Là đại diện tiêu biểu của Đảng dân chủ lại nắm giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ, về mặt lí thuyết, đa số tin rằng bà Pelosi lẽ ra phải ủng hộ việc luận tội Tổng thống. Tuy nhiên, quan điểm "không ủng hộ luận tội" của chủ tịch Hạ viện Mỹ rất rõ ràng, chủ yếu xoay quanh 2 điểm then chốt.
Thứ nhất, việc luận tội tổng thống sẽ gây chia rẽ mạnh mẽ và sâu sắc nước Mỹ. Và theo bà Pelosi, đây là phương pháp cuối cùng nên áp dụng trong bối cảnh nước Mỹ hiện tại.
Thứ hai, chủ tịch Hạ viện Mỹ không ủng hộ luận tội Tổng thống vì đơn giản là với Pelosi, “Donald Trump không xứng đáng để… “được” luận tội”. Dù vậy, như đại đa số các nghị sĩ thuộc Đảng dân chủ Mỹ, Pelosi vẫn bảo lưu quan điểm: ông Trump là người hoàn toàn không phù hợp để lãnh đạo quốc gia.
“Tôi không nghĩ là ông ta (Trump) phù hợp với vai trò lãnh đạo nước Mỹ. Trước sau luôn là như vậy. Đạo đức không phù hợp! Trí tuệ không phù hợp!”.
Sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, ông Trump đối mặt với hàng loạt cuộc “tổng tấn công” từ Hạ viện, hay nói một cách chính xác là từ Đảng dân chủ. Ông bị luật sư cũ Michael Cohen cáo buộc là kẻ dối trá, lừa đảo và dính dáng đến nhiều tội ác.
Đảng dân chủ Mỹ, trong khi đó đang mở rộng cuộc điều tra đặc biệt về ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và khả năng tồn tại một “mối quan hệ mờ ám” giữa Nhóm vận động bầu cử của Trump với Moscow.
Trong khi nhiều thành viên của Đảng dân chủ ủng hộ mạnh mẽ việc luận tội Tổng thống và tin rằng, nếu những bằng chứng rõ ràng và nghiêm trọng về những sai phạm của Trump lộ sáng thì lực lượng ủng hộ việc luận tội sẽ tăng phi mã.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị-xã hội Mỹ lại có một quan điểm sâu sắc hơn. Theo đó, một nỗ lực mạnh mẽ nhằm phế truất Tổng thống Trump (qua phương pháp Luận tội) trước bầu cử 2020 có thể gây ra tác dụng ngược.
Trong quá khứ, từng có 2 tổng thống Mỹ, Andrew Johnson và Bill Cliton bị chính thức luận tội bởi Ủy ban xét xử luận tội của Thượng viện. Nhưng sau khi xét xử, cả hai đều được Thượng viện tha bổng. Cần biết rằng, dù Đảng dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện sau Cuộc bầu cử giữa kì nhưng Trump và Đảng cộng Hòa vẫn “làm chủ” Thượng viện Mỹ. Tức việc luận tội Trump là một canh bạc rủi ro mà Đảng Dân chủ không hề nắm chắc phần thắng.
Ở một phát biểu đáng chú ý khác, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Jerry Nadler cho rằng “bất chấp Trump có nhiều việc làm ảnh hưởng và cản trở công lý thì Luận tội tổng thống là chặng đường rất dài, cần nhiều tháng thậm chí cả năm để mở rộng điều tra, thu thập tài liệu và chứng cứ”.
Và điều quan trọng hơn, theo Nadler là các nhà Lập pháp phải thuyết phục được người dân Mỹ rằng “Luận tội Tổng thống không phải nỗ lực của Đảng dân chủ trong việc “trả đũa” cho kết quả ở cuộc bầu cử năm 2016”.
Luận tội tại Hoa Kỳ (tiếng Anh: Impeachment in the United States) là một quyền lực của ngành lập pháp Hoa Kỳ, được dùng đến để chính thức truy tố một viên chức dân sự của chính phủ, bao gồm cả Tổng thống, vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức. Việc xét xử thực sự về những điều truy tố này và sau cùng là việc truất phế một viên chức bị kết án là 1 hành động khác, riêng biệt.
Luận tội có thể nói là tương ứng với các bước truy tố phạm nhân tại các tòa án thông thường trong khi việc xét xử bởi một viện lập pháp khác thì tương ứng với việc xử án trước một thẩm phán và bồi thẩm đoàn tại các tòa án thông thường. Thông thường, hạ viện của ngành lập pháp sẽ luận tội viên chức và thượng viện sẽ tiến hành xét xử.
Tại cấp liên bang, Điền khoản 2 Hiến pháp Hoa Kỳ (đoạn 4) ghi rằng "Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác." Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện Hoa Kỳ là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả những vụ luận tội. Việc truất phế các viên chức bị luận tội là tự động nếu bị xét xử là có tội tại Thượng viện.
Theo truyền thống Quốc hội Hoa Kỳ xem việc luận tội như là một quyền lực chỉ sử dụng cho các vụ việc nghiêm trọng; Hạ viện Hoa Kỳ thực sự khởi sự thủ tục luận tội chỉ có 62 lần kể từ năm 1789. Có hai vụ không đi đến giai đoạn xét xử vì các cá nhân đáng ra bị luận tội đã rời nhiệm sở.
Hai tổng thống Hoa Kỳ đã bị luận tội: Andrew Johnson (bị xét xử) và Bill Clinton (bị xét xử). Cả hai đều được tha bổng khi xét xử. Tổng thống Richard Nixon từ chức khi biết chắc chắn rằng mình sắp bị luận tội khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã chấp thuận việc luận tội ông trước đó. Thẩm phán trưởng Hoa Kỳ là chủ tọa cho 1 cuộc xét xử tổng thống tại Thượng viện.
THANH XUÂN (SHTT)