Chuyện ly kỳ về cô bé duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay: Rơi từ độ cao 3000m xuống rừng rậm, đi bộ liên tục trong 10 ngày đêm

19/08/2020 09:17:22

Cơ hội sống sót của Juliane trong khu rừng sâu với những vết thương nặng và những con vật hoang dã xung quanh gần như bằng không. Thế nhưng, bằng sức mạnh kì diệu của mình, cô vẫn sống sót.

Đêm Giáng sinh năm 1971, Juliane Koepcke lên chuyến bay LANSA số 508 cùng mẹ và 84 hành khách khác từ Lima, Peru đi Pucallpa, Peru. Thế nhưng, không may chiếc máy bay đã bị sét đánh trúng khi đang bay trên bầu trời.

Máy bay sau đó chao đảo và mất kiểm soát, những tấm kính vỡ tung thành nhiều mảnh và Juliane vẫn đang ngồi trên chiếc ghế của mình, nhanh chóng nhận ra đang bị hút ra khỏi máy bay và rơi tự do. Cô rơi xuống rừng rậm Amazon từ độ cao 3000m, xuyên qua những tán lá dày.

Chuyện ly kỳ về cô bé duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay: Rơi từ độ cao 3000m xuống rừng rậm, đi bộ liên tục trong 10 ngày đêm

Khi tỉnh dậy, Juliane chỉ có một mình giữa rừng già, cô độc và sợ hãi. Không có bất kì ai ở cạnh và có vẻ như không còn ai sống sót sau chuyến bay. Cô nhận thấy mình bị chấn động mạnh, gãy xương đòn và có vết cắt sâu ở tay và chân, còn mắt trái cô sưng húp.

Cô không có bất kì vật dụng sinh tồn nào trên người. Cô cũng bị mất kính, một chiếc giày và đang mặc một chiếc váy không có tác dụng bảo vệ cô khỏi rắn, nhện và muỗi.

Cơ hội sống sót của Juliane trong khu rừng sâu với những vết thương nặng và những con vật hoang dã xung quanh gần như bằng không. Thế nhưng, bằng sức mạnh kì diệu của mình, cô vẫn sống sót.

Cô đi bộ 10 ngày trong rừng, chiến đấu với côn trùng, vết thương ngày một lở loét và thậm chí đói đến lả cả người. Ngày cuối, cô tìm thấy một chiếc thuyền nhỏ và một căn chòi bên sông. Juliane dùng sức mạnh cuối cùng lê mình vào căn chòi và bất tỉnh.

Chuyện ly kỳ về cô bé duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay: Rơi từ độ cao 3000m xuống rừng rậm, đi bộ liên tục trong 10 ngày đêm - 1

Ngày hôm sau, một nhóm người đi rừng ở Peru đã tìm thấy cô và đưa cô đến thị trấn gần đó.

Juliane Koepcke đã trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm và được biết đến với biệt danh là "cô gái thần kì". Cô nhận được hàng trăm lá thư từ những người chưa từng gặp với những lời hỏi thăm và động viên. Đây được coi là một hành động sinh tồn phi thường mà thế giới chưa từng thấy trước đây.

Trong một cuộc phỏng vấn, Juliane nói rằng: "Thật là kỳ lạ. Một số bức thư chỉ đơn giản đề là "Juliane - Peru" nhưng tất cả chúng đều tìm được đường đến với tôi".

Hành trình từ cõi chết trở về

Juliane vẫn còn nhớ khoảnh khắc kinh hoàng khi những tia sét sáng lấp lánh bao quanh máy bay. Cô nói: "Khi nhìn thấy những tia sét quanh máy bay, tôi đã rất hoảng sợ. Tôi và mẹ nắm tay nhau nhưng không ai nói với ai câu nào. Những hành khách khác bắt đầu khóc và la hét."

Mẹ tôi nói rất bình tĩnh: "Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi". Đó là những lời cuối cùng mà tôi nghe được từ mẹ mình."

Ngay sau đó, chiếc máy bay mất lái và lao vô định trong không trung, kính vỡ ra thành nhiều mảnh. Trời tối đen kịt, mọi người xung quanh la hét như tận thế và Juliane thấy mình bị đẩy ra khỏi máy bay và rơi tự do khi vẫn đang ngồi trên ghế.

Chuyện ly kỳ về cô bé duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay: Rơi từ độ cao 3000m xuống rừng rậm, đi bộ liên tục trong 10 ngày đêm - 2

Nếu có bất cứ điều gì đứng về phía Juliane, thì đó chính là sự giáo dục của cha mẹ cô. Cha mẹ Juliane làm việc tại một trạm nghiên cứu ở Amazon và cô đã học được một số kỹ năng sinh tồn cơ bản để sống sót trong "địa ngục xanh", một tên gọi khác của rừng rậm Amazon.

Có 3 bài học cơ bản mà Juliane học được từ cha là nhà động vật học và mẹ là nhà điểu học. Điều đầu tiên đó là không phải những động vật lớn mà là côn trùng, nhện, kiến, ruồi và muỗi sẽ giết chết bạn. Điều thứ hai, hãy đi tìm một con sông, đó là nơi bạn có thể tìm thấy con người. Và thứ ba, đừng ăn bất kì loại trái cây nào trong rừng, có thể chúng chứa chất độc.

Tại hiện trường vụ tai nạn, Juliane tìm thấy một túi nhỏ bên trong chứa một ít thức ăn khô. Đó là thứ duy nhất cô ăn trong 10 ngày đi lang thang trong rừng. Juliane cũng tìm thấy một con lạch và đi bộ ở dưới nước vì đó là cách an toàn nhất để không bị động vật cắn.

Đôi khi, Juliane phát hiện thấy một con cá sấu đang tiến gần đến mình, nhưng cô biết rằng cá sấu sẽ không tấn công người trừ khi bị khiêu khích.

Trời nóng và mưa liên tục, chiếc váy ngắn của cô không hề phù hợp để đi rừng. Vết thương trên cánh tay của Juliane cũng đã bị nhiễm trùng và chỉ vài ngày sau những con giòi đã xâm nhập vào. Cô mệt mỏi, đau đớn và thậm chí bị ảo giác, nhưng lý trí vẫn bảo cô tiếp tục đi.

Vào ngày thứ 4, Juliane tìm thấy thi thể của ba hành khách. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng mà đến tận bây giờ đôi khi cô vẫn nằm mơ thấy. May mắn rằng mẹ cô không phải là một trong số họ.

Cuối cùng, đến ngày thứ 10 men theo con lạch, cô đã bắt gặp một túp lều lợp bằng lá cọ, một động cơ gắn ngoài và một ít xăng. Cô đổ xăng lên vết thương có giòi bọ đang bu quanh, đây cũng là một bài học khác mà cô học từ cha mình. Mặc dù vô cùng đau đớn nhưng lũ giòi đã chết vì xăng.

Ngay sau khi tìm được một chỗ khá an toàn, cô ngất lịm.

Ngày hôm sau, Juliane được cứu bởi một nhóm người đi rừng. Họ đưa cô đến thị trấn gần đó và đưa cô vào bệnh viện. Cô là người sống sót duy nhất sau vụ tai nạn máy bay.

Juliane kể lại sau khi được cứu thoát rằng: "Đến ngày thứ 10, tôi không thể đứng vững được nữa. Tôi cảm thấy rất cô đơn, giống như tôi đang ở trong một vũ trụ khác, cách rất xa loài người. 

Tôi nghĩ rằng tôi đã bị ảo giác khi nhìn thấy một con thuyền thực sự lớn. Khi tôi chạm vào nó và nhận ra nó là thật, điều đó giống như một mũi tiêm adrenaline. 

Sau đó, tôi thấy một con đường nhỏ đi vào rừng, nơi có một túp lều lợp bằng lá cọ, một động cơ và một ít xăng. Tôi bị thương khá nặng ở cánh tay phải, nó bị nhiễm trùng và có những con giòi dài khoảng 1cm. Tôi nhớ con chó của chúng tôi đã từng bị nhiễm trùng như vậy và bố tôi đã đổ dầu hỏa vào, nên tôi cũng lấy xăng ra và nhỏ vào vết thương.

Cơn đau càng trở nên dữ dội hơn khi những con giòi cố gắng tiến sâu hơn vào vết thương. Tôi đã lôi ra khoảng 30 con giòi và rất tự hào về bản thân. Tôi quyết định qua đêm tại đây.

Ngày hôm sau, tôi loáng thoáng nghe thấy có tiếng vài người đàn ông ở bên ngoài. Tôi cảm tưởng như đang nghe thấy tiếng nói của các thiên thần vậy."

Làm thế nào mà Juliane có thể sống sót một cách kì diệu đến vậy?

Khả năng sống sót của Juliane là một chủ đề được bàn tán sôi nổi.

Một số người cho rằng dây an toàn của Julian đã giúp cô giảm thiểu được tác động của lực khi rơi xuống đất và tính mạng của cô có thể đã được cứu do sức mạnh của cơn bão cùng những tán lá cây dày mà cô rơi vào.

Chuyện ly kỳ về cô bé duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay: Rơi từ độ cao 3000m xuống rừng rậm, đi bộ liên tục trong 10 ngày đêm - 3

Bên cạnh đó, sự huấn luyện mà cô học được từ cha mẹ mình đã giúp cô sống sót 10 ngày trong rừng sâu. Mặc dù nhiều người đều thừa nhận rằng ngay cả những người đi rừng nhiều kinh nghiệm nhất cũng khó có thể sống sót trong rừng rậm Amazon khi mà không có bất kì thiết bị hay biện pháp bảo vệ nào. 

Một số người khác cũng cho rằng, chính suy nghĩ duy nhất của Juliane là chỉ tập trung vào việc tìm kiếm sự giúp đỡ đã khiến não bộ của cô không bị phân tâm vì sợ hãi hay hoảng loạn.

Dù lý dó là gì, câu chuyện về sự sống sót của Juliane Koepcke đã cho chúng ta một bài học quý giá: Chính thái độ tinh thần của chúng ta sẽ quyết định tương lai của chúng ta. 

Tất cả chúng ta đều có thể bị đánh gục khi trải qua những mất mát trong cuộc sống. Chìa khóa để sống sót qua những khoảnh khắc đau đớn đó là chỉ cần cố gắng và tiếp tục cho đến khi chúng ta vượt qua những đám mây đen và đạt được mục tiêu của mình.

Theo Z (Pháp luật & Bạn đọc)