“Mẹ ơi, con bị rắn cắn, cứu con”
Khoảng 6h chiều ngày 9/7/2018, bà Tề bất ngờ nhận được cuộc gọi từ con gái Kỳ Kỳ và lập tức đưa con đến bệnh viện.
Bà Tề nắm lấy tay bác sĩ và cầu xin: “Bác sĩ, xin hãy cứu con gái tôi”.
Bác sĩ bảo đừng lo lắng, khi xem xét vết thương của Kỳ Kỳ, thấy chỉ có hai đốm đỏ nhỏ, không có vết bầm tím hay sưng tấy nào, ông băn khoăn: "Vết thương nhỏ như vậy mà đi bệnh viện làm gì?".
"Con bé bị rắn cắn". Câu nói của bà Tề khiến bác sĩ lập tức thay đổi thái độ. Ông vội vàng hỏi Kỳ Kỳ: "Đi đâu mà bị rắn cắn? Con rắn trông như thế nào? Đặc điểm nổi bật của nó là gì? Đầu con rắn có hình dạng như thế nào? Con rắn lớn cỡ nào?”.
Nhưng cô gái chỉ trả lời: “Bị cắn ở công viên”. Sau đó cô tiếp tục nói: “Cháu không biết, không biết gì hết”.
Tình hình quá gấp rút, bác sĩ chỉ đành tiêm huyết thanh loại rắn ở bản địa cho Kỳ Kỳ và tiến hành khử trùng.
Vì khu vực địa phương này không có rắn độc nên không cần phải điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, vết thương của Kỳ Kỳ rõ ràng khác với vết thương do rắn bản địa cắn nên bác sĩ đã túc trực theo dõi.
Bà Tề nghĩ rằng mọi thứ đều ổn và con gái có thể sắp được về nhà. Nhưng chỉ hơn nửa tiếng sau, Kỳ Kỳ bắt đầu sùi bọt mép, đồng tử giãn ra, bác sĩ thấy vậy nhanh chóng đẩy cô vào phòng cấp cứu.
Mạng sống của Kỳ Kỳ đã được cứu nhưng cô vẫn hôn mê. Bác sĩ cho biết ông phải tìm ra loại rắn nào đã cắn Kỳ Kỳ để có thể tìm đúng huyết thanh tương cứu mạng cô gái.
Nhưng bà Tề không biết Kỳ Kỳ đã bị loại rắn độc nào cắn. Trong lúc rối ren, chị họ của Kỳ Kỳ đã vội vã đến bệnh viện.
"Kỳ Kỳ đã bị con rắn cạp nia bắc mà con bé đã nuôi cắn". Lời này khiến ai cũng có mặt cũng không khỏi ngỡ ngàng, đặc biệt là bà Tề.
Phải biết rằng rắn cạp nia bắc có nọc cực độc và khu vực địa phương không thích hợp là môi trường sống lý tưởng của loài rắn này. Vậy thì con rắn cạp nia bắc của Kỳ Kỳ đến từ đâu? Mọi người đều nghi ngờ về lời nói của người chị họ.
Chân tướng về con rắn độc
Kỳ Kỳ được khẩn trương chuyển đến bệnh viện tỉnh Thiểm Tây, đáng tiếc bệnh viện tỉnh không có huyết thanh rắn cạp nia bắc. Cuối cùng, một bệnh viện ở Thượng Hải có huyết thanh rắn cạp nia bắc dự phòng.
Hai chuyên gia chuyên điều trị vết rắn cắn cạp nia bắc đã bay đến bệnh viện mang theo huyết thanh để điều trị cho Kỳ Kỳ.
Nhưng vì thời gian chữa trị hiệu quả nhất cho vết cắn của rắn cạp nia bắc là trong vòng 1 giờ sau khi bị rắn cắn. Vì vậy, mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng không may, Kỳ Kỳ qua đời tại bệnh viện vào sáng sớm ngày 15/7.
Trước thân hình lạnh ngắt của con gái, bố mẹ Kỳ Kỳ không thể hiểu nổi: Tại sao cô con gái ngoan của họ lại nuôi một con rắn cực độc?
Người chị họ kể lại rằng Kỳ Kỳ từng chụp ảnh một con rắn cạp nia bắc gửi cho cô và nói: "Loài rắn này rất cao quý và uy phong. Em muốn mua một con về nuôi".
Quả nhiên, trong điện thoại di động của Kỳ Kỳ có bằng chứng không thể chối cãi.
Từ ứng dụng mua sắm của Kỳ Kỳ, bà Tề đã phát hiện lịch sử đơn hàng mua rắn của con gái, thậm chí còn tìm thấy đoạn hội thoại giữa cô và người bán, điều này chứng tỏ rằng chị họ Kỳ Kỳ không nói dối.
Hóa ra Kỳ Kỳ bình thường không thích ra ngoài đi chơi hay giao lưu bạn bè, sở thích lớn nhất là nuôi thú cưng ở nhà, nhưng cô không thích chó mèo mà lại thích nuôi những con vật máu lạnh.
Vì rắn cạp nia bắc là loài động vật được bảo vệ cấp quốc gia ở Trung Quốc nên việc buôn bán bị cấm. Sau nhiều lần tìm hiểu, Kỳ Kỳ cuối cùng cũng tìm được một người buôn bán rắn cạp nia bắc trên mạng.
"Rắn cạp nia bắc rất độc, chỉ có thể ngâm rượu, không thể nuôi làm thú cưng. Nhận được con rắn thì phải lấy đi ngâm trong rượu ngay". Đây là dòng tin nhắn giao kèo giữa người bán và Kỳ Kỳ, cô gái đã đồng ý ngay.
Chẳng bao lâu, con rắn cạp nia bắc đã được gửi đến Kỳ Kỳ. Cô rất thích và chụp nhiều bức ảnh, sau đó còn gửi một tấm khoe chị họ.
Sau khi nhận được bức ảnh, người chị họ vội vàng đến gặp Kỳ Kỳ và thuyết phục cô trả lại con rắn hoặc vứt nó đi, nếu không sẽ mách lại với bố mẹ. Không còn cách nào khác, Kỳ Kỳ đã hứa với chị họ rằng giữ con rắn thêm ba ngày rồi thả nó đi.
Sau khi chị họ ra về, Kỳ Kỳ đã đấu tranh tâm lý rất nhiều và cuối cùng quyết định thả con vật để gia đình không phải lo lắng.
Cô mở lồng, cẩn thận đưa tay bắt con rắn cạp nia bắc. Cảm nhận được nguy hiểm, con rắn bất ngờ ngẩng đầu lên, cắn vào tay cô rồi trườn ra khỏi lồng.
Cuối cùng, Kỳ Kỳ đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Con rắn cạp nia bắc đã được tìm thấy, chết cạnh thùng rác gần nơi Kỳ Kỳ ở.
Bố mẹ của Kỳ Kỳ rất đau buồn, họ muốn người bán, nền tảng bán hàng và công ty chuyển phát nhanh có liên quan đến con rắn độc này phải chịu trách nhiệm tương ứng.
Họ đăng câu chuyện của Kỳ Kỳ lên mạng, đồng thời kiện người bán, nền tảng ứng dụng và công ty chuyển phát nhanh ra tòa, yêu cầu bồi thường các tổn thất khác nhau với tổng số tiền 1,4 triệu NDT (hơn 4,6 tỷ đồng). Cuối cùng, tòa án ra phán quyết ba bên phải bồi thường cho bà Tề hơn 700.000 NDT (hơn 2,3 tỷ đồng).
Điều mà vợ chồng bà Tề không ngờ tới là cư dân mạng không hề cảm thấy tiếc nuối cho cái chết Kỳ Kỳ mà thay vào đó, họ cho rằng cô gái không chỉ vô trách nhiệm với cuộc sống của mình mà còn vô trách nhiệm với cuộc sống của người khác khi mang về con vật cực độc mà không hề có kỹ năng nuôi dưỡng.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Số)