Một cuộc điều tra của hãng thông tấn Reuters (Anh) mới đây đã phát hiện nhiều người lao động nước ngoài và khách du lịch mắc kẹt tại Campuchia vì đại dịch COVID-19 đã bị lừa hoặc bán vào những đường dây lừa đảo trực tuyến do người Trung Quốc cầm đầu.
9 nhân chứng - nạn nhân tham gia phóng sự điều tra của Reuters cho biết họ bị những lời quảng cáo trên mạng xã hội dụ dỗ. Những quảng cáo này hứa hẹn về công việc trực tổng đài được trả lương cao, nhưng cuối cùng họ lại được đưa đến những khác sạn sòng bạc và các khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt. Hộ chiếu của họ bị tịch thu trước khi vào "làm việc".
Các nạn nhân, chủ yếu đến từ châu Phi và châu Á, cho biết họ được người quản lý ra lệnh tạo tài khoản giả mạo trên Tinder, WhatsApp và Facebook để dụ "con mồi" tin tưởng các khoản đầu tư lừa đảo liên quan đến tiền điện tử, ngoại hối và cổ phiếu.
Các nạn nhân cho biết, những người phản đối hoặc có hiệu suất kém đã bị đe dọa và đánh đập. Mary, một giáo viên đến từ Philippines, cho biết cô bị sảy thai khi bị nhốt trong căn phòng kín, không có thức ăn và nước uống trong 3 ngày.
"Chúng tôi đã rất tuyệt vọng", Mary cho biết. Vào thời điểm người phụ nữ này thấy thông tin tuyển dụng trên Facebook, cô đang mang thai 3 tháng và đã thất nghiệp 4 tháng.
"Chúng tôi tưởng rằng đó là một công việc thực sự nhưng nó đã trở thành một cơn ác mộng", người phụ nữ 26 tuổi đã được thay đổi tên để bảo vệ danh tính cho biết.
Khi Reuters liên hệ để hỏi về trường hợp của 9 nạn nhân nói trên, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin về vụ việc này trước đây nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào."
Cảnh sát Campuchia trước đó đã thực hiện các cuộc truy quét và trục xuất hàng trăm người Trung Quốc nghi có liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Nhưng các chuyên gia tội phạm có tổ chức cho biết cảnh sát đã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tội phạm trực tuyến vì những "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật.
Đại diện Facebook, Whatsapp và Tinder cho biết họ sẽ phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và xử lý những tài khoản nghi liên quan đến đường dây lừa đảo.
"Mafia Trung Quốc"
Tháng 3/2020, Campuchia đã đóng cửa biên giới, đình chỉ các chuyến bay quốc tế và đóng cửa các trường học để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19. Điều này đã khiến nhiều du khách và người lao động nước ngoài thất nghiệp bị mắc kẹt, không thể trở về quê hương.
Trong hơn một thập kỷ, các nhóm tội phạm Trung Quốc đã sử dụng Campuchia làm cơ sở cho các vụ lừa đảo trực tuyến, lừa đảo hàng tỷ USD của công dân Trung Quốc. Các chuyên gia tội phạm cho biết đại dịch đã khiến những người nước ngoài mắc kẹt dễ bị tội phạm nhắm đến hơn.
4 trong số 9 nạn nhân tham gia phóng sự của Reuters là giáo viên thất nghiệp - 3 người đến từ châu Á và 1 người đến từ Uganda. Một người khác là công nhân xây dựng đến từ Bangladesh, 3 người là khách du lịch và người còn lại là nhà thiết kế đồ họa người Tanzania.
Hai ngày sau khi đồng ý đến làm việc tại một trung tâm hỗ trợ gần sân bay Phnom Penh, Mary, giáo viên đến từ Philippines, đã lên xe của nhà tuyển dụng để tham gia khóa đào tạo của "công ty" - đó là những điều cô từng nghĩ.
Khi chiếc xe chở cô đi qua sân bay, người lái xe cho biết điểm đến đã được chuyển thành Sihanoukville, một thành phố cảng tọa lạc cách sân bay Phnom Penh khoảng 200 km. Đây là nơi nhận được dòng tiền từ Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia.
Hơn 80 sòng bạc đã được xây dựng trong thành phố Sihanoukville - phần lớn dành cho khách du lịch nước ngoài và người chơi cá cược trực tuyến vì đánh bạc là bất hợp pháp đối với các công dân Campuchia.
Năm 2018, thống đốc tỉnh Preah Sihanouk vào thời điểm đó, ông Yun Min, từng cảnh báo rằng dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đang dẫn đến sự gia tăng các hành vi phạm tội của các "mafia Trung Quốc", bao gồm cả hành vi bắt cóc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh từ chối bình luận về phóng sự điều tra của Reuters, thay vào đó họ kêu gọi Campuchia thực thi lệnh cấm cờ bạc trực tuyến mà nước này ban hành vào năm 2019, bởi: ngành công nghiệp này đã trở thành mối quan tâm an ninh trong bối cảnh các báo cáo tội phạm gia tăng.
"Bắt cóc và buôn người là những thứ đi kèm theo hoạt động cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp", một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong các bình luận qua email. "Thay vì chỉ giải quyết bề nổi bằng cách tập trung vào các trường hợp riêng lẻ, việc thực hiện đầy đủ quy định cấm cờ bạc trực tuyến có thể giải quyết các vấn đề gốc rễ."
Hình phạt nhốt trong phòng kín
Bên trong một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt ở Sihanoukville, Mary cho biết cô đã giao hộ chiếu của mình cho bộ phận nhân sự và được giao các công cụ cho công việc mới: 5 chiếc iPhone và 5 thẻ SIM với số điện thoại của Anh.
Công việc của Mary là sử dụng hình ảnh của những phụ nữ hấp dẫn để tạo tài khoản giả mạo trên Tinder, WhatsApp và Facebook, và tìm kiếm những người quan tâm đến giao dịch ngoại hối.
Vài giờ sau, Mary nói với người quản lý rằng cô ấy muốn bỏ việc, rời khỏi nơi này. "Cô ta bắt đầu đe dọa tôi: 'Cô sẽ bị đánh nếu không tuân theo các quy tắc của chúng tôi'" - Mary nhớ lại câu nói của quản lý. "Tôi đã nói với cô ta: 'Tôi không ký hợp đồng để làm việc này. Tôi muốn rời đi. Hãy thả tôi ra."
Mary cho biết người quản lý đã trả lời cô: "Nếu cô không muốn làm việc ở đây thì hãy sắp xếp hành lý đi. Cô sẽ bị bán cho một công ty khác".
Mary sau đó đã bị nhốt trong một căn phòng gần như không có đồ đạc gì ngoại trừ 3 cái giác giường và 2 người phụ nữ khác cũng sắp bị bán đi. Họ bị bỏ đói những 3 ngày 2 đêm, phải uống nước từ nhà vệ sinh trong phòng tắm mà họ chỉ được vào khi có sự cho phép của người canh gác.
Những người canh gác đã tịch thu điện thoại của họ - nhưng Mary vẫn lén dùng điện thoại riêng và báo tin cho chồng cô - người đã báo cho cảnh sát ở Sihanoukville.
"Tôi đã rất lo rằng nếu vợ tôi bị chuyển đi nơi khác, tôi sẽ không tìm thấy cô ấy nữa", người chồng của Mary nói.
Nơi các băng đảng tội phạm Trung Quốc ẩn náu
John Coyne, người đứng đầu Trung tâm Chính sách Chiến lược Bắc Australia, cho biết Sihanoukville là nơi ẩn náu của một loạt các băng đảng Trung Quốc "nham hiểm" lợi dụng tốc độ internet nhanh chóng và các quy định về thị thực được nới lỏng của Campuchia.
Coyne, một cựu cảnh sát và chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở khu vực sông Mekong cho biết: "Sihanoukville là một điểm nóng tội phạm được tạo ra bởi sự hợp lưu của tiền Trung Quốc, các nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc và môi trường pháp lý kém".
Bắc Kinh đã cử cảnh sát và máy bay tới Campuchia để bắt giữ hàng trăm người Trung Quốc bị tình nghi là kẻ lừa đảo trong những năm gần đây, đồng thời phát đi một thông điệp cảnh báo "rất nặng nề và công khai cho công dân của họ" về những nguy cơ khi gia nhập các nhóm tội phạm.
"Vì thế nên các đường dây lừa đảo đã chuyển hướng sang các mục tiêu khác", một quan chức thực thi pháp luật nước ngoài cho biết. Bằng cách buôn bán nhiều người nói các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Trung Quốc, các băng nhóm có thể nhắm mục tiêu đến nhiều người với quốc tịch đa dạng hơn.
"Chúng tôi phải dụ dỗ 8 'khách hàng' mới mỗi ngày. Nếu không đủ chỉ tiêu, chúng tôi phải tiếp tục làm việc", một nạn nhân người Tanzania cho biết. "400 người chúng tôi ở trong một căn phòng - lừa đảo, lừa đảo và lừa đảo. Đó là công việc của chúng tôi."
Giống như Mary, khi người phụ nữ này nói với quản lý rằng cô ấy muốn bỏ việc, cô đã bị nhốt trong căn phòng kín với Mary cùng 2 lựa chọn: một là trả 2.000 USD, và hai là bị bán cho một công ty khác.
Thông qua số điện thoại mà người phụ nữ này cung cấp, Reuters đã liên hệ với "kẻ dẫn mối" và được biết hắn ta được trả 1.000 USD hoa hồng cho mỗi người được tuyển dụng làm việc tại Sihanoukville.
Người này nói rằng hắn ta là người Trung Quốc và tên là Li Qiang, làm việc cho một công ty lớn chưa có tên tuổi. Li khẳng định công việc của mình không liên quan đến buôn người. "Nhân viên có thể rời đi bất cứ khi nào họ muốn", Li nói.
Cảnh sát trưởng tỉnh Preah Sihanouk, nơi thành phố Sihanoukville tọa lạc, đồng thời là phát ngôn viên của chính quyền tỉnh, từ chối bình luận.
"Chúng tôi bị coi như động vật"
Điều tra viên Khun Tharo đến từ tổ chức phi lợi nhuận về lao động Central cho biết: Campuchia đã trở thành điểm đến phổ biến của những người lao động trong lĩnh vực du lịch, xây dựng và giáo dục, những ngành bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất. Hậu quả là "nhiều người đã mất việc làm và họ rất dễ bị tội phạm tiếp cận, rất dễ bị lừa đảo."
Nehan, một giáo viên đến từ Nepal đã sống ở Campuchia 5 năm và bị thất nghiệp khi đại dịch bùng phát, cho biết anh đã tìm thấy quảng cáo việc làm trên Facebook về công việc trực tổng đài sau khi số tiền tiết kiệm cạn kiệt - cuối cùng anh đã bị biến thành "nô lệ".
"Chúng tôi bị coi như động vật; bị mua bán, trao đổi như người ta mua bán dê và gà", Nehan nói.
Nehan cho biết anh được đưa đến làm việc tại khách sạn White Sand Palace đã đóng cửa ở Sihanoukville. "[Mọi người] nghĩ rằng khách sạn White Sand bị đóng cửa vì đại dịch, nhưng họ không biết những điều xảy ra bên trong đó", Nehan đã được trả tự do sau 1 tháng làm việc không lương và anh đã đe dọa những người quản lý rằng sẽ nhờ vợ mình báo cảnh sát về đường dây lừa đảo này.
"Mọi người vào [khách sạn]... sau đó họ không thể ra ngoài", Nehan nói.
Một người phụ nữ trả lời hotline của khách sạn White Sand Palace cho biết ban quản lý khách sạn đã "sang Trung Quốc", đồng thời nói thêm rằng khách sạn không biết về bất kỳ hoạt động lừa đảo trực tuyến nào bên trong khách sạn.
Nehan cho biết anh được đưa đến các phòng khách sạn, nơi có hàng trăm người - chủ yếu là người Trung Quốc - làm việc để dụ dỗ các "nhà đầu tư" trực tuyến bỏ tiền vào các kế hoạch đầu tư giả mạo và quét mã QR dẫn đến trong một trang web cho phép họ xâm nhập vào điện thoại thông minh của mọi người.
"Chúng là tin tặc, là kẻ trộm", Nehan nói.
Đánh đập và hành hung
Tất cả các nạn nhân đều bị yêu cầu trả tiền chuộc để được trả tự do, nhưng chỉ có một người làm điều đó. Mẹ của người này đã trả 2.047 USD cho một người Campuchia để con trai bà được thả.
6 nạn nhân khác cho biết họ đã đe dọa, thương lượng và đăng tin lên mạng xã hội để giành được sự tự do. 2 nạn nhân khác vẫn đang mắc kẹt trong những đường dây lừa đảo này.
Một nạn nhân đã chia sẻ với Reuters những bức ảnh chụp mình nằm trên giường bệnh với khuôn mặt bầm tím và quấn băng quanh đầu, thậm chí còn phải khâu vài mũi sau khi anh ta bị kẻ buôn người đánh đập vì cố gắng trốn thoát.
"Chúng tôi không định trả tiền chuộc nhưng cuối cùng đành phải làm vậy. Chúng đã đánh con tôi, khiến con tôi sống dở chết dở trong 1 tháng trời", mẹ của nạn nhân cho biết.
Trong trường hợp của Mary, chồng cô đã chia sẻ những hình ảnh về hành động tàn bạo mà cô đã phải chịu đựng lên Facebook và gửi cho truyền thông.
"Ban đầu [những kẻ buôn người] rất tức giận - khi những video và hình ảnh từ bên trong có thể được tuồn ra ngoài như vậy", chồng của Mary nói.
Sau khi bị đe dọa và bị đòi 1.500 USD tiền chuộc, vợ chồng Mary đã đạt được thỏa thuận với những kẻ buôn người: Cô sẽ được thả nếu người chồng chịu xóa bài đăng trên Facebook. Họ đã đồng ý và hiện vẫn phải lẩn trốn, chưa thể rời Campuchia do COVID-19.
"Hiện giờ, chúng tôi chỉ cảm thấy phẫn nộ và sợ hãi", chồng của Mary nói. "Tôi không thể ngủ được. Mỗi khi tôi nhắm mắt lại, tôi chỉ có thể nghĩ về đứa con đã mất của chúng tôi. Khi vợ tôi ngủ, cô ấy không ngừng run rẩy"./.
Theo Hồng Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)