có tăng nhưng còn thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Do đó, Outfittery phải tăng cường khâu chăm sóc khách hàng, mới đây tặng miễn phí cho khách hàng các khoá học Fitness trực tuyến, bán khẩu trang vải bông do cửa hàng tự sản xuất và gửi khẩu hiệu động viên khích lệ tới khách hàng qua điện thoại.
Mặt khác mô hình kinh doanh này dựa trên tỷ lệ khứ hồi cao: Khách hàng tự chọn, giữ lại những thứ dành cho họ mà họ thích, số còn lại gửi trả cho cửa hàng, nhưng hiện nay, khách hàng không thể thực hiện điều này khi họ không thể ra ngoài. "Từ tuần trước, [hãng chuyển phát nhanh] DHL đến lấy gói hàng ngay tại cửa nhà", Bösch nói, họ làm điều này do hạn chế đi lại.
Hiện tại nhiều cửa hàng trực tuyến hy vọng vào thời gian sau đó nhưng công ty tư vấn Boston Consulting Group đã gửi câu hỏi thăm dò 3.000 người tiêu dùng Đức, về hành vi tiêu dùng của họ sau đại dịch. Kết quả: 1/3 cho hay, trong sáu tháng tới họ sẽ giảm mạnh chi tiêu cho mặt hàng thời trang.
Theo Xuân Hoài (Báo Dân Sinh)