Dự trữ quốc tế của Ngân hàng Quốc gia Malaysia đã giảm xuống còn 116,2 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2024, so với mức 118,1 tỷ USD ở thời điểm ngày 13/12/2024. Tức chỉ trong hơn 2 tuần, dự trữ quốc tế của Malaysia đã sụt mất 2 tỷ USD.
Tờ The Star của nước này dẫn báo của Ngân hàng Quốc gia Malaysia cho biết trong một tuyên bố: "Dự trữ đủ để tài trợ cho 5 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, và bằng tổng nợ nước ngoài ngắn hạn".
Các thành phần chính của dự trữ quốc gia Malaysia ở thời điểm báo cáo là dự trữ ngoại tệ (103,7 tỷ USD), dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (1,2 tỷ USD), quyền rút vốn đặc biệt (5,7 tỷ USD), vàng (3,3 tỷ USD) và các tài sản dự trữ khác (2,3 tỷ USD).
Hãng tin Bernama (Malaysia) dẫn nguồn tin từ ngân hàng trung ương của nước này cho biết các khoản chi tiêu được xác định liên quan đến trả nợ cũng như trái phiếu quốc gia, trong 12 tháng tiếp theo, lên tới 14,03 tỷ USD.
Báo cáo cho biết dòng tiền nước ngoài dự kiến chảy vào sẽ đạt 2,54 tỷ USD trong 12 tháng tới. Nguồn thu ròng ngắn hạn lên tới 399,8 triệu USD.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2024, Ngân hàng Quốc gia Malaysia cũng thông báo dự trữ quốc tế của nước này bị sụt mất 2 tỷ USD. Cụ thể, khi đó, dự trữ quốc tế của Ngân hàng Quốc gia Malaysia đã giảm xuống còn 117,6 tỷ USD tính đến ngày 30/10 so với 119,6 tỷ USD tính đến ngày 15/10.
Tại ngày 30/10/2024, các thành phần chính của dự trữ quốc tế của Malaysia là dự trữ ngoại tệ, ở mức 104,6 tỷ USD, tiếp theo là dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (1,3 tỷ USD), quyền rút vốn đặc biệt (5,9 tỷ USD), vàng (3,3 tỷ USD) và các tài sản dự trữ khác (2,5 tỷ USD).
Như vậy, trong khoảng 2 tháng - cuối tháng 10/2024 đến cuối tháng 12/2024, dự trữ quốc tế của Malaysia sụt 1,4 tỷ USD.
Theo Bloomberg, đồng ringgit của Malaysia là đồng tiền có hiệu suất hoạt động tốt nhất trong các thị trường mới nổi vào năm 2024. Đồng tiền này tăng giá 2,7% so với đồng đô la Mỹ, chấm dứt ba năm giảm liên tiếp.
Đa số các nước chọn dự trữ quốc tế bằng đồng USD
Dự trữ quốc tế, hay còn được gọi là dự trữ ngoại hối hoặc dự trữ hối đoái (international reserves or foreign exchange reserves), đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định tài chính và xử lý các khoản thâm hụt cán cân thanh toán giữa các quốc gia.
Đây là những tài sản tài chính mà các quốc gia tích lũy để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ, cung cấp độ tin cậy cho chính sách tài chính và bảo vệ khả năng mua hàng nước ngoài.
Dự trữ quốc tế là các tài sản tài chính mà một quốc gia sở hữu và giữ dưới dạng tiền tệ của các quốc gia ngoại hối khác. Thông thường, dự trữ quốc tế của một quốc gia bao gồm các loại tiền tệ phổ biến như đô la Mỹ, euro, yen Nhật Bản và bảng Anh, cũng như một số loại tài sản tài chính khác như trái phiếu chính phủ, vàng và đồng tiền của các quốc gia khác.
Dự trữ quốc tế có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì sự ổn định tài chính cho một quốc gia. Các quốc gia sử dụng dự trữ quốc tế để đảm bảo khả năng thanh toán và hỗ trợ các hoạt động thương mại quốc tế.
Theo đó, dự trữ quốc tế là tài sản được tính bằng ngoại tệ do ngân hàng trung ương nắm giữ nhằm mục đích bảo đảm các khoản nợ phải trả và tác động đến chính sách tiền tệ.
Dự trữ quốc tế có thể có nhiều hình thức, bao gồm tiền mặt và trái phiếu. Chúng có thể cung cấp một khoản đệm trong thời kỳ khủng hoảng, nếu đồng tiền của một quốc gia mất giá.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến quý 3/2024, tổng dự trữ quốc tế của toàn cầu là 12.730 tỷ USD. Trong đó, phần lớn là dự trữ bằng đồng USD, 6.796 tỷ USD. Và Trung Quốc là nắm giữ dự trữ quốc tế lớn nhất thế giới.
Theo Dy Khoa (Nhịp Sống Thị Trường)