Cô gái bị nghi ngờ giả danh sinh viên Oxford vì quá xinh đẹp gây bão mạng Trung Quốc

26/12/2022 09:46:37

Một người phụ nữ Trung Quốc bị lăng mạ trên mạng internet sau khi đăng video cô tốt nghiệp Đại học Oxford và bị cáo buộc nói dối về bằng cấp đã lên tiếng đáp trả.

Kate Zhu Wenqi từng bị chỉ trích dữ dội hồi tháng 03, sau khi video cô nhận bằng thạc sĩ toán học với điểm cao thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.

Cô bị tấn công bằng nhiều bình luận chê bai. Người dùng mạng xã hội đặt câu hỏi về bằng của cô là thật hay giả, tuyên bố rằng cô trông không giống "sinh viên xuất sắc thường thấy. Một số khác cáo buộc cô làm phổ biến thêm định kiến về người học giỏi.

Bài đăng của Zhu thu hút tới hơn 160 triệu lượt xem chỉ trên nền tảng Weibo, theo SCMP.

Zhu, 28, thường chia sẻ các bài đăng như người dùng nữ giới cùng độ tuổi, chẳng hạn như hình cô ăn mặc đẹp đẽ, các hoạt động xã hội, du lịch, hoạt động thể thao ngoài trời như chèo thuyền, leo núi, golf và cưỡi ngựa.

Trong video đăng trên Weibo hôm 20/12, Zhu nói rằng cô trải qua "nhiều cảm xúc trong vòng nửa năm qua, và nhận được nhiều sự động viên, trung thực". Zhu cũng nói cô khá bận rộn với việc học sau khi bị chỉ trích trên mạng xã hội.

Cô gái bị nghi ngờ giả danh sinh viên Oxford vì quá xinh đẹp gây bão mạng Trung Quốc
Kate Zhu Wenqi bị nghi ngờ vì vừa xinh đẹp, vừa học giỏi (Ảnh: SCMP)

Zhu lớn lên tại miền Nam Trung Quốc, sau đó nhập học khoa toán của Đại học Oxford từ 2010, khi 16 tuổi, theo thông tin trên tài khoản LinkedIn.

Sau khi tốt nghiệp đại học Oxford với bằng thạc sĩ, cô được JP Morgan tuyển dụng năm 2014. Sau đó, cô làm việc cho Goldman Sachs. Năm 2020, cô nghỉ việc, trở lại Oxford học tập để lấy bằng thạc sĩ thứ hai, và tốt nghiệp tháng 03 cùng năm. Cô hiện là ứng viên  PhD môn toán ứng dụng tại Oxford.

"Cứ đăng ảnh selfie thì có nghĩa là học kém hay sao? Đã đến lúc loại bỏ định kiến này," Zhu phản bác lại những lời chỉ trích. "Tôi chỉ muốn nói rằng định kiến như vậy vẫn còn tồn tại, hãy loại bỏ nó".

Nhiều người bình luận chỉ trích Zhu cho biết họ không tin cô học tại Oxford.

"Tôi chưa nghe tên khoa cô theo học bao giờ. Lần sau khi làm giả gì đó, hãy chuyên nghiệp hơn," một người dùng bình luận.

"Đánh giá từ các video và phong cách đăng bài khoe mẽ, tôi cho rằng cô ta là người bán hàng trên WeChat. Cô ta xây dựng hình ảnh học viên xinh đẹp để thu hút khách hàng," một người khác đồn đoán.

Thời điểm đó, Zhu đã đăng đường dẫn URL và ảnh chụp màn hình trang web của Oxford, cho thấy cô từng theo học tại đây. Cô cũng chia sẻ email giảng viên chúc mừng cô đạt điểm cao nhất khoa.

Khi một người dùng internet tự nhận là giảng viên toán đại học đề nghị cô giải một bài toán mà anh đăng, "Zhu đã không chần chừ, cô ấy làm xong trong một giờ".

Tuy vậy, những bằng chứng đó không đủ để những người chỉ trích dừng lại. "Ngay cả khi có bằng cấp đại học, cô không khiếm tốn hơn được sao?," một người khác viết.

Nhiều người cũng lên tiếng ủng hộ Zhu.

"Zhu rất xuất sắc. Cô ấy bị nghi ngờ và bị chú ý vì quá xuất sắc. Tôi mừng vì cô ấy có tinh thần tốt, và vẫn là chính mình, làm những điều cô ấy thích," một người bình luận.

"Văn hóa Đông Á luôn yêu cầu phụ nữ phải khiêm tốn. Nhưng thời đại này cần thêm những câu chuyện như của Zhu để truyền cảm hứng cho phụ nữ là chính họ," một người khác viết.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)