Giới chuyên gia chính trị cho rằng động thái kể trên được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Yoon ngày càng bị cô lập về chính trị, vướng nhiều bê bối, đối mặt với bế tắc về lập pháp và căng thẳng với đồng minh cũng như các đối thủ.
Giáo sư Park Chang-hwan tại Đại học Jangan mô tả việc ban bố thiết quân luật là "nỗ lực cuối cùng trong hoảng loạn". Ông lập luận rằng việc phải đối mặt với nhiều xung đột và mất đi sự ủng hộ đã khiến tổng thống Yoon phải đưa ra thứ mà Park mô tả là "lựa chọn khác thường".
"Việc tổng thống ban bố thiết quân luật mà không tham khảo ý kiến của cố vấn cho thấy ông ấy rơi vào tình trạng tâm lý bị cô lập. Khi người ta thấy cô lập, họ có thể đưa ra những quyết định khó hiểu," giáo sư Park giải thích.
Tổng thống Yoon Suk-yeol gần đây đối mặt nhiều sức ép, trong bối cảnh Quốc hội do phe đối lập nắm đa số chuẩn bị bỏ phiếu luận tội chủ tịch Ủy ban Thanh tra và Điều tra Choe Jae-hae cùng ba công tố viên khác. Đề xuất luận tội cáo buộc các quan chức không điều tra đúng mực đối với đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee về các cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.
Đảng Dân Chủ cáo buộc Choe và các công tố viên thiên vị và thiếu trách nhiệm trong cuộc điều tra các cáo buộc nhắm vào đệ nhất phu nhân. Họ cũng chỉ trích Choe không cung cấp hồ sơ văn bản liên quan tới việc chuyển văn phòng tổng thống tới quận Yongsan, thành phố Seoul hồi năm 2022.
Phe đối lập thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 04 cũng khiến chính quyền của tổng thống Yoon gặp khó khăn trong việc thông qua chương trình nghị sự, thay vào đó tập trung phủ quyết các đạo luật mà phe đối lập đã thông quan.
Tỷ lệ ủng hộ tổng thống Hàn Quốc cũng giảm chỉ còn khoản 17% do ảnh hưởng của hàng loạt bê bối, trong đó có cáo buộc đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee nhận quà là túi xách Christian Dior trị giá 3 triệu USD, hay tham gia vào các hành vi nghi ngờ thao túng chứng khoán. Tháng trước, tổng thống Yoon xin lỗi công khai nhưng từ chối ủy quyền điều tra các cáo buộc này.
Ông Yoon cũng được cho là rơi vào thế đối đầu với chủ tịch đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hoon, người từng là đồng minh quan trọng của ông. Xung đột nội bộ khiến tổng thống Hàn Quốc rơi vào cô lập chính trị, theo đánh giá của giới chuyên gia.
"Việc tổng thống Yoon bị cô lập trong nội bộ đảng cầm quyền và phe đối lập liên tục tìm cách truy cứu trách nhiệm đã khiến ông phải đưa ra các biện pháp khác thường," giáo sư Park nhận xét.
Hồ Anh (SHTT)