Chúng ta không ai thích những người lựa chọn tự vẫn để kết thúc cuộc đời. Nếu họ là người bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ nói cho họ về sự tốt đẹp của sự sống, của những tháng ngày dẫu đau thương đó nhưng vẫn còn chút ý nghĩa nhàn nhạt đủ để làm lý do tiếp tục kiếp người.
Nhưng lời khuyên của chúng ta liệu có đủ sức mạnh để vực dậy họ hay không? - đây là câu hỏi không bao giờ có một đáp án chính xác. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một nỗi niềm riêng mà khi phải ở trong hoàn cảnh và nỗi niềm đó, chúng ta mới hiểu họ phải trải qua những gì cho đến khi lựa chọn tự mình “giết” mình.
Riêng câu chuyện về người phụ nữ Nhật Bản kiên quyết lựa chọn tự vẫn theo hình thức an tử dưới đây, đáp án của câu hỏi trên, có lẽ là “không!”.
Hơn bốn mươi năm yên ả đầu đời
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Nhật Bản vào năm 1967, bố mẹ ly hôn từ sớm, Kojima Mina vẫn điềm nhiên trải qua những năm tháng đầu đời thật tốt đẹp cùng 2 người chị hết mực yêu thương cưng chiều.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Kojima rời quê và nhập học tại Đại học Seoul, Hàn Quốc. Với bản tính tự lập từ bé, thời gian xa nhà học tập ở đất nước khác của cô chẳng gặp khó khăn gì.
Học xong Đại học, Kojima trở về Nhật Bản, sống tại Tokyo và bắt đầu làm công việc phiên dịch tiếng Hàn. Nhờ kinh nghiệm du học, khả năng ngoại ngữ vững vàng, mức lương Kojima nhận được từ những ngày đầu đi làm đã phải khiến bao bạn bè đồng trang lứa ghen tị.
Sự nghiệp của cô cứ thế phát triển thuận lợi. Nhưng trái ngược với sự nghiệp, chuyện tình cảm của Kojima gặp tương đối trắc trở. Cô cho biết mình có hẹn hò và yêu đương với vài anh chàng suốt thời gian sống ở Tokyo nhưng rồi cuối cùng không ai phù hợp để cô cưới làm chồng.
Đến tuổi 40, khi Kojima vẫn còn lẻ bóng, Kojima quyết định nhận con nuôi để hoàn thành ước nguyện làm mẹ và để hai chị gái yên tâm về mình. Cuộc sống của Kojima có thể nói là rất tốt, không có gì phải lo nghĩ nữa.
Tháng năm mờ ảo
Ấy vậy mà chẳng ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai huống gì 8 năm sau đó là một con số quá dài, dài đủ để lấy hết tất cả những gì mà Kojima đang có. Vào năm 48 tuổi, Kojima cảm thấy người mình không khỏe, cô đến bệnh viện kiểm tra và như sụp đổ khi hay tin mình đã mắc phải căn bệnh “Teo đa hệ thống” (MSA).
"Teo đa hệ thống" là một căn bệnh không có thuốc đặc trị nhưng cũng không đủ để giết người, thay vào đó nó phá hủy thần kinh của người bệnh, khiến họ gặm nhấm nỗi đau khi bị mất khả năng nhận thức, không thể nói chuyện rõ ràng, các bó cơ teo lại không thể đi đứng, mất hết sức lực, ăn uống khó khăn,...
Với một người tự lập như Kojima, căn bệnh này còn kinh hoàng hơn cả cái chết. Tuy nhiên, cô vẫn không thông báo tin này cho các chị, cô quyết định tự mình gánh chịu. Mãi cho đến khi, cảm thấy tình hình không ổn, cơ thể yếu dần đi, cô rời Tokyo về quê kể chuyện bệnh tình cho các chị và xin các chị cho mình ở nhờ.
Kể từ lúc này, đời Kojima rơi vào tăm tối. Đôi chân cô dần mất cảm giác, không thể điều khiển được nữa, đôi tay cô cũng không còn linh hoạt, cô bắt đầu nói năng lắp bắp, chuyện vệ sinh, ăn uống đều phải nhờ các chị giúp đỡ.
Thế giới của cô giờ đây chỉ là mớ ảo ảnh mờ đục trên trần nhà hòa vào thứ ánh sáng bàng bạc buổi chiều tà hay sớm mai hắt qua ô kính cửa sổ. Cô bị nhốt trong chính căn bệnh của mình, thời gian đã đóng băng, cô là giọt máu trên lớp băng ấy...
Tự vẫn bất thành, cô tự vẫn bằng cách khác
Trong suốt thời gian chịu đựng với sự giày vò về cả thể xác lẫn tinh thần, Kojima từng có ý định tự vẫn. Nếu còn khả năng, cô mong mình có thể đi ra những hiệu thuốc gần nhà, mua mỗi nơi một vài viên thuốc ngủ, gộp đủ 60 viên, cô sẽ âm thầm trở về căn phòng đóng kín, uống 20 viên với một ngụm nước và chờ cái chết đến bên sau 3 lần tương tự. Đáng tiếc, thể xác cô đã bất động.
Thay vào đó, Kojima dùng chút sức lực bé nhỏ còn lại của mình cố gắng lén nối những chiếc khăn bông lại với nhau không cho các chị mình biết. Cô muốn lớp khăn êm ái ấy sẽ tiễn đưa cô bằng một lần siết sâu vào khoảng trống nối đầu cô với thân thể, nhưng cô không làm được, cô không còn đủ sức.
Năm 2018, khi bệnh tình tiến triển nặng hơn, các bác sĩ yêu cầu Kojima sử dụng máy trợ thở để kéo dài sự sống trên giường bệnh. Cô không muốn, cô cảm thấy mình thật vô dụng vào khoảnh khắc ấy. Đời cô không có gì đáng buồn hơn phải giao cả sinh mệnh cho một cái máy vô tri.
Từ đây, Kojima bắt đầu tìm hiểu về phương pháp an tử. Các chị cô liên tục phản đối em gái, nhưng họ biết, họ không thể thay đổi gì, em gái của họ là người mạnh mẽ và tự lập, căn bệnh này là thứ tồi tệ nhất đối với một người như thế.
Nhật Bản không chấp nhận hình thức này, Kojima đành liên hệ bên phía Thụy Sĩ. Sau khi xem xét hồ sơ của cô, họ thông báo cô đủ điều kiện để có thể được tiêm an tử. Nhanh chóng sau đó, Kojima cùng hai chị gái của mình sang Thụy Sĩ. Cô sợ mình sẽ không còn đủ sức để đi xa như thế sắp tới.
Tại Thụy Sĩ, nơi tiếp nhận hồ sơ cho Kojima thêm 2 ngày để suy nghĩ.
Tìm câu trả lời
Trong quyển sách “Cộng Hòa” của vị triết gia Hy Lạp cổ đại Plato từng viết “Giúp người khác có một cái chết êm ái là hoạt động từ thiện tuyệt vời”, an tử có lẽ là phương pháp được hình thành dựa trên câu nói ấy. Tuy nhiên, hình thức này vẫn vấp phải rất nhiều tranh cãi ở khắp nơi trên thế giới về cả quan điểm tôn giáo lẫn đạo đức. Trong đó, rào cản lớn nhất nằm ở sâu thẳm bên trong mỗi người.
Ai lại muốn mình chết đây? Không phải tiếng kêu thống thiết của loài thú hoang “Xin hãy cho tôi được chết nếu không thả tôi về rừng”, từ suy nghĩ đi đến hành động tự “giết” chính mình của con người là cả một quá trình đấu tranh tâm lý nặng nề, có cả nỗi sợ và sự đớn đau trên bờ vực nhập nhòe giữa sáng và tối, giữa sống và chết.
Không chết thì tiếp tục ôm lấy mớ tai ương trời dúi vào tay mình, nhưng chết rồi thì đi về đâu? Có êm ái, nhẹ nhàng và có “an” như mình nghĩ? - những câu hỏi vĩnh viễn không một người sống nào có thể trả lời. Kể cả Kojima, một người gần như đã chết. Và cô trung kiên đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
Kojima đã quyết định chết, 2 ngày bệnh viện cho cô suy nghĩ, cô dùng hết để ở bên 2 chị gái của mình. 3 chị em bên nhau trước thời khắc chia xa, họ đi ra cánh đồng, nhìn lên rặng núi tuyết, họ bước xuống bờ sông, xem những chiếc lá xoay vòng rồi mất hút,...
Đêm cuối cùng, cả 3 ăn tối cùng nhau, bữa tối cuối cùng để nói về những chuyện sau này không còn có thể nói với nhau được nữa. Về quê hương, về tuổi thơ, về nước Nhật 4 mùa gió thổi…
Đi vào cõi chết
Sáng hôm ấy, bác sĩ cho thuốc vào túi truyền, dây truyền nối với kim tiêm cắm vào tĩnh mạch Kojima với chiếc van khóa lại. Ký tên vào giấy cam kết xong, Kojima nói lời cảm ơn và từ biệt tới các chị mình, không gian như ngừng trôi và rồi cô mở khóa van, thuốc truyền từng giọt từng giọt một, 30 giây sau đó, Kojima lịm dần, cô đi vào cõi chết. Hai người chị nghẹn ngào, nấc lên thành tiếng.
Sau khi chết, vì nhiều lý do xác Kojima không thể trở về Nhật. Hai chị gái của cô mang xác cô đi thiêu, rải mớ tro ấy xuống những dòng sông tại Thụy Sĩ.
Tàn tro Kojima chìm xuống lòng sông, hoặc là theo dòng nước muôn đời liền lạc quay về quê hương, hoặc là cùng chút ý niệm còn lại thành bông hoa tuyết thuở khởi nguyên rơi xuống cánh đồng lúc chưa có dấu chân loài thú nào đi qua, trắng xóa một màu...
Đoạn phim về hành trình đi đến Thụy Sĩ để được "chết" của Kojima đã được đài NHK Nhật Bản ghi lại toàn bộ với cái tên "Cô ấy chọn an tử". Sau khi công chiếu, đoạn phim đã làm hàng triệu người dân xứ sở hoa anh đào phải rơi nước mắt.
Theo OLD FASHIONED (Pháp Luật & Bạn Đọc)