Lần đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic trong số báo năm 1985, Sharbat Gula lúc đó được biết đến với cái tên "Cô gái Afghanistan" và gây ấn tượng mạnh với công chúng khắp thế giới bằng đôi mắt màu xanh lá đầy hoang dại, mãnh liệt nhưng lại mang nét đẹp đến mê hoặc lòng người.
Được biết, Sharbat Gula khi ấy mới 12 tuổi rất sợ hãi trước ống kính của Steve. Cô dùng tay che mặt khi biết có ai đó lia ống kính về mình. Đây cũng là lần đầu tiên cô có một bức ảnh chân dung nào ngờ khi gương mặt mình đã phủ sóng mọi ngóc ngách ở nhiều nơi trên thế giới, cô gái nghèo cũng chẳng hay biết về điều đó.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ Steve McCurry chính là người đã bắt được khoảnh khắc đáng giá đó khi tới thăm một trại tị nạn ở Afghanistan. Vào hồi đầu những năm 1980, ông từng mạo hiểm đặt chân tới Afghanistan, khi xung đột và bất ổn còn thường xuyên xảy ra dữ dội. Cũng chính vì thế, những tác phẩm chân thực và rất "đời" của Steve tại đây cũng khiến tên tuổi của ông được ghi dấu trong làng nhiếp ảnh báo chí quốc tế.
Sau này, bức ảnh chụp cô gái nghèo với đôi mắt xanh biếc sâu thẳm và đẹp hoang dại từng sống trong ký ức của nhiều thế hệ đã được bình chọn là bức hình được biết tới nhiều nhất trong lịch sử báo chí.
Đặc biệt, khi công chúng đã quá quen mặt với "Cô gái Afghanistan" nhưng tên cô là gì thì chẳng ai biết, thậm chí cả tác giả của nó cũng không, năm 2002, nghĩa là khoảng 18 năm sau, Steve McCurry đã quyết định quay trở lại Afghanistan để tìm lại "nàng thơ" trong bức ảnh để đời của mình.
May mắn, nhiếp ảnh gia 63 tuổi đã thành công tìm lại cô gái năm xưa. Chỉ tiếc rằng, cuộc sống nghèo khó đã khiến cô thay đổi đến mức mà nhiều người khó có thể nhận ra được. Từ một cô bé 12 tuổi có đôi mắt xanh sâu thẳm, người ông gặp lại là một người phụ nữ 30 tuổi với đôi mắt mờ nhạt buồn bã, làn da rám nắng nhăn nheo.
Năm 2016, tin tức rộ lên khi một quan chức ở thành phố Peshawar (Pakistan) xác nhận Gula đã nộp hồ sơ xin thẻ căn cước cùng 2 con trai cô là Rauf Khan và Wali Khan. Tuy nhiên, tất cả giấy tờ cô đăng ký thẻ căn cước cùng 2 con trai được xác định là giả.
Họ xác định "Cô gái Afghanistan" chỉ là một trong số hàng ngàn người tị nạn ở đây muốn di cư và đã làm thẻ căn cước giả. Cuối cùng, được biết, ở tuổi tứ tuần, cô bị bắt giữ vì sử dụng giấy tờ giả và sống tại thành phố Peshawar, gần biên giới Afghanistan. Đó đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin gì khai thác được về Sharbat Gula.
Theo Mammama (Trí Thức Trẻ)