Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 tuyên bố sa thải cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và chỉ định người thay thế là cựu phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton, 69 tuổi, một chính trị gia tân bảo thủ có quan điểm hiếu chiến, BBC đưa tin.
Quyết định của Tổng thống Trump gây bất ngờ bởi theo một số nguồn tin, hồi năm ngoái, ông từng phản đối quyết định bổ nhiệm Bolton làm ngoại trưởng Mỹ vì "không thích bộ ria mép" của ông này.
Vai trò mới của Bolton cũng gây tranh cãi bởi ông là một trong những tiếng nói ủng hộ cuộc chiến tranh Mỹ phát động ở Iraq năm 2003, trong khi Tổng thống Trump từng cho rằng cuộc chiến này là một "sai lầm lớn".
Phe bảo thủ ca ngợi Bolton là một chính trị gia "diều hâu" với phong cách ngoại giao thẳng thắn. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham nhận xét "việc chọn John Bolton đảm nhận cương vị cố vấn an ninh quốc gia là tin tốt cho các đồng minh của Mỹ và tin xấu đối với kẻ thù của Mỹ" bởi Bolton "am hiểu rõ những mối đe dọa chúng ta đang đối mặt từ Triều Tiên, Iran và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".
Nhưng thượng nghị sĩ Dân chủ Edward J. Markey lại cho rằng Bolton là chính trị gia "diều hâu cực đoan" có thể đẩy nước Mỹ tới bờ vực của một "cuộc chiến tranh khủng khiếp khác".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul năm ngoái miêu tả ông Bolton là người "khăng khăng lặp lại mọi chính sách ngoại giao sai lầm của Mỹ suốt 15 năm qua".
Gây tranh cãi
Là con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore, Bolton mang tư tưởng bảo thủ từ thời thiếu niên. Năm 15 tuổi, ông từng trốn học để vận động tranh cử tổng thống cho thượng nghị sĩ Barry Goldwater.
Bolton từng là bạn học với ông Bill và bà Hillary Clinton, nhưng ông cho biết bản thân "không nằm trong vòng tròn giao lưu" với họ.
Bolton đã phục vụ trong chính quyền ba cựu tổng thống đảng Cộng hòa là Ronald Reagan, George H.W. Bush (Bush cha) và George W. Bush (Bush con).
Dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, Bolton giữ chức thứ trưởng về kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong thời kỳ này, ông bị cáo buộc cố ép hai chuyên gia phân tích tình báo có mâu thuẫn với mình phải thôi việc và ngầm tìm cách phá hoại cấp trên, cựu ngoại trưởng Colin Powell.
Bolton cũng góp sức xây dựng giả thuyết rằng cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq. Giả thuyết trên sau đó được chứng minh là sai sự thật.
Dù vậy, Bolton cũng được ca ngợi không ít vì đã cho ra đời Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), một thỏa thuận quốc tế cấm việc vận chuyển vật liệu phân hạch.
Khi tổng thống Bush chỉ định Bolton làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hơn 100 cựu phái viên Mỹ đã cùng ký đơn phản đối quyết định này. Lý do bắt nguồn từ việc ông Bolton từng tuyên bố "không có thứ gì gọi là Liên Hợp Quốc" và Mỹ là "cường quốc thực sự duy nhất" của thế giới. Bolton còn nổi tiếng với câu nói nếu tòa nhà Liên Hợp Quốc 38 tầng bị mất đi 10 tầng thì cũng "chẳng có gì khác biệt".
Tổng thống Bush đã phải dùng đến cách bổ nhiệm trong thời gian quốc hội ngừng họp để trao quyền hành cho Bolton sau khi các thượng nghị sĩ Dân chủ và một số thượng nghị sĩ Cộng hòa ngăn chặn hành động trên. Năm 2007, Bolton rời vị trí. Nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc mô tả Bolton là người có phong cách thô lỗ.
Ông từng chế giễu những quan chức Bộ Ngoại giao là "bị dạy để thỏa hiệp và thích nghi với người nước ngoài, thay vì đấu tranh tích cực cho lợi ích Mỹ".
Qua thời gian, quan điểm chính trị của Bolton dường như không thay đổi. Năm 2016, khi chạy đua vào Nhà Trắng, ông vẫn cho rằng cuộc chiến tranh Mỹ phát động ở Iraq là "hoàn toàn đúng đắn".
Trong một bài xã luận đăng trên Wall Street Journal, Bolton còn ủng hộ việc tung đòn phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định vai trò mới của Bolton có thể khiến những người ủng hộ quan điểm không phiêu lưu quân sự của Tổng thống Trump cảm thấy bối rối.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News tối 22/3, Bolton cho hay ông nhận thức rõ nhiệm vụ của mình là trở thành một cố vấn trung thực, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau cho Tổng thống Trump. Song Bolton nhấn mạnh ông muốn làm một người thừa hành của Tổng thống. Khi cấp trên ra quyết định, công việc của ông sẽ là "đảm bảo rằng các bộ máy hành chính đều nhận được lệnh và thực hiện nó".
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)