Theo Sixth Tone, làm thêm giờ là một vấn đề nan giải ở Trung Quốc trong những năm gần đây, bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm kiểm soát lịch làm việc “996” (làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần) thường thấy ở các công ty công nghệ Trung Quốc.
Dù một số thành phố và công ty đã tìm cách giảm giờ làm việc, nhưng người lao động Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa giờ làm và hết giờ vì tại đại lục ngày càng có nhiều công việc được thực hiện trực tuyến, một vấn đề được gọi là “tăng ca vô hình”.
Gần đây nhất, câu chuyện về nữ công nhân Trung Quốc tên Lí Tiêu Nghiêm (Li Xiaoyan) đã kiện chủ cũ của mình vì hơn 500 giờ đồng hồ làm thêm giờ nhưng công ty không hề trả thêm đồng nào. Cụ thể, Lí làm việc trên WeChat và liên tục phải trả lời điện thoại với khách hàng và đồng nghiệp sau giờ hành chính. Tuy nhiên, cô không nhận được thù lao tăng ca nên quyết định kiện công ty cũ ra tòa.
Trang Sixth Tone cho biết, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 3 Bắc Kinh đã ra phán quyết yêu cầu công ty cũ phải bồi thường cho cô Lí 30.000 NDT (khoảng 102 triệu đồng).
Mặc dù phán quyết này được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái, nhưng gần đây các phương tiện truyền thông mới đưa tin về vụ việc, khiến nó trở thành một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên Weibo, cũng như các nền tảng mạng xã hội khác khi nhiều người dùng cũng chia sẻ về hoàn cảnh tương tự.
Chu Thương (Zhu Chuang), 28 tuổi, nhân viên tài chính ở Hàng Châu nói với Sixth Tone: “Sau khi kết thúc một ngày làm việc và trở về nhà, những người trẻ như tôi vẫn thường phải tiếp tục nhắn tin về các vấn đề liên quan đến công việc trên WeChat”.
Khoảng 84,7% số người tham gia cuộc khảo sát do nền tảng tuyển dụng trực tuyến 51Job thực hiện vào năm 2022 cho hay, họ tiếp tục theo dõi các tin nhắn liên quan tới công việc sau giờ làm, với hơn một nửa số người được hỏi làm thêm 1 tiếng mỗi ngày.
Nhiều nhân viên văn phòng ở Trung Quốc bị thiếu ngủ khi phải cố gắng giải quyết các cuộc trò chuyện liên quan tới công việc đến sau nửa đêm.
“Khi nói đến vấn đề "tăng ca vô hình", bạn không thể phủ nhận đó không phải là làm thêm giờ chỉ vì nhân viên không có mặt tại văn phòng. Khi thời gian của nhân viên rõ ràng dành cho công việc thì nên coi đó là làm việc ngoài giờ”, một người dùng Weibo cho biết.
Theo The Paper, mặc dù tòa án Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho cô Lí nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng tác động của vụ kiện vẫn khá hạn chế. Bởi, phán quyết trên chỉ xoay quanh các vấn đề thủ tục tại công ty công nghệ cụ thể. Ví dụ, công ty đã không có quy định cụ thể nhằm để nhân viên linh hoạt làm việc. Do đó, không có cơ sở để phán quyết có được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các trường hợp tương tự hay không, các chuyên gia cảnh báo.
Tuy nhiên, Chu Thương và một số người lao động khác vẫn lạc quan và kỳ vọng vào sức ảnh hưởng của vụ kiện là một bước đi đúng đắn.
“Chị Lí đã dũng cảm nói lên những vấn đề mà chúng tôi luôn quan tâm, đó là một khởi đầu tốt để làm căn cứ cho những sự việc trong tương lai,” Chu nói.
QT (SHTT)