Số lượng và đơn giá đặt mua Tu-160M2
Dựa trên nhu cầu duy trì sức mạnh răn đe và khả năng tác chiến chiến lược tầm xa trong vài thập kỷ tới, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức đặt hàng Tập đoàn Chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) sản xuất loạt đầu tiên gồm 10 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 với tổng giá trị hợp đồng là 160 tỷ RUB (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).
Như vậy, đơn giá để hoàn thiện một chiếc "Thiên Nga trắng" bàn giao cho Không quân Nga là 270 triệu USD. Tuy nhiên, với những loạt sau, đơn giá này có thể sẽ giảm xuống bởi khi đó guồng máy sản xuất đã đi vào ổn định, các công đoạn chế tạo được hoàn thiện, tối ưu hóa trên cơ sở kinh nghiệm rút tỉa được từ lô 10 chiếc Tu-160M2 đầu tiên.
Lễ ký hợp đồng diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm của ông tới Nhà máy chế tạo máy bay Tupolev Gorbunov ở Kazan. Ngoài ra, trong buổi lễ còn có sự góp mặt của ông Yuri Slyusar - người đứng đầu UAC và Thứ trưởng BQP Nga, ông Borisov.
Hợp đồng được ký ngay sau buổi bay trình diễn của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 đầu tiên - chế tạo trên cơ sở khung thân và các phụ tùng, cấu kiện tồn đọng từ thời Liên Xô khi mà các máy bay ném bom chiến lược loại này còn được sản xuất. Trong chuyến bay thử, chiếc Tu-160 đã được mang tên tướng Không quân Nga Pyotr Deinekin.
2 lần cất cánh sớm hơn dự kiến và lột xác hoàn toàn
Vào giữa tháng 11 năm ngoái, Nhà máy Tupolev Gorbunov ở Kazan đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 dựa trên khung thân Tu-160 mang số hiệu 804 từ thời Liên Xô.
Đây sẽ là chiếc Tu-160M2 đầu tiên cho quân đội Nga, bổ sung cho phi đội 16 oanh tạc cơ Tu-160 của lực lượng không quân chiến lược.
Theo kế hoạch của Tập đoàn chế tạo máy bay Thống Nhất Nga thì chiếc "Thiên Nga trắng" nâng cấp sâu này sẽ bay thử vào đầu tháng 2/2018, sớm hơn vài tháng so với mục tiêu ban đầu.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai lại một lần nữa nhanh hơn dự kiến khi chuyến cất cánh đầu tiên đã được thực hiện hôm 24/01 và tiếp đó là chuyến bay trình diễn dưới sự chứng kiến của Tổng thống Putin cùng nhiều quan chức cấp cao BQP Nga.
Mặc dù được chế tạo trên cơ sở khung thân có sẵn từ thời Liên Xô, nhưng những chiếc Tu-160 sẽ lột xác hoàn toàn với động cơ mới, hệ thống điện tử hàng không tiến tiến và tất nhiên là cả những loại tên lửa tầm xa đầy uy lực. Cụ thể:
- Các động cơ NK-32 02 hoàn toàn mới, vừa cho sức đẩy lớn hơn, vừa hoạt động tin cậy và tiết kiệm nhiên liệu.
- Hệ thống điện tử kỹ thuật số với máy tính module được chế tạo hoàn toàn ở trong nước mà không sử dụng linh kiện nước ngoài kèm theo hệ thống điều khiển khỏa lực tiên tiến giúp điều khiển máy bay dễ dàng và thực hành phóng tên lửa chính xác.
Bên cạnh đó tổ hợp tác chiến điện tử/gây nhiễu hiện đại, đủ sức vô hiệu hóa mọi loại tên lửa đất đối không hoặc không đối không.
- Các tên lửa hành trình chiến lược tầm xa Kh-101 và Kh-102 với tầm bắn 5.500km được trang bị cho Tu-160M2 có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở bất cứ nơi đâu trên trái đất. Mỗi máy bay có 2 khoang chứa trong thân để có thể mang được 40 tấn bom để thực hiện các đòn tập kích đường không rải thảm mang tính hủy diệt.
Hiện nay, Nga đang có kế hoạch mua khoảng 50 biến thể Tu-160 mới. Nhiều khả năng 16 chiếc Tu-160 hiện nay cũng sẽ được nâng cấp thành phiên bản tiêu chuẩn Tu-160M2.
Ngược lịch sử một chút, từ thời Liên Xô còn hùng mạnh, siêu cường này đã có kế hoạch chế tạo tổng cộng 160 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 để trang bị cho 5 trung đoàn Không quân tầm xa. Tuy nhiên sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, kế hoạch này đã bị phá sản.
Rất nhiều "Thiên Nga trắng" bông nhiên rơi vào tay Ukraine trong khi họ chẳng có nhu cầu bởi không đủ kinh phí hoạt động. Những chiếc Tu-160 của Ukraine mỗi năm chỉ được cất cánh từ 3 đến 5 lần và chỉ bay trong một khoảng thời gian rất ngắn. Phần lớn thời gian còn lại, những chiếc siêu máy bay mang tên lửa đó phơi mình trên sân bay tại Priluki.
Theo Bình Nguyên (Soha/Trí Thức Trẻ)