Emily Nash có khả năng ghi nhớ các sự kiện trong cuộc sống với độ chi tiết, chính xác cực kỳ cao. Cô cho biết, trí nhớ có thể chạy qua bộ não cô giống như một cuộn băng video vậy. Bộ nhớ siêu phàm giúp cô nhớ mọi thứ xảy ra vào tất cả các ngày trong cuộc đời.
Gia đình Emily phát hiện ra khả năng ghi nhớ phi thường của cô từ khi cô còn nhỏ. Jason Nash, cha của Emily cho biết nếu cho cô nhìn các quả bóng bowling nhiều màu trong 10 giây, cô có thể kể lại chính xác màu sắc và thứ tự của chúng.
Julie Farnworth, mẹ Emily nói rằng lúc 5 tuổi, cô có thể lặp lại được bất kỳ đoạn hội thoại giữa các nhân vật sau khi xem phim hoạt hình.
Đến khi Emily 18 tuổi, các nhà khoa học tại Đại học Northwestern ở Chicago, Mỹ và nhà nghiên cứu tâm lý, giấc ngủ Carmen Westerberg tại Đại học bang Texas, đã tiến thành kiểm tra trí nhớ của cô.
Họ đưa cho cô danh sách những ngày ngẫu nhiên và yêu cầu cô kể về trải nghiệm của mình, cùng với các sự kiện có thể kiểm chứng trong thời gian đó. Kết quả cho thấy trí nhớ của cô ghi lại chính xác 100%.
Họ xác định Emily rơi vào trường hợp "hội chứng trí nhớ siêu phàm" (HSAM). Trên thế giới hiện có khoảng 100 - 200 người được ghi nhận là HSAM.
Giờ đây Emily đã cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng đặc điểm mà cô ấy cố gắng che giấu từ xưa đến nay là một hiện tượng đã được kiểm chứng.
“Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi biết rằng tôi không đơn độc, đó không phải là chuyện mà họ nghĩ tôi đang hư cấu. Hiện tượng đó thực sự có tồn tại,” cô nói với CTV W5.
Đối với hầu hết mọi người, ký ức sẽ phai nhạt theo thời gian. Nếu ai đó yêu cầu bạn nói về những gì đã xảy ra vào một ngày bất kỳ trong quá khứ, chắc hẳn bạn sẽ phải mất thời gian dài ngẫm lại.
Nhưng với Emily, cô sẽ phản hồi chính xác chỉ trong vài giây. Ví dụ với ngày 21/10/2021, Emily nhớ ngay vụ ngộ sát trên phim trường Rust của Alec Baldwin. Cô cũng khẳng định chắc chắn đó là thứ Năm.
Với ngày 4/3/2019, Emily nhớ đến ngày diễn viên Luke Perry qua đời. Cô kể buổi trưa hôm ấy, trên đường mẹ đón cô về nhà, đài phát thanh đã đưa tin vụ việc này.
Emily nói ký ức của mình như một cuốn lịch dưới dạng video, được lưu giữ trong não. Cô cho biết: "Mỗi ngày đại diện cho một bộ phim nhỏ mà tôi có thể tua đi tua lại hay phát lại ở nhiều thời điểm khác nhau".
Trước đó, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu HSAM từ năm 2006. Họ khẳng định khả năng ghi nhớ của những người này hoàn toàn không liên quan đến chỉ số IQ, và khác hẳn với siêu trí nhớ do tập luyện hay dùng thủ thuật. Đa số các trường hợp này được tìm thấy ở những người bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tuy nhiên trường hợp như của Emily, mẹ của cô bé xác định con mình chỉ bị ám ảnh duy nhất là việc đi học.
Với những người HSAM, ký ức của họ không suy giảm theo thời gian như với đa số mọi người. Ước tính, chỉ có khoảng 100 - 200 trường hợp HSAM hiện được xác nhận trên thế giới, tuy nhiên, một số nhà khoa học nghi ngờ còn nhiều ca chưa được biết đến.
Mặc dù, trí nhớ tốt đem lại nhiều lợi ích cho Emily nhưng nó cũng có một nhược điểm nghiêm trọng. Cô nhớ những điều tốt đẹp trong quá khứ nhưng cũng không bao giờ quên những chuyện buồn đau. Cô cảm thấy nỗi đau ấy như vừa mới xảy ra.
Do cứ nhớ mãi ký ức đau buồn trong quá khứ, nên nhiều người có trí nhớ siêu phàm giống Emily cũng đồng thời phải vật lộn với chứng lo âu và trầm cảm.
Với Emily, dù cô chưa phải chịu nhiều mất mát hay đau khổ nhưng những chuyện buồn trong quá khứ vẫn ám ảnh cô đến bây giờ.
“Giống như tôi vừa sống lại chúng 5 phút trước vậy. Vì vậy, tôi có thể khó vượt qua được,” Emily nói.
Cũng chính vì lý do này mà mẹ của Emily luôn cố gắng để hướng dẫn con gái quản lý những cảm xúc tiêu cực.
"Tôi đã cố gắng dạy con rằng ai cũng có nỗi đau của riêng mình. Đó là một phần của cuộc sống. Sẽ có những cuộc chia tay và con nên chuẩn bị cho chuyện đó", mẹ của Emily chia sẻ.
Markie Pasternak (29 tuổi) đến từ Minneapolis cũng là người có hội chứng trí nhớ siêu phàm HSAM. Lời khuyên quan trọng nhất mà cô dành cho Emily là nếu không thể quên, bạn cần phải phát triển lòng tha thứ.
"Ai cũng có lúc bị người khác làm tổn thương vì tất cả chúng ta đều là con người. Đa số mọi người đều có thể quên đi ký ức đó nhưng chúng tôi thì không. Vì vậy, tôi hay Emily phải cố gắng nuôi dưỡng lòng tha thứ, cố thừa nhận rằng con người ai cũng có lần mắc sai lầm", Markie cho biết.
Trong tương lai, Emily mong muốn sẽ phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cô có mục tiêu ngắn hạn khác đó là gặp gỡ những người có trí nhớ siêu phàm giống mình.
Mặc dù chỉ có khoảng 100-200 trường hợp HSAM được xác nhận trên thế giới nhưng các nhà khoa học cho rằng vẫn còn rất nhiều trường hợp khác ở khắp trên thế giới.
Giáo sư Valerio Santangelo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Perugia ở Ý, cho rằng về mặt lý thuyết, 0,01% dân số có thể có hội chứng trí nhớ siêu phàm. Điều đó có thể có nghĩa là 700.000 người trên khắp thế giới phù hợp với tiêu chí nhưng chưa được xét nghiệm chính thức.
Một phần điều này có thể là do có rất ít nhà khoa học nghiên cứu về dạng trí nhớ này và nó phải phù hợp với văn hóa và lứa tuổi. Trong trường hợp của Emily, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern và Đại học Texas ở Austin đã phải đặt ra những câu hỏi phù hợp với một thanh niên 18 tuổi thích phim ảnh và âm nhạc hơn là các vấn đề khác của thế giới.
QT (SHTT)