Chiến lược gây rối loạn có tính toán của Trump

28/01/2017 07:39:00

Chiến thuật gây rối loạn có chủ đích mà Donald Trump từng sử dụng hiệu quả trong quá trình vận động tranh cử sẽ được ông tiếp tục áp dụng.

Chiến thuật gây rối loạn có chủ đích mà Donald Trump từng sử dụng hiệu quả trong quá trình vận động tranh cử sẽ được ông tiếp tục áp dụng.
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng một cuộc vận động tranh cử phi truyền thống dựa vào chiến thuật dồn dập công kích chính trị và đưa ra các cam kết táo bạo, gây rối loạn cho các đối thủ. Ông Trump được dự đoán sẽ tiếp tục chiến lược này ở Nhà Trắng, theo Wall Street Journal.

Những dòng tweet trên mạng xã hội Twitter và những phát biểu của Trump về những thay đổi trong chăm sóc y tế và vấn đề thuế đã gây bối rối cho những nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát quốc hội. Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến với các cơ quan tình báo quốc gia khi bày tỏ nghi ngờ cáo buộc của họ rằng Nga tấn công mạng máy tính đảng Dân chủ. Ông cũng gây lo ngại cho các đồng minh khi liên tục chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một khối liên minh quân sự quan trọng. Trong khi đó, các lãnh đạo Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ đang điều tra các mối quan hệ của Trump và đồng minh với Nga.

"Xung quanh Trump là một khung cảnh rối loạn nhưng đó là sự rối loạn có tính toán", Steve Schmidt, một nhà chiến lược chính trị đảng Cộng hòa từng làm việc ở Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói. "Đó là dạng rối loạn nhằm duy trì sự kiểm soát tối đa của ông ấy".

Trump đã tự tin dự đoán rằng ông sẽ có một nhiệm kỳ thành công rực rỡ. Theo các đồng minh của ông, điều này một phần là bởi ông sử dụng thành công chiến thuật gây rối loạn có kiểm soát trong các thương vụ của ông với các ông chủ ngành ngân hàng, các nhà quản lý và các đối thủ chính trị.

"Tổng thống Trump vẫn chính là con người mà chúng ta thấy trong hành trình vận động tranh cử. Mỗi chính quyền mới đều tìm kiếm phong cách quản lý riêng và thường học hỏi dần trong quá trình hoạt động", Ed Brookover, cựu cố vấn chính trị của Trump, nói.

Ông Trump đang xây dựng một nội các trái với thông lệ vì nhiều thành viên cấp cao của nội các bất đồng với nhau và cả với tân tổng thống về nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu và quan hệ với Nga. Một nội các như vậy có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi nhưng các cố vấn của Trump nói rằng phương pháp của ông là lắng nghe những quan điểm đối chọi nhau và rồi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cây bút Michael C. Bender của Wall Street Journal cho rằng chưa rõ liệu phong cách này của Trump có hiệu quả hay không khi ông đang gánh vác trọng trách rất lớn. Ông Trump đã ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin Axios.com hôm 17/1 rằng "chỉ cần một quyết định sai cũng dẫn đến những hậu quả đầy tai họa". 

100 ngày đầu nhiệm kỳ - thước đo thành công của tân tổng thống Mỹ
 
Theo Hồng Vân (VnExpress.net)

Nổi bật