Đơn kiện đứng tên chiến dịch của ông Trump và hai cử tri đã đăng ký, cáo buộc hệ thống bỏ phiếu qua thư của Pennsylvania "thiếu tất cả các dấu hiệu của sự minh bạch và khả năng xác minh như ở hình thức bỏ phiếu trực tiếp".
Đơn kiện cũng cho rằng các quan chức bang Pennsylvania vi phạm Hiến pháp Mỹ khi tạo ra "hệ thống bỏ phiếu hai cấp bậc bất hợp pháp", khi bỏ phiếu trực tiếp được giám sát nhiều hơn bỏ phiếu qua thư.
Đơn kiện nhắm vào tổng thư ký bang Kathy Boockvar và ban giám sát bầu cử của các hạt có truyền thống ủng hộ đảng Dân Chủ, bao gồm tại các thành phố Philadelphia và Pittsburgh. Văn phòng của bà Boockvar chưa bình luận về đơn kiện.
Tổng thống Trump, người từng đưa ra nhiều cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử, tuyên bố sẽ tiếp tục các động thái pháp lý mà ông hy vọng sẽ thay đổi kết quả bầu cử vốn mang về chiến thắng cho đối thủ Joe Biden.
Chiến dịch của ông Trump và các thành viên đảng Cộng Hòa đã đệ nhiều đơn kiện kể từ hôm 03/11 về những bất thường trong việc bỏ phiếu. Thẩm phán đã bác đơn kiện tại Georgia và Michigan.
Trong khi đó, các nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa tại bang Pennsylvania hôm 09/11 tuyên bố họ sẽ "kêu gọi thanh tra kết quả bầu cử 2020 và yêu cầu không xác nhận kết quả bầu cử, không lựa chọn đại cử tri, cho tới khi quá trình thanh tra kết thúc".
Tại Mỹ, một ứng viên được bầu sau khi hội đủ 270 phiếu đại cử tri, thay vì giành đa số phiếu phổ thông. Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho người giành nhiều phiếu phổ thông hơn tại bang của họ. Đại cử tri đoàn sẽ họp vào ngày 14/12 tới.
Edward Foley, chuyên gia luật bầu cử tại Trường Luật Moritz thuộc Đại học Ohio cho rằng nghị viện bang Pennsylvania không thể ngăn việc xác nhận kết quả bầu cử mà không thay đổi luật.
"Để làm được điều đó, họ cần phải thay đổi quy chế bầu cử của bang, và điều đó sẽ không được thống đốc bang Pennsylvania chấp nhận," Foley nói.
Vụ kiện nêu trên tại Pennsylvania được phân công cho thẩm phán Matthew Brann, người được bổ nhiệm dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, phụ trách.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)