Không thể đánh đồng
Liên quan đến việc hơn 100 khách Việt mất liên lạc tại Gangwon (Hàn Quốc) vào giữa tháng 10 khi theo tour du lịch liên kết với hãng hàng không Fly Gangwon, Sở Du lịch TP.HCM vừa kiến nghị phạt 80-90 triệu và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 12-18 tháng đối với 4 công ty lữ hành. Bởi, trong số 100 du khách bị mất liên lạc, có 32 khách là của các công ty trên.
Mức phạt đề xuất, Sở Du lịch TP.HCM căn cứ vào điều 7 khoản 13 điểm c Nghị định 45/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel (Hà Nội), cho rằng, khi quy định đã được luật hóa, các doanh nghiệp cần tuân thủ. Theo ông Đạt, cần nhìn nhận ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, việc xử phạt là để răn đe, ngăn chặn không để các doanh nghiệp lợi dụng. Đặc biệt, trường hợp cố tình vi phạm, có tổ chức, đường dây trái phép, mức phạt trên theo ông còn quá nhẹ.
Ông Đạt lấy ví dụ, một lao động muốn sang Hàn Quốc theo đường dây trước năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, hết khoảng 200 triệu đồng/người. Sau dịch, Hàn Quốc khan hiếm lao động và thủ tục đi lại khó khăn, mức giá này lên tới 300 triệu. Trong khi, bỏ trốn dưới dạng đi du lịch theo tour chỉ từ 12-15 triệu đồng/người. Lợi nhuận cao, khó có thể tránh trường hợp cố tình vi phạm.
Thứ hai, lỗi của công ty du lịch. Ông Đạt lưu ý, các doanh nghiệp lữ hành không có nghiệp vụ, không được đào tạo về xuất nhập cảnh. Phía đại sứ quán các nước yêu cầu thế nào, họ sẽ sàng lọc xem khách có đáp ứng được không. Do đó, với những đơn vị đưa khách đi du lịch nước ngoài với số lượng lớn, khó tránh khỏi sai sót.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism, cho hay, công ty lữ hành chỉ cung cấp dịch vụ du lịch, không phải là an ninh nên rất khó để phân biệt khách đi du lịch hay khách có ý định bỏ trốn.
“Bản thân các doanh nghiệp lữ hành chân chính cũng không bao giờ cố tình vi phạm, vì làm vậy là hy sinh thương hiệu. Đó thường là rủi ro, tai nạn”, bà nói.
Do vậy, bà Ngần nhấn mạnh, nếu công ty du lịch có khách trốn vẫn bị xử phạt, nhưng là cảnh cáo nhắc nhở, có cam kết hoặc đóng tiền bảo lãnh, nếu cố tình vi phạm mới rút giấy phép kinh doanh lữ hành.
Chưa có tiền lệ
Vụ việc 152 khách trốn tại Đài Loan (Trung Quốc) tháng 12/2018 buộc các cơ quan quản lý phải có biện pháp siết chặt việc để khách trốn lại nước ngoài. Đó là một trong những lý do Nghị định 45/2019/NĐ-CP ra đời.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó Phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, thời điểm đó nhiều công ty lữ hành đã lên tiếng về điều khoản xử phạt khi ban hành nghị định do lo ngại mức phạt quá nặng, bao gồm cả tước giấy phép kinh doanh, trong khi họ có thể sơ ý để lọt du khách cố tình trốn khi thẩm tra hồ sơ khách đăng ký đi tour.
Kể từ khi Nghị định 45/2019 có hiệu lực (1/8/2019), ông Chí cho rằng đây lần đầu tiên tại TP.HCM và cả nước có trường hợp công ty lữ hành bị áp dụng điều khoản phạt này. Do đó, ông mong vụ việc xử phạt 4 công ty lữ hành tại TP.HCM có liên quan 100 khách Việt mất tích tại Hàn Quốc được vụ xử lý khách quan, công bằng, rõ ràng.
Hơn nữa, chỉ hơn một tháng nữa là đến mùa cao điểm du lịch Tết Nguyên đán 2023, việc tước giấy phép các doanh nghiệp lữ hành lúc này sẽ gây tổn thất nặng nề cho cả phía lữ hành và khách du lịch đã đặt mua tour. Đặc biệt, những khách có nhu cầu đi du lịch thực sự bị thiệt thòi hơn khi một số thị trường mới đây thắt chặt visa, yêu cầu thủ tục khắt khe.
Bà Nhữ Thị Ngần đề xuất, nên có các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các DN về nghiệp vụ sàng lọc, đánh giá hồ sơ cho khách đi du lịch tới một số thị trường nhạy cảm như Hàn Quốc, Đài Loan,... Đồng thời, cấp cho doanh nghiệp quyền từ chối với những khách có dấu hiệu nghi ngờ mà không bị khách phản ứng, kiện cáo (trong trường hợp đã hoàn thiện hồ sơ, ra sân bay bị từ chối)...
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)