Nỗ lực bí mật này được cho là tập trung tại 16 bang chiến địa, trong đó có một số bang ông Trump đã giành chiến thắng.
Cáo buộc được đưa ra từ cuộc điều tra của kênh truyền hình Channel 4 News, dựa trên cơ sở dữ liệu bầu cử được chiến dịch của ông Trump sử dụng hồi năm 2016.
Cơ sở dữ liệu kể trên bao gồm hồ sơ 198 triệu người Mỹ, với những chi tiết về địa vị xã hội hay tình trạng kinh tế thu thập từ các công ty nghiên cứu thị trường.
Điều tra cho rằng cử tri được chia làm 8 nhóm, trong đó có nhóm "răn đe", gồm các cử tri có thể sẽ bầu cho bà Hillary Clinton hoặc không bỏ phiếu cho ai. Nhóm này bao gồm rất nhiều cử tri da đen.
Theo điều tra, chiến dịch tranh cử của ông Trump đặt mục tiêu thuyết phục họ không bỏ phiếu cho bà Clinton bằng cách đăng quảng cáo trên Facebook chỉ trích ứng viên này, cho rằng bà không cảm thông cho người Mỹ gốc Phi. Những quảng cáo này được nhắm mục tiêu vào nhóm cử tri nói trên.
Nỗ lực này được cho là có sự tham gia của Cambridge Analytica, tổ chức tham vấn bầu cử từng bị chỉ trích vì sử dụng mánh khóe giúp các đảng phái trên khắp thế giới thắng cử thông qua việc sở hữu trái phép dữ liệu hàng chục triệu người dùng Facebook.
Các quảng cáo chỉ trích bà Clinton mà chiến dịch của ông Donald Trump sử dụng có đoạn video ghi lại tuyên bố về "những kẻ lưu manh" của cựu ứng viên tổng thống Mỹ. Các thành viên đảng Cộng Hòa cho rằng bà Clinton nói về người Mỹ da đen khi sử dụng cụm từ này.
Bà Clinton vào tháng 02/2016 đã xin lỗi về việc dùng những từ ngữ nói trên, tuy vậy chiến dịch của ông Trump vẫn tiếp tục sử dụng video để chỉ trích bà. Điều tra cho biết video đã được chiếu trên TV 402 lần và thu hút hàng triệu lượt xem trên Facebook.
Jamal Watkins, phó chủ tịch Tổ chức Quốc gia về Tiến bộ cho Người da màu (NAACP) cho biết ông "sốc và buồn phiền" khi biết tin về cáo buộc nỗ lực ngăn người da đen bỏ phiếu vào năm 2016.
"Chúng tôi dùng dữ liệu, tương tự như dữ liệu cử tri, nhưng để khuyến kích, vận động, thuyết phục cử tri đi bầu. Chúng tôi không dùng dữ liệu để nói rằng đây là những người chúng ta có thể thuyết phục ở nhà," ông Watkins nói với kênh Channel 4 News.
Ước tính có khoảng 2 triệu cử tri da đen tại Mỹ từng bỏ phiếu cho cựu tổng thống Barack Obama vào năm 2012, nhưng không đi bầu cho bà Hillary Clinton.
Tại Wisconsin, số phiếu bầu của ông Trump ngang bằng với ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng Hòa năm 2012, nhưng bà Clinton thua cuộc tại đây do thiếu phiếu bầu ủng hộ. Bà nhận được ít hơn ông Obama 230.000 phiếu.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump chi 44 triệu USD cho quảng cáo trên Facebook, và có tổng cộng 6 triệu quảng cáo. Tuy vậy chỉ có một số ít các quảng cáo chỉ trích bà Clinton được ghi nhận, và Facebook không công bố có bao nhiêu quảng cáo, với nội dung như thế nào, được sử dụng vào thời điểm đó.
Facebook gần đây cho biết "từ năm 2016, các cuộc bầu cử đã thay đổi, và chúng tôi cũng vậy - những gì đã xảy ra với Cambridge Analytica sẽ không thể xảy ra hôm nay". Bên cạnh đó, công ty cũng cho biết đã "có những quy định cấm việc ngăn chặn cử tri bỏ phiếu" và "đang thực hiện chiến dịch thông tin về bầu cử lớn nhất lịch sử Mỹ".
Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump gọi điều tra của Channel 4 News là "tin giả".
"Tổng thống Trump đã xây dựng mối quan hệ dựa trên niềm tin với cử tri Mỹ gốc Phi bằng việc cải cách công lý tội phạm thông qua Luật Bước đi Đầu tiên, tạo ra những Khu vực Cơ Hội và mới đây là Kế hoạch Bạch kim đầu tư 500 tỷ USD cho cộng đồng da đen," ông Tim Murtaugh nói.
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)