Hiện đã có ít nhất 3 quốc gia tung ra ý tưởng thiết kế mẫu xe tăng mới với tính năng kỹ chiến thuật tương tự T-14 Armata của Nga.
Khác với các loại xe tăng hiện nay, T-14 Armata được trang bị 1 tháp pháo điều khiển tự động với kíp lái 3 người bố trí trong khoang riêng biệt, thay vì phải có người ngồi trong tháp pháo.
Kiểu thiết kế này mang tính cách mạng lớn trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, bởi nó giúp tăng cường mức độ tự động hóa, cũng như khả năng bảo vệ cho kíp xe.
Cho đến nay, Quân đội Nga mới nhận được khoảng 20 chiếc T-14 Armata để tiến hành thử nghiệm và phải tới năm 2018 mới nhận được 100 chiếc.
Mặc dù vẫn chưa chính thức vào biên chế nhưng dường như T-14 Armata đã tạo "cảm hứng" cho nhiều quốc gia tự thiết kế mẫu xe tăng với tính năng kỹ thuật tương tự.
Hiện nay, đã có ít nhất 3 quốc gia đưa ra ý tưởng trên.
Đầu tiên phải kể đến Serbia với "mẫu xe tăng tương lai" được giới thiệu trong tháng 07-2015.
Thiết kế mẫu xe tăng M-20UP1 của Serbia. |
Mẫu xe tăng của Serbia có tên gọi M-20UP1, trang bị 1 pháo nòng trơn cỡ 125mm đặt trong tháp pháo điều khiển tự động, kíp xe 3 người bố trí ngồi trong khoang điều khiển riêng biệt. Ngoài ra, dự án của Serbia cũng được thiết kế trên nền tảng module tương tự như Armata.
Thiết kế mẫu xe tăng Tirex của Ukraine. |
Tiếp theo là Ukraine. Cụ thể, tiểu đoàn trừng giới Azov tại đây từng giới thiệu thiết kế mẫu xe tăng mới tương tự T-14 Armata.
Song, đây thực chất chỉ là phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của xe tăng T-64 (vốn được trang bị với số lượng lớn trong quân đội Ukraine) để đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại.
Cuối cùng là Trung Quốc, đây cũng là nước có "truyền thống" sao chép các loại vũ khí của Nga.
Theo trang mạng military-informant, gần đây các trang mạng Trung Quốc đã đăng tải những hình ảnh đồ họa về một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới.
Mẫu thiết kế này dựa trên loại xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata thế hệ mới của Nga với phần tháp pháo điều khiển tự động, kíp xe ngồi trong 1 cabin được bảo vệ riêng biệt.
Một số hình ảnh thiết kế mẫu xe tăng mới của Trung Quốc. |
Tuy nhiên, có vẻ mẫu thiết kế này của Trung Quốc sử dụng hệ thống nạp đạn tự động tương tự như hệ thống trang bị trên xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc (Pháp) và Type 10 (Nhật Bản).
Các thông tin kỹ thuật chi tiết của nó hiện vẫn chưa được công bố.
Trong số 3 "bản sao" trên của T-14 Armata, có vẻ dự án của Serbia là thực tế hơn cả.
Nước này đã thành lập một nhóm phát triển dành riêng cho dự án và giới thiệu tại triển lãm Partner 2015. Bản thân Serbia cũng có mẫu xe tăng M-84AB1 với ngoại hình và tính năng kỹ thuật gần tương đương với xe tăng T-90 của Nga.
Với Ukraine, tiểu đoàn trừng giới Azov thực chất chỉ là lực lượng được thành lập tự phát sau khi xảy ra sự kiện Nga sáp nhập Crimea và xung đột nổ ra tại miền Đông nước này.
Bản thân lực lượng Azov rất khó đủ khả năng (cả về nhân lực và kỹ thuật) để chế tạo được xe tăng mới.
Còn với Trung Quốc, có lẽ đó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng, như bao thiết kế từng tung ra trước đây của cư dân mạng nước này mà thôi.
Theo Ly Vy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)