Các chuyên gia cảnh báo rằng những biện pháp kiềm chế dịch mà nhiều quốc gia khác thực hiện có nguy cơ không hiệu quả tại Ấn Độ.
Ấn Độ hiện có 322 ca nhiễm, 5 ca tử vong, trong đó chỉ riêng ngày 21-3 có thêm 83 ca nhiễm mới. Nước này đang kiềm chế dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới, xét nghiệm du khách nhập cảnh và theo dõi lịch trình của người có kết quả dương tính.
Ngày 17-3, Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ tuyên bố đã tăng cường xét nghiệm 8.000 mẫu/ngày thay vì mức 500 mẫu/ngày hiện nay. Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ Balram Bhargava cho biết không có bằng chứng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quan ngại những biện pháp này sẽ không đủ hiệu quả để ngăn chặn Covid-19. Những biện pháp khác như xét nghiệm diện rộng và cách ly xã hội có nguy cơ không thể triển khai ở những thành phố có mật độ dân số cao và cơ sở y tế khiêm tốn.
Mặc dù tổng số ca nhiễm không tăng đáng kể tại Ấn Độ nhưng cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Virus Cấp cao – ông Jacob John - nhận định đến 15-4 con số này sẽ tăng gấp 10 lần.
Đến nay, so với các nước khác ở châu Á, Ấn Độ không chịu nhiều ảnh hưởng vì Covid-19. Thủ tướng Narendra Modi cũng khẳng định quốc gia Nam Á này đang dốc sức lực để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan.
Điểm đáng lo ngại tại Ấn Độ là bang Maharashtra – có thủ phủ tài chính Mumbai và mức độ đô thị hóa cao nhất tại Ấn Độ. Riêng bang Maharashtra đã có 39 trường hợp mắc Covid-19. Chính quyền bang Maharashtra vào ngày 16-3 đề xuất các biện pháp như đóng cửa các địa điểm công cộng, ngừng tổ chức thi đại học và các công ty tư nhân, cơ quan công quyền cho một nửa nhân viên làm việc tại nhà.
Ngoài diện tích quá rộng lớn, Ấn Độ còn phải đối mặt với thách thức khác là mật độ dân số cao với 420 người/km2, so với 148 người/km2 ở Trung Quốc. Các thành phố Ấn Độ thường có nhiều nhà ổ chuột và khu nhà của người thu nhập thấp với điều kiện sống khó khăn.
Theo ông Srinath Reddy tại Trường ĐH Harvard - Mỹ, Hàn Quốc có thể xét nghiệm cả những người chưa có triệu chứng bệnh nhưng dân số đông tại Ấn Độ khiến điều này là bất khả thi.
Ông Srinath Reddy nhận định: "Cách ly xã hội là điều thường được nhắc đến đối với tầng lớp trung lưu thành thị nhưng khó có thể áp dụng với dân số vùng nông thôn hoặc người nghèo. Đó là vì họ sống trong những ngôi nhà chật chội và làm việc ở lĩnh vực không phù hợp với cách ly xã hội".
Một thực trạng đáng lo ngại khác của Ấn Độ là hệ thống y tế công cộng hạn chế. Ông Srinath Reddy cho biết chi tiêu của Ấn Độ dành cho hệ thống chăm sóc sức khỏe thuộc nhóm thấp nhất thế giới, chỉ chiếm 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tại Ấn Độ, các bệnh viện công thường quá tải, còn bệnh viện tư lại quá sức chi trả đối với nhiều người.
Theo H.Bình (Nld.com.vn)
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-an-do-vo-tran-moi-thuc-su-la-ac-mong-202003191211308.htm