Chuyển loại xe tăng T-90S
Như đã phân tích ở các bài trước, việc Việt Nam tiếp nhận những chiếc xe tăng T-90S do phía Nga bàn giao đã đến rất gần và công tác chuẩn bị của Binh chủng Tăng thiết giáp cũng đã được triển khai bài bản, cả về nhân sự lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật.
Nếu như chuyển loại tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu hay tên lửa phòng không rất phức tạp, thường mất từ 1-2 năm kíp chiến đấu mới có thể vận hành thành thục đưa vào trực ban sẵn sàng chiến đấu thì đối với xe tăng T-90S cho dù hiện đại nhưng lại không quá phức tạp cho nên thời gian cũng sẽ không quá dài như chuyển loại các vũ khí ở trên.
Tuy nhiên, để làm chủ những "cỗ máy thép" hiện đại này không hề đơn giản chút nào bởi lẽ Binh chủng Tăng thiết giáp lần đầu làm quen với xe tăng T-90S thế hệ mới, thuộc loại rất tiên tiến trong khi trước đó chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành những vũ khí gần tương tự.
Loại xe tăng hiện đại nhất trong biên chế tính tới trước thời điểm này của Việt Nam vẫn chỉ là những chiếc T-62 đã ra đời từ vài chục năm trước, khác biệt hoàn toàn so với xe tăng T-90S và phiên bản chỉ huy T-90SK có thiết kế mới, đi kèm theo đó là hệ thống vũ khí - điều khiển hỏa lực, hệ thống phòng hộ tiên tiến mà lần đầu tiên Bộ đội Tăng thiết giáp được tiếp cận.
Do vậy, việc cử các kíp chiến đấu đi học chuyển loại cùng một số sĩ quan chỉ huy tham mưu chuyên ngành xe tăng ở Nga là tất yếu. Nhưng thường thì những khóa học này không dài, các cán bộ sĩ quan ta chỉ có thể tranh thủ cố gắng tối đa tiếp thu các kiến thức cơ bản được giáo viên bạn truyền thụ, còn để thực sự làm chủ vũ khí mới thì còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa.
Có cần chuyên gia Nga sang trực tiếp huấn luyện nâng cao?
Xe tăng T-90S được trang bị nhiều khí tài hiện đại - trình độ tự động hóa cao, do vậy đòi hỏi người vận hành ngoài việc phải có trình độ và nhất là phải có tư duy tác chiến hiện đại và tác phong công nghiệp. Trong các khoa mục huấn luyện có lẽ khó nhất chính là làm chủ hệ thống vũ khí - điều khiển bắn.
Với thành tích và bản lĩnh của học viên quân sự Việt Nam đi học ở nước ngoài qua nhiều thế hệ đã chứng minh không có việc gì khó, hầu hết đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập cùng các chuyên gia và giáo viên nước bạn thì chúng ta có quyền tin rằng các kíp xe tăng T-90S chuyển loại ở Nga cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, để thực sự nắm bắt được cả về lý thuyết lẫn thực hành ở mức cao, có lẽ các kíp xe cần phải được bồi dưỡng thêm sau khi kết thúc khóa học chuyển loại ở nước bạn. Và như vậy, việc mời các chuyên gia Nga sang tiếp tục huấn luyện cho bộ đội tăng thiết giáp vận hành xe tăng T-90S có lẽ sẽ mang lại một số lợi ích.
Với quan hệ truyền thống về hợp tác kỹ thuật quân sự tốt đẹp giữa 2 nước, nếu nhận được lời đề nghị, rất có thể phía Nga sẽ cử một số chuyên gia giỏi sang Việt Nam, trực tiếp huấn luyện nâng cao cho các kíp xe, nhất là pháo thủ, bởi đây là vị trí quan trọng hơn cả, quyết định tới hiệu suất chiến đấu, có diệt được mục tiêu ngay từ quả đạn đầu hay không chính là điều tiên quyết.
Mặc dù T-90S sở hữu hệ thống nạp đạn và ngắm bắn tự động, các tham số đầu vào như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, độ cong nòng pháo,... đều đã được máy tính đường đạn xử lý, giúp pháo thủ và trưởng xe có thể quyết định thực hành xạ kích chính xác, diệt mục tiêu từ xa, cũng không thể bỏ qua vai trò của con người nên cần phải được huấn luyện kỹ càng, thành thục nhất có thể.
Song song với tập huấn về khai thác, sử dụng thì các nội dung về chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa cũng hết sức quan trọng. Xe tăng T-90S sở hữu rất nhiều thiết bị hiện đại, đắt tiền mà thiết bị càng hiện đại thì càng đòi hỏi được bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa theo những quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nếu không được tập huấn kỹ càng sẽ không thể làm chủ được chúng.
Có chuyên gia Nga trực tiếp huấn luyện bổ sung sẽ giúp các thành phần trong kíp chiến đấu phối hợp nhịp nhàng, vận hành xe, vũ khí - khí tài đúng quy tắc, phát huy tối đa hỏa lực, sức đột kích mạnh của xe tăng.
Càng nhanh chóng làm chủ vũ khí mới bao nhiêu thì Lục quân Việt Nam càng sớm đưa xe tăng T-90S - những "nắm đấm thép" đầy uy lực vào sẵn sàng chiến đấu sớm bấy nhiêu. Qua đó, tạo ra sức bật mới, thay đổi về chất và tiếp nối truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng" của Binh chủng Tăng thiết giáp anh hùng.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)