Wu Xiuming, phó tổng giám đốc Viện Chính sách Hiệp hội phát triển, một tổ chức phi chính phủ chuyê nghiên cứu phát triển xã hội, kêu gọi giới chức Trung Quốc nhanh chóng có biện pháp với tình hình số người độc thân ngày càng tăng bằng cách khuyến khích phụ nữ chưa kết hôn chuyển từ thành phố về vùng nông thôn sinh sống, nơi hàng triệu nam giới đang có nhu cầu tìm bạn đời.
Wu kêu gọi phụ nữ Trung Quốc "không sợ về sống tại các vùng nông thôn".
Tại Trung Quốc, từ "thặng nữ" dùng để chỉ phụ nữ độc thân trên 27 tuổi, thường có học thức cao và sinh sống tại thành phố.
Đề xuất của Wu nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Người dùng mạng xã hội cho rằng ý tưởng này xa rời thực tế.
"Đầu óc kiểu gì nghĩ ra ý tưởng như vậy? Ông ta không thấy sự chênh lệch quá lớn giữa hai nhóm đó sao? Họ gần như sống trong hai vũ trụ song song, việc trò chuyện với nhau cũng là quá khó," một người viết trên Weibo.
"Ngay cả phụ nữ nông thôn cũng không muốn lấy đàn ông nông thôn, chưa nói tới phụ nữ thành thị. Ông nghĩ phụ nữ thành thị ngốc lắm sao?", một người khác viết.
"Đây là tâm lý tìm bạn tình động vật. Trong mắt chuyên gia này, hai nhóm người kể trên chỉ là động vật," một người khác bình luận.
Sharon Sun, một người phụ nữ 38 tuổi kinh doanh bất động sản ở Thượng Hải cho biết chị không coi đàn ông nông thôn là bạn đời lý tưởng.
"Không thể có chuyện tôi hẹn hò với một người đàn ông nông thôn. Kể cả thế giới không còn đàn ông thì cũng không có chuyện đó," chị nói.
Tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc hiện là 114 nam cho mỗi 100 nữ, được đánh giá mất cân bằng bậc nhất thế giới. Nam giới ở nước này hiện nhiều hơn nữ giới tới 30 triệu người, theo Statista. Tỷ lệ giới tính khi sinh trung bình trên thế giới là 105 nam cho mỗi 100 nữ, theo WHO.
Tình trạng mất cân bằng giới tính được cho là kết quả của chính sách một con, mới được bãi bỏ cách đây không lâu, và việc xã hội Trung Quốc thích con trai hơn. Tình trạng này trầm trọng nhất ở các vùng nông thôn, nơi phụ nữ bỏ lên thành phố tìm kiếm việc làm và bạn đời.
Việc tìm bạn đời cho nam giới nông thôn cũng khó khăn hơn, khi họ thường đòi hỏi bạn đời có tài chính ổn định.
Xinhua Daily Telegraph tuần trước dẫn báo cáo cho biết nam giới nông thôn ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Hồ Nam phải chi ít nhất 1 triệu nhân dân tệ khi hỏi vợ. Số tiền này dành cho các cô dâu, cũng như để mua nhà và xe hơi cho gia đình cô dâu.
Mất cân bằng giới tính trầm trọng khiến việc cạnh tranh tìm bạn đời ở nông thôn Trung Quốc diễn ra rất mạnh mẽ.
Liu Xuan, một lao động 26 tuori mới trở về quê nhà ở Đan Thành (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), cho biết anh đã tham dự 10 cuộc hẹn hò từ khi mới 19 tuổi để tìm vợ.
"Đàn ông trong làng phải xếp hàng chờ mai mối, nhưng phụ nữ có thể khó tính," Liu trả lời phỏng vấn của Xinhua.
Ngoài việc đề xuất ý tưởng khuyến khích phụ nữ thành thị chuyển về nông thôn sinh sống, Wu cũng cho rằng chính phủ cần đầu tư "giáo dục hướng nghiệp" cho đàn ông 30 tuổi chưa vợ, nhóm đối tượng được gọi là "thặng nam" ở Trung Quốc.
"Vấn đề cấu trúc giới tính cần được xử lý càng sớm càng tốt," Wu nói với Xinhua.
"Ví dụ, chính phủ cần đào tạo hướng nghiệp cho nam giới chưa vợ, chuyển họ tới sinh sống tại các khu vực hay khu công nghiệp có mật độ nữ giới cao," ông cho biết.
Lu Dewen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nông thôn Trung Quốc tại Đại học Vũ Hán cho rằng đề xuất của Wu không tính tới tất cả các lý do vì sao người dân vẫn còn độc thân.
Lu cho rằng trong khi đàn ông nông thôn Trung Quốc độc thân do gánh nặng tài chính, phụ nữ thành thị nước này lựa chọn cuộc sống độc thân. Là những người có học thức cao, lương bổng tốt, phụ nữ độc thân ở thành thị tận hưởng tình trạng độc thân và không muốn đánh mất điều đó bằng cách kết hôn và có con.
"Đề xuất đưa phụ nữ thành thị về các vùng nông thôn là hơi xa vời," ông nói.
Một bài viết trên ứng dụng tin tức Red Star News mới đây cho rằng đàn ông độc thân khong chỉ có ở nông thôn mà cả ở thành phố.
"Ở thành phố, bất kể nam nữ đều kết hôn muộn, một số người không kết hôn. Tình trạng như vậy liệu đàn ông nông thôn có lợi thế gì trước đàn ông thành thị?", bài báo đặt câu hỏi.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)