Một người phụ nữ ở Thượng Hải đã bị sa thải sau khi cô từ chối mua bữa sáng cho sếp của mình, gây ra sự phẫn nộ trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, SCMP đưa tin.
Để xoa dịu dư luận, công ty này đã cho phục chức cho người nhân viên, đồng thời sa thải người quản lý của cô.
Trước đó, chuyện ảy ra khi người phụ nữ họ Lâu (Lou), là nhân viên mới tại một cơ sở giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trên Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu).
Theo lời kể của Lâu, vị quản lý của cô, họ Lưu (Liu) đã yêu cầu cô mang cho cô một ly "Americano nóng và một quả trứng" mỗi sáng. Ngoài ra, Lâu còn nói thêm rằng ông chủ của cô cũng luôn đòi có một chai nước để sẵn trên bàn.
Khi Lâu từ chối thực hiện những nhiệm vụ này và kể lại mọi việc trong một nhóm trò chuyện công việc, cô đã bị một quản trị viên nhóm khiển trách. Sau đó, cô đã bị phòng nhân sự sa thải và thông báo rằng cô sẽ không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.
Lâu sau đó yêu cầu Lưu phải giải quyết mọi thủ tục bồi thường cho cô. Nữ nhân viên cũng cho biết, cô cũng cảm thấy "bất lực và vô lý" trước những yêu cầu của các "sếp" trong công ty.
Sau khi vụ việc được chia sẻ, đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng và vấp phải sự lên án rộng rãi.
“Vị quản lý đối xử với cấp dưới như một nhân viên giúp việc vậy, điều này là phi đạo đức và cấu thành hành vi bắt nạt”, mộ cư dân mạng bình luận.
Một người khác nhận xét: “Lâu đã thể hiện rất tốt lòng dũng cảm khi vạch trần hành vi sai trái của ông chủ mình.”
Vào ngày 12/9, công ty đã đưa ra thông báo rằng quản lý của Lâu đã bị sa thải vì lạm dụng quyền hạn và ép buộc cấp dưới các vấn đề cá nhân.
Trong khi đó, Lâu đã lấy lại được vị trí của mình và tiếp tục công việc thường ngày, mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu cô có nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào hay không.
Theo ông Vương (Wang), giám đốc nhân sự của công ty, chia sẻ với hãng truyền thông đại lục Dafeng News rằng việc sa thải Lâu hoàn toàn là quyết định của Lưu và không phù hợp với chính sách của công ty.
Một cuộc khảo sát năm 2020 do Zhilian Zhaopin, một công ty tuyển dụng tại Trung Quốc thực hiện, cho thấy 64% số người được hỏi ở Trung Quốc đã từng bị bắt nạt tại nơi làm việc. Các hình thức bắt nạt phổ biến bao gồm bị ép buộc hoàn thành các nhiệm vụ vô lý, chịu đựng sự lăng mạ bằng lời nói và bị quấy rối tình dục.
Hơn một nửa số người bị bắt nạt đã chọn từ chức, trong khi 6% tìm đến mạng xã hội để đưa vấn đề ra ánh sáng.
QT (SHTT)