Tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập trong việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các thương nhân đầu mối có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và 20 ngày tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Từ năm 2017 đến ngày 30-9-2022, có15/34 thương nhân đầu mối (chiếm 90% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong nước) dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu thiếu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu là 1.028.918,8 tấn/m3.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, trong số 15 đầu mối được kiểm tra, có 9/15 thương nhân đầu mối dự trữ xăng thiếu từ 5-9 tháng và có 8/15 thương nhân đầu mối dự trữ dầu thiếu từ 6-9 tháng...
Dẫn đến, khi nguồn cung khan hiếm, không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian qua.
TTCP kết luận Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, dẫn đến không khắc phục được việc các thương nhân đầu mối dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu thiếu trong nhiều năm (từ năm 2017 đến ngày 30-9-2022), ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng.
Dự trữ xăng dầu còn nhiều bất cập
Về quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam, TTCP cho biết tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 quy định: "Dự trữ xăng dầu thương mại tại các kho đầu mối nhập khẩu xăng dầu bảo đảm ổn định nhu cầu thị trường trong nước do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện".
Trong 5 năm, thực hiện Quyết định số 1030/QĐ-TTg, có 13/82 dự án đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động với tổng công suất là 659.300 m3, đạt 15%; 25/82 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện với công suất là 3.562.300 m3.
Theo TTCP, việc xây dựng kho xăng dầu thương mại hiện nay, đều do doanh nghiệp tự đầu tư nên phụ thuộc vào nhu cầu, năng lực của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phép thương nhân đầu mối được thuê kho để làm điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên không khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư xây dựng kho, dẫn đến kết quả đầu tư kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch thấp như nêu trên.
Việc đầu tư xây dựng kho dự trữ quốc gia thuộc trách nhiệm của Nhà nước, vốn đầu tư được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước (Quyết định số 1030/QĐ-TTg), tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, Nhà nước chưa bổ sung nguồn vốn đầu tư nên hệ thống kho để dự trữ xăng dầu quốc gia chưa được đầu tư xây dựng, nhà nước cho phép tiếp tục hình thức thuê kho tại các kho xăng dầu đầu mối để thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia.
Tại thời điểm ngày 30-6-2022, dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đạt khoảng 7 ngày sử dụng, không đáp ứng mức dự trữ xăng dầu quy định tại Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 là 10 ngày và Quyết định số 1030/QĐ- TTg là 14 ngày, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Theo Minh Chiến (Nld.com.vn)