Giới bác sĩ ở Đông Âu và Trung Âu coi "tiền cám ơn" là khoản thu nhập cần thiết để duy trì sự nghiệp. Ảnh: blogspot.com |
Nhưng hồi tháng 2, một gia đình kiện Fischer vì hành vi nhận khoản tiền mặt 3.000 USD (cùng khá nhiều thịt gà) để xếp lịch mổ cho một bệnh nhân (người này đã chết). Các luật sư của Fischer thông báo ông sẽ đấu tranh tới cùng, The Economist đưa tin.
Vụ kiện là một ví dụ tiêu biểu về nạn tham nhũng mang tính hệ thống trong ngành y tế ở Slovakia. Nó cũng là vấn nạn ở phần lớn quốc gia Đông Âu và Trung Âu. Vì quá tải, những cơ sở y tế ở khu vực này không thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh khẩn cấp của người dân. Để có cơ hội điều trị sớm, bệnh nhân phải hối lộ bác sĩ.
Ông Valdis Zatlers, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình từng giữ chức tổng thống Latvia từ năm 2007 tới 2011, đưa ra khái niệm “tiền cảm ơn” – khoản tiền bác sĩ nhận từ bệnh nhân song không nộp thuế thu nhập. Ông chỉ phải nộp phạt một lần, với khoản tiền vỏn vẹn 250 lat (466 USD).
Một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu vào năm 2013 cho thấy 28% người dân Romania và 21% dân Lithuania từng hối lộ bác sĩ. Trong khi đó, nếu tính trung bình, tỷ lệ người dân chi “tiền cảm ơn” trên toàn châu Âu là 5%.
15% người dân Ba Lan nói họ từng hối lộ nhân viên y tế trong năm 2014. Một số bệnh viện ở Ba Lan cho phép bác sĩ thực hiện ca mổ sinh cho các thai phụ với mức “phí hậu tạ” vào khoảng 1.000 zloty (266 USD).
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy công chúng Ba Lan xếp y tế vào vị trí thứ hai trong danh sách những lĩnh vực đang chìm trong nạn tham nhũng. Vị trí thứ nhất trong danh sách thuộc về chính trị.
Ở Estonia, nơi giới truyền thông ca ngợi hệ thống chăm sóc y tế qua mạng là mô hình về sự minh bạch, một giám đốc bệnh viện từng đòi một bệnh nhân lớn tuổi chi 4.000 kroon (362 USD) và một chai rượu cognac để tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Sau đó vị giám đốc mất việc.
Dư luận có thể nghĩ lòng tham của nhân viên y tế là nguồn gốc của nạn nhận tiền hối lộ, song thực tế phức tạp hơn nhiều.
“Nhiều người dân không nghĩ rằng nhận thù lao ngầm là hành vi tham nhũng của nhân viên y tế. Họ có logic riêng trong việc trả tiền cho bác sĩ. Vì sức khỏe, họ sẵn sàng chi tiền để giành lợi thế”, Steven van de Walle, một giáo sư của Đại học Eramus tại thành phố Rotterdam của Hà Lan, bình luận.
Trên thực tế, bác sĩ Fischer rơi vào tình thế rắc rối do ông không thể cứu mạng bệnh nhân. Sau đó ông chỉ trả lại gia đình người xấu số 800 USD (và không trả lại con gà nào). Nếu bệnh nhân thoát khỏi tai ương, phiền toái sẽ chẳng bao giờ giáng xuống đầu bác sĩ.
Đối với bệnh nhân, hối lộ là “giải pháp tự cứu thân” để giành cơ hội sống. Đó là nhận định của Tetiana Stepurko, một chuyên gia thuộc Viện Kiev-Mohyla và chuyên nghiên cứu về nạn hối lộ trong ngành y tế ở Ukraine.
Theo Stepurko, ranh giới giữa hối lộ và bày tỏ lòng biết ơn rất mập mờ. Ngay cả luật cũng không thể phân định ranh giới rõ ràng giữa hai hành vi ấy. Một số bác sĩ khẳng định nhận “quà cảm ơn” của bệnh nhân không phải là hành vi tham nhũng.
Giới bác sĩ ở Trung Âu và Đông Âu lý luận rằng mức lương thấp trong hệ thống y tế công khiến họ buộc phải tăng thu nhập bằng những khoản thù lao ngầm.
Đôi khi bệnh nhân cố tình lái ô tô cũ hoặc mặc trang phục nhàu nát tới bệnh viện với hy vọng bác sĩ sẽ giảm “tiền cảm ơn” nếu thấy họ trong bộ dạng thảm hại. Tại Romania, bác sĩ trong bệnh viện công hưởng mức lương 220 USD mỗi tháng, trong khi những bác sĩ giỏi hưởng mức lương trung bình 550 USD mỗi tháng.
Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết 7.000 bác sĩ Romania – chiếm 20% tổng số bác sĩ trên cả nước – sang nước ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2013, theo số liệu của Hiệp hội Bác sĩ Romania. Hơn 2.000 người trong số họ đang làm việc trong các cơ sở y tế tại Anh.
Sau bê bối của bác sĩ Fischer, Peter Liptak, một bác sĩ đa khoa khá nổi tiếng ở Slovakia và có bệnh viện riêng, bắt đầu công khai với giới truyền thông về những lần ông nhận quà của bệnh nhân. Ông tiết lộ những bí mật trong nghề để giúp dư luận thấy phần mục ruỗng trong hệ thống y tế của đất nước. Theo Liptak, theo quy định của chính phủ, thù lao của bác sĩ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân mà họ khám. Nếu một bệnh nhân muốn Liptak khám, ông sẽ nhận 2,2 USD.
“Để tăng thu nhập, tôi yêu cầu mỗi bệnh nhân trả thêm từ 5,5 tới 11 USD. Nếu một bác sĩ Slovakia muốn cung cấp dịch vụ điều trị với chất lượng cao, họ cần thu nhập lớn hơn nhiều lần lương chính thức. Những khoản tiền từ bệnh nhân là một phần của chi phí lao động”, Liptak giải thích.