Hãng tin Reuters dẫn tin từ cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu là Europol cho biết, 9.000 nhân viên hành pháp từ 17 quốc gia đã tham gia một chiến dịch điều tra. Trong đó họ đã theo dõi 27 triệu tin nhắn từ 12.000 thiết bị tại 100 quốc gia và lần theo hoạt động của hơn 300 nhóm tội phạm có tổ chức.
Cho tới giờ, ngoài 800 nghi phạm đã bị bắt, lực lượng hành pháp các nước còn thu giữ được hơn 8 tấn cocaine, 22 tấn cần sa, 2 tấn ma tuý tổng hợp, 250 khẩu súng, 55 chiếc xe hơi đắt tiền và hơn 48 triệu USD tiền mặt, tiền ảo.
Tài liệu của toà án Mỹ cho biết, một kẻ buôn bán ma tuý trước đây đã tạo ra một chiếc điện thoại được mã hoá cùng với một ứng dụng đặt tên là ANOM. Bị nhà chức trách thúc ép, đối tượng trên đã kết nối với các nhà phân phối đáng tin của mình. Tháng 10/2018, chiếc điện thoại cài ứng dụng ANOM (gắn kèm mã của FBI) được ra mắt ở thị trường Australia. Ban đầu, nhà phát triển điện thoại giao cho các nhà phân phối 50 chiếc điện thoại để bán.
Khoảng 12.000 chiếc điện thoại trên sau đó đã được lưu hành trên chợ đen. Người mới dùng phải được một người đang sử dụng điện thoại cấp cho mật mã mới có thể truy cập và điều này giúp tạo nên lòng tin.
Theo BBC, cảnh sát Australia cho biết, gã đàn ông vô tình giúp phổ biến ứng dụng tin nhắn điện thoại được mã hoá ANOM do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vận hành, là một nghi phạm tên là Hakan Avik.
Ayik được cho là một tên trùm ma tuý và cũng được nhà chức trách Australia nhận diện là nhân vật có ảnh hưởng then chốt trong giới tội phạm. Tên này vô tình giữ một vai trò quan trọng trong chiến dịch điều tra trên, sau khi được một đặc vụ ngầm giúp tiếp cận với chiếc điện thoại di động có cài ứng dụng ANOM rồi sau đó, hắn đã giới thiệu nó cho các tên tội phạm khác.
Lực lượng an ninh Australia cho biết, họ có thể đọc được hàng triệu tin nhắn trong thời gian thực, nêu rõ các âm mưu giết người, các vụ nhập khẩu ma tuý lớn và nhiều thông tin khác nhờ ứng dụng trên.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)