Tối 11/3, các quan chức của tổ chức khu vực CARICOM thông báo ông Henry đã nộp đơn từ chức.
“Chúng tôi thừa nhận việc Thủ tướng Ariel Henry từ chức sau khi thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời”, lãnh đạo Guyana và đương kim Chủ tịch CARICOM Irfaan Ali cho biết.
CARICOM (Cộng đồng và thị trường chung Caribe) là tổ chức của 25 quốc gia, có nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập kinh tế, an ninh và phát triển xã hội. Ngày 11/3, CARICOM tổ chức họp về Haiti tại thủ đô Kingston của Jamaica, Liên Hợp quốc cho biết.
Khi đợt bạo lực tồi tệ nhất bùng phát tuần trước, ông Henry đang ở Kenya để ký thỏa thuận về việc đưa 1.000 cảnh sát Kenya đến Haiti để khôi phục an ninh, trong bối cảnh chính phủ của ông mất kiểm soát đất nước.
Ông Henry đang chịu sức ép lớn từ Mỹ phải đạt được một giải pháp chính trị, nhưng vẫn chưa biết ai sẽ thay thế ông.
Một cái tên được nhắc đến là Guy Philippe, một thủ lĩnh phiến quân gần đây bị Mỹ trục xuất về Haiti sau thời gian thụ án vì tội rửa tiền.
Năm 2021, ông Henry lên lãnh đạo không qua bầu cử, sau vụ ám sát tổng thống. Ông hoãn kế hoạch tổ chức bầu cử, cho rằng phải đợi đến lúc tình hình an toàn. Nhưng quyết định của ông càng khiến những người biểu tình nổi giận, sau nhiều tháng họ xuống đường đòi ông từ chức. Tình hình kinh tế Haiti càng thêm khó khăn và bạo lực băng đảng tràn lan.
Từ khi ông Henry đến Kenya, thủ đô Port-au-Prince của Haiti chìm trong các đợt tấn công của tội phạm có tổ chức vào lực lượng thực thi pháp luật và cơ quan nhà nước, khiến hàng chục ngàn người phải rời khỏi nhà cửa.
Ngày 10/3, chính phủ Haiti tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau khi các nhóm vũ trang tấn công vào nhà tù lớn nhất đất nước ở thủ đô, tấn công cảnh sát và quản ngục để giúp khoảng 3.500 tù nhân trốn thoát.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)